Sản phẩm OCOP “chạy đua” dịp cuối năm
Cuối năm là dịp thị trường trở nên sôi động, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương, nhất là sản phẩm OCOP ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như thêm cơ hội quảng bá các sản phẩm OCOP, các chủ thể sản xuất hàng OCOP trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa cho dịp tết.
Sản phẩm rượu sâm Báo của cơ sở sản xuất An Tâm (Vĩnh Lộc) đổi mới mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu người dùng.
Tính đến hết tháng 11/2023, tỉnh Thanh Hóa có 452 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong đó, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ... thích hợp để làm quà biếu và tiêu dùng trong dịp tết. Vì vậy, cuối năm là thời điểm các chủ thể đẩy mạnh sản xuất, thay đổi về mẫu mã để làm hài lòng khách hàng, người tiêu dùng.
Đến huyện Vĩnh Lộc, không khí sản xuất các sản phẩm OCOP đã rất nhộn nhịp. Các chủ thể sản xuất đã và đang chuẩn bị những công đoạn cho sản xuất sản phẩm quy mô lớn. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Đặng Thị Bắc, cho biết: "Huyện hiện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, thế mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng làm quà biếu dịp lễ, tết như rượu sâm Báo An Tâm, nem dê, kẹo lạc, kẹo vừng Hà Ly, trà túi lọc kim ngân hoa Đức Nguyên... Chính vì vậy, ngay từ tháng 10 âm lịch, các chủ thể đã sẵn sàng “chạy đua” để bảo đảm cung ứng sản phẩm số lượng lớn, chất lượng cao cho thị trường.
Tại cơ sở rượu sâm Báo An Tâm, không khí sản xuất những ngày cuối năm khá nhộn nhịp. Nhiều công nhân tất bật lọc rượu, ngâm rượu, đóng gói, dán nhãn sản phẩm... để kịp cung ứng ra thị trường. Dự kiến, 2 tháng cuối năm âm lịch cơ sở sản xuất khoảng 2.000 đến 3.000 chai rượu các loại để cung ứng cho thị trường. Chủ cơ sở sản xuất rượu An Tâm Đỗ Quang Dũng cho biết: Dự kiến dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cơ sở sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1.300 đến 1.900 lít rượu sâm Báo. Do nhu cầu của thị trường dịp tết đã chuyển dịch sang sử dụng rượu sâm Báo dưới dạng quà tặng, vật phẩm cúng lễ nên cơ sở chú trọng đến đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác để sản phẩm đẹp mắt, hấp dẫn, tiện dụng hơn. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều mẫu mã chai lọ đựng rượu, với dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng nhằm làm hài lòng khách hàng.
Đã thành truyền thống, cuối năm là dịp thị trường có nhu cầu lớn về các sản phẩm đồ khô trong đó có miến dong. Chính vì vậy, 5 cơ sở sản xuất miến dong OCOP của tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để cung ứng cho thị trường. Dịp này, đến xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) - địa phương có sản phẩm OCOP miến dong Hương Ngọc, dễ dàng cảm nhận được không khí khẩn trương sản xuất. Được biết, đây là thời gian cây dong riềng thu hoạch, cũng là thời điểm người dân trong xã bắt tay vào vụ sản xuất chính. Ông Đỗ Viết Chuyên, thành viên tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến miến dong Hương Ngọc, cho biết: "Gia đình tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, gia đình đã đầu tư máy đảo rửa, nghiền bột và cán sợi để tăng công suất làm miến bảo đảm cung ứng đủ cho những đơn hàng được đặt trước. Theo ước tính, mùa làm miến năm nay, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn sản phẩm, thu nhập khoảng 360 triệu đồng. Hiện đang những ngày chính vụ sản xuất, gia đình phải thuê 10 lao động thời vụ với thu nhập 140 nghìn đồng/ngày để sản xuất, vận chuyển miến đến các cơ sở tiêu thụ, kinh doanh trong tỉnh và cung cấp đi một số tỉnh ngoài".
Để cung ứng một lượng lớn sản phẩm miến dong cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này khoảng 50 hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Liên đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các đơn hàng. Tất cả các khoảng đất trống trước sân, vườn, người dân thiết kế giàn cao để làm nơi phơi miến. Mỗi hộ đều có những bí quyết riêng để làm nên sợi miến mềm dẻo, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của bà con nơi đây gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng và trở thành đặc sản của địa phương.
Năm 2023 tiếp tục là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh đối với các chủ thể OCOP khi giá các loại nguyên liệu sản xuất đều tăng, giá vận chuyển cao hơn, trong khi đó thị trường tiêu thụ có vẻ trầm hơn các năm trước. Do đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đều dè chừng, theo dõi tín hiệu của thị trường để sản xuất, tích trữ hàng hóa.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: "Để hỗ trợ các chủ thể, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức thêm các sự kiện trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường. Cùng với đó, văn phòng phối hợp với một số ngành chức năng tăng cường kiểm tra đối với các chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và giữ thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:28:00
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2023-12-06 10:00:00
Chuyển đổi tư duy
Nông sản “cất cánh” nhờ xúc tiến thương mại
Chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường tết
Thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn các dự án nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái ở huyện Thường Xuân
Định mức đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình tại khu vực miền núi Thanh Hóa
Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu
Thạch Thành phát huy hiệu quả đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
80 hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Bá Thước được hỗ trợ vật tư sản xuất cây dược liệu hữu cơ
Thường Xuân chú trọng phát triển HTX đa dịch vụ
Như Xuân thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại động vật