(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa đã phát huy tinh thần “5 vững”: giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị; giữ vững niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh, môi trường rừng đầu nguồn; giữ vững an ninh nguồn nước, qua đó đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển.

Phát huy tinh thần “5 vững” để phát triển

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa đã phát huy tinh thần “5 vững”: giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị; giữ vững niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh, môi trường rừng đầu nguồn; giữ vững an ninh nguồn nước, qua đó đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện từng bước phát triển.

Phát huy tinh thần “5 vững” để phát triểnNghề nuôi cá lồng ở bản Tà Bán, xã Trung Sơn (Quan Hóa) góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Hà Thị Hương chia sẻ: "Là 1 trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Quan Hóa đối mặt không ít khó khăn thử thách, đặc biệt những năm đầu nhiệm kỳ, dịch bệnh COVID-19 đã làm “ngưng trệ” phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết thống nhất, các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các xã, thị trấn đã tập trung nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh, những yếu tố thuận lợi, cũng như những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn của huyện trong quá trình phát triển, để có những định hướng cho sự phát triển với mục tiêu đưa Quan Hóa thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025".

Năm 2016, khi thủy điện Trung Sơn hoàn thành thực hiện tích nước và đi vào hoạt động, người dân bản Tà Bán, xã Trung Sơn đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, ban đầu có 15 hộ sau hơn 8 năm phát triển đến nay đã có 55 hộ nuôi với tổng số 152 lồng bè, chủ yếu nuôi các loại cá nước ngọt như cá lăng đen, cá trắm... Ông Phạm Bá Lĩnh, một trong những hộ nuôi cá ở thôn Tà Bán, cho biết: "Từ câu lạc bộ những người nuôi cá, được sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền, những người nuôi cá đã triển khai thành lập HTX nhằm thúc đẩy nghề nuôi cá lồng ở bản Tà Bán, đồng thời để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nước đầu nguồn. Việc nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao, trừ chi phí mỗi năm một hộ gia đình thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng. Với lợi thế có sông Mã chảy qua, đặc biệt, từ khi Huyện ủy Quan Hóa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 28/6/2022 về “Phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Quan Hóa, giai đoạn 2022-2023”, xã Trung Sơn đã hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung tại khu vực cầu Tà Bán và đang phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Với lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp có trên 84 nghìn ha, trong triển khai thực hiện nghị quyết Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Quan Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế vườn rừng theo hướng bền vững, có tính chiến lược lâu dài. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo UBND huyện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu có giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng suất, giá trị kinh tế từ rừng và thu nhập cho người trồng rừng. Là địa phương có lợi thế về trồng luồng với diện tích luồng lớn nhất của cả tỉnh, tổng diện tích rừng luồng trên 27 nghìn ha, số lượng luồng khai thác mỗi năm đạt trên 10 triệu cây. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các xã có diện tích đất lâm nghiệp ở huyện Quan Hóa đã xác định luồng là một trong những cây trồng chủ đạo, phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng của địa phương. Do vậy đã chỉ đạo người dân vừa khai thác vừa khoanh nuôi chăm sóc tốt những diện tích luồng hiện có, đồng thời thực hiện phục tráng rừng luồng.

Đối với người dân xã Nam Tiến, cuộc sống đã vơi bớt khó khăn vất vả, do biết phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó xã đã xác định luồng là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Hiện xã có diện tích luồng lớn nhất của huyện với gần 4 nghìn ha. Chỉ tay về phía những cánh rừng xanh ngút tầm mắt, đồng chí Phạm Văn Toại, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tiến chia sẻ: "Ở Nam Tiến hiện nay không còn đất trống nữa. Người dân đã nâng cao ý thức về trồng rừng và thấy hiệu quả thiết thực từ rừng mang lại nên đã chuyển những diện tích cây trồng kém giá trị sang trồng luồng". Đối với huyện miền núi Quan Hóa hiện nay, ngoài việc vận động người dân tập trung trồng, chăm sóc những loại cây trồng bản địa như: Luồng, lát, lim thì những cây trồng như keo, xoan cũng đang được chính quyền địa phương khuyến khích trồng mới. Với tinh thần giữ rừng, giữ nguồn nước, cấp ủy chính quyền các xã trên địa bàn huyện Quan Hóa đã và đang tích cực phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì đà tăng trưởng; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt trên 3%, các lĩnh vực sản xuất có bước phát triển. Công tác quản lý, khai thác, khoanh nuôi và tái sinh rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt gần 85%, triển khai thực hiện cơ bản hiệu quả Đề án phục tráng rừng luồng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây luồng. Chương trình XDNTM được quan tâm chỉ đạo thực hiện, huyện đã có xã Phú Nghiêm đạt chuẩn NTM và 1 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hiện đang tập trung hoàn thành các tiêu chí XDNTM đối với 2 xã Thiên Phủ và Nam Xuân; trong đó xã Thiên Phủ đã đạt 13/19 tiêu chí; xã Nam Xuân đã đạt 10/19 tiêu chí. Toàn huyện đã xây dựng được 11 sản phẩm OCOP.

Với vị trí là huyện vùng sinh thái rừng đầu nguồn, có vai trò quan trọng bảo đảm môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, cấp ủy, chính quyền huyện Quan Hóa tiếp tục xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ vững an ninh rừng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh rừng gắn với chế biến lâm sản; nhất là các sản phẩm có thế mạnh của huyện như tre, luồng... góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Nguyễn Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]