Tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật những tháng cuối năm
Thời điểm này, người chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để chuẩn bị xuất bán, phục vụ nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng con nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.
Kiểm dịch động vật tại Trạm Kiểm dịch động vật và thủy sản thị xã Nghi Sơn.
Thanh Hóa có tổng đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, gia cầm 26 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 423 triệu con. Bên cạnh đó, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn nhiều, người chăn nuôi chưa chú trọng thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát tại các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa khiến nguy cơ lây lan và bùng phát bệnh cao; thời tiết đã chuyển sang đông, dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại làm GSGC không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm... Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật sẽ tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Vì vậy, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Tại huyện Yên Định, bà Trần Thị Quân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, cho biết: “Là địa phương phát triển chăn nuôi với số lượng trang trại, gia trại lớn, vì vậy, chúng tôi đã chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, bảo đảm vệ sinh thú y đối với nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, giết mổ sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán con giống. Trong quá trình kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật; yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với hoạt động giết mổ động vật để nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất, người tiêu dùng; không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm”.
Để phòng ngừa nguy cơ xâm nhập các loại dịch bệnh trên đàn GSGC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, kiểm soát các xe chở GSGC đi qua địa bàn tỉnh tại các trạm kiểm dịch động vật. Các phương tiện phải dừng lại xuất trình giấy tờ kiểm dịch, kiểm tra niêm phong kẹp chì, thẻ tai trâu bò, dụng cụ chứa đựng, phun thuốc tiêu trùng, khử độc trên các phương tiện vận chuyển, đóng dấu xác nhận trước khi đi qua địa bàn... Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Cùng với công tác kiểm tra, các tổ công tác đã kết hợp hướng dẫn các chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; các trang trại, cơ sở chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật phải có trách nhiệm đăng ký với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm dịch được khoảng 310.200 con lợn thịt, 257.320 lợn thương phẩm, hơn 1,6 triệu gia cầm giống và gần 700.000kg thịt gà, 9.000kg tóp mỡ, gần 200.000kg da trâu, bò... vận chuyển ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, kiểm dịch được 666 trâu, bò giống, 142.000 lợn thịt, 500 lợn sữa xuất khẩu, 1,1 triệu gia cầm giống; hơn 19.000kg thịt trâu bò... tại các đầu mối giao thông.
Thời gian tới, trước tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, đáp ứng nguồn cung thịt GSGC những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và nhận thức của người dân khi vận chuyển, kinh doanh, giết mổ GSGC. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật 24/24 giờ; tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội, trạm kiểm dịch lưu động nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC; chỉ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng...
Bài và ảnh: Lê Ngọc
- 2024-10-31 15:16:00
Giảm gần 400 đồng, giá xăng RON95-III về ngưỡng 20.500 đồng mỗi lít
- 2024-10-31 14:03:00
9 tháng, thị trường nước ngoài tăng 15,7%, đóng góp gần 8.350 tỷ đồng cho Vinamilk
- 2024-10-30 10:25:00
BIDV Bỉm Sơn tăng tốc “về đích”, tạo đà bứt phá cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030
Đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp
Hoằng Hóa: Quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản
Đón mùa lễ hội cuối năm, Vietjet mở lại loạt đường bay đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ phục vụ người dân và du khách
Kế hoạch Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tầm nhìn đến năm 2050
Bản tin Tài chính ngày 30/10: Giá vàng liên tục biến động, người mua khó quyết
Thị trường ô tô vào mùa nước rút: Khách hàng Việt rủ nhau chốt xe điện VinFast giá hời
Xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng tại BQL rừng phòng hộ Quan Sơn
Bản tin Tài chính 29/10: Giá vàng “quay đầu” giảm
Gạo Việt Nam không nằm trong danh sách bị tạm giữ tại Thuỵ Điển