Phát huy tinh thần đại thắng, Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu
Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những giá trị của Đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn âm vang cùng thời đại, mãi mãi khắc ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc và trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Để rồi góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên khắp mọi miền tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm gìn giữ nền độc lập thống nhất mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành được, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Một góc TP Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Đông
Vang mãi khúc ca khải hoàn
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Bác Hồ trước lúc ra đi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Ngày 1/5/1975, Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày lễ mừng chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của cán bộ và Nhân dân cả nước.
Cách đây 49 năm, tại Hà Nội, ngày 15/5/1975, bài diễn văn của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trong buổi lễ mừng chiến thắng nhấn mạnh: “...Hôm nay, với niềm vui vô hạn, 45 triệu đồng bào cả nước tưng bừng mở hội, thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị của thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta. (...) Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trang sử mới vô vùng vĩ đại và làm phấn chấn lòng người đang chờ đón 45 triệu đồng bào ta là thực hiện đầy đủ Di chúc của Bác Hồ vĩ đại: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Đóng góp cho sự thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa xuân năm 1975 và kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, quê hương Thanh Hóa có một phần vinh dự. Những năm chiến tranh, quân và dân Thanh Hóa vừa chiến đấu, vừa sản xuất “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều người con quê hương Thanh Hóa đã lên đường ra trận, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Hòa bình lập lại, những người lính trở về quê hương, có người may mắn cơ thể còn lành lặn, có người để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ...
“Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại trận địa Đông Ngàn, xã Hoa Lộc (Hậu Lộc), trên mảnh đất khói lửa ngày nào, cách đây 57 năm, ngày 16/6/1967, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã lập chiến công, bắn rơi 1 máy bay của Mỹ chỉ sau gần 1 tháng thành lập. Đây là đơn vị dân quân gái đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Tin dân quân gái Hoa Lộc bắn rơi máy bay nhanh chóng lan khắp cả trong và ngoài nước. Ngày 5/7/1967, Bác Hồ đã gửi thư khen.
Ngày hôm nay, trên trận địa Đông Ngàn, ngô, lúa, hoa màu xanh mướt. Từ sự nỗ lực đồng lòng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, Hoa Lộc đã xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu. Trên mảnh đất Hoa Lộc, Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm và đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử trận địa Đông Ngàn và tượng đài Trung đội dân quân gái Hoa Lộc (Hậu Lộc). Dự án đã và đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng theo từng giai đoạn, đây chính là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ và mãi là niềm tự hào về tinh thần yêu nước, cách mạng trên quê hương Hoa Lộc.
Trong lần về thăm và làm việc lần đầu tiên với Thanh Hóa năm 1947, Bác đã nhấn mạnh đến việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Trước lúc chia tay, Bác nhắn gửi tha thiết tới đồng bào với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.
Những lời chỉ bảo sâu sắc mang tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu đã soi sáng, chỉ lối để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng thành hậu phương lớn vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng quê hương trên đường đổi mới, phát triển.
Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn nên dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song những năm qua Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Đặc biệt trong năm 2023, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thanh Hóa vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bất, nhất là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,01%, cao hơn bình quân chung của cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 40.000 tỷ đồng, vượt 14,1% so với dự toán, đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 170.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Gần 3.450 doanh nghiệp mới thành lập. 100% thôn, bản trong toàn tỉnh đã có lưới điện quốc gia (hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu)...
Trong bức tranh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều điểm sáng nổi lên trở thành lực đẩy tăng trưởng quan trọng. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là trụ đỡ cho sự ổn định của kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Mức tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và là mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng sản lượng lương thực đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch. Tính đến hết năm 2023, Thanh Hóa đã tích tụ được gần 50 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó riêng năm 2023, tích tụ tập trung hơn 7,1 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Chuyển đổi hơn 2,4 nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên 82.000 ha. Trong năm đã xuất khẩu lô vải không hạt đầu tiên của tỉnh sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Năm 2023 là năm “bùng nổ” của du lịch Thanh Hóa, khi vượt chỉ tiêu đón khách chỉ trong vòng 11 tháng. Trong năm, Thanh Hóa đón khoảng 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 24 nghìn tỷ đồng. Hoạt động du lịch được tổ chức sôi động, đa dạng từ du lịch biển, đến du lịch sinh thái, tâm linh. Trong năm, Thanh Hóa tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch giữa Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam bộ, Tây Bắc. Đặc biệt, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch mới được đưa vào khai thác, đã gia tăng tính cạnh tranh về sản phẩm du lịch, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước...
Hoạt động cải cách thủ tục hành chính chuyển biến tích cực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. Trong năm, xếp hạng chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR, INDEX) đứng thứ 10 cả nước. Tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển. Ở các lĩnh vực khác như công nghiệp, kinh tế hạ tầng... Thanh Hóa cũng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Song song với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có bước chuyển tích cực, nhất là giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, an sinh xã hội... Toàn tỉnh có 363 xã NTM, 97 xã NTM nâng cao, 23 xã NTM kiểu mẫu; 717 thôn đạt NTM, 480 thôn NTM kiểu mẫu.
77 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa và 49 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa mãi luôn khắc ghi lời di huấn của Người, phát huy tinh thần đại thắng mùa xuân năm 1975, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cùng với Nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Văn kiện Đảng toàn tập - tập 36, NXB Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2004).
Ngọc Huấn - Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-04-21 08:40:00
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Bản hùng ca bất diệt
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra thành công
Văn hóa ẩm thực: Mỹ tục đặc sắc trên quê hương vua Lê Đại Hành
Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử vùng biển xứ Thanh
Những bông hồng nở hoa
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn
Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới
Tháng 3 mùa xuân biên cương