Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn giống thủy sản
Chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trên địa bàn Thanh Hóa chất lượng nguồn giống và việc quản lý sản xuất, kinh doanh nguồn giống thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao hiệu quả ở lĩnh vực nuôi trồng, ngành nông nghiệp, các địa phương, cơ sở sản xuất đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng nguồn giống thủy sản, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững.
Khu dưỡng ương tôm giống của HTX nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).
Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, song những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng thủy sản của người dân ở một số huyện như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... chưa được như kỳ vọng. Ông Lê Văn Phương, một hộ nuôi tôm tại thôn Châu Triều, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) cho biết: Tuy đã tìm hiểu và kiểm tra chất lượng giống từ một số cơ sở nuôi tôm giống uy tín, nhưng việc nhập giống từ nơi khác do vận chuyển đường dài với mật độ cao làm tôm bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh, nên không ít lần ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của gia đình. Tình trạng này cũng xảy ra đối với nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn. Do đó, để chủ động nguồn giống bảo đảm, bên cạnh việc liên kết với những công ty sản xuất giống uy tín, gia đình tôi đã xây bể, lắp máy móc cần thiết để thử nghiệm di ương tôm giống. Đến nay, gia đình đã chủ động được kỹ thuật ương tôm giống, nên việc nuôi thả chủ động, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Được biết, ngoài tạo nguồn giống cho nuôi thả của gia đình, ông Lê Văn Phương còn cung ứng giống cho một số hộ nuôi trồng tại địa phương.
Thanh Hóa hiện có 19.200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 4.100 ha nuôi nước lợ, 14.100 ha nuôi nước ngọt và 1.000 ha nuôi nước mặn. Do đó, hàng năm nhu cầu về nguồn con giống chất lượng cao phục vụ nuôi trồng là rất lớn, song các cơ sở sản xuất, di ương, dưỡng ương trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu con giống cho các đơn vị nuôi trồng. Phần lớn nguồn giống phải nhập từ tỉnh ngoài, do đó tỷ lệ hao hụt, nhiễm bệnh và chi phí lớn, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi trồng. Do đó, ngành nông nghiệp, các đơn vị, địa phương có liên quan của tỉnh luôn quan tâm kiểm tra, theo dõi về chất lượng nguồn con giống, góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng bền vững, hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 44 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 3 cơ sở sản xuất tôm sú, ngao được cơ quan chuyên môn cấp phép. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở đã di ương được 1.275 triệu con tôm thẻ chân trắng, khoảng 1.000 triệu cá bột các giống trôi, mè, chép... Đây là nguồn giống chất lượng cao, được kiểm định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với hoạt động nuôi trồng của Nhân dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ cung cấp cho thị trường nguồn con giống không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới hiệu quả nuôi trồng.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh người dân thường chú trọng nuôi tôm trái vụ (vụ cuối năm) nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc nuôi tôm vụ cuối năm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, việc khan hiếm nguồn giống chất lượng, phần lớn tôm giống được nhập từ các tỉnh khác nên việc kiểm tra, theo dõi, quản lý nguồn giống được quan tâm hàng đầu. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa Lê Bá Quyết cho biết: Để bảo đảm nguồn giống trong nuôi trồng thủy sản, nhất là ở thời gian trái vụ, người nuôi phải tự nâng cao ý thức về nguồn giống của cơ sở mình nhập về. Theo đó, cần có hợp đồng ký kết để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống với cơ sở nuôi; theo dõi hồ sơ, chứng từ, thông tin về lô hàng nhập về, tránh thiệt hại cho cơ sở về sau. Cùng với đó, ngành nông nghiệp của huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, chất lượng các lô tôm giống; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Để công tác quản lý chất lượng con giống thủy sản đạt hiệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu giống cả về số lượng và chất lượng cho các vùng nuôi, tỉnh đã có Kế hoạch số 227/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030. Trong đó, chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Thanh Hóa phù hợp điều kiện thực tế, định hướng chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển trong Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022-2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất, ương dưỡng giống tập trung.
Cùng với đó, để bảo đảm nguồn giống thủy sản cho hoạt động nuôi trồng hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về tăng cường kiểm soát việc đưa con giống vào địa bàn và tuyên truyền cho người nuôi trồng chỉ mua giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan của tỉnh để kiểm tra, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất giống thủy sản kém chất lượng, chưa được kiểm dịch tại gốc. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các trại sản xuất giống thủy sản, bảo đảm an toàn về chất lượng.
Bài và ảnh: Lê Thanh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2023-11-27 09:27:00
Công trình vốn nông thôn mới chạy đua nước rút (Bài cuối): Tăng tốc trước vạch đích
Lấy Nhân làm gốc, Tập đoàn VAS vào “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 1): Không nên vì số mà coi nhẹ sao
Công điện của Thủ tướng về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm
Tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật những tháng cuối năm
Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường
Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Bảo tồn và phát triển dược liệu bản địa dưới tán rừng
TYM Chi nhánh Thanh Hóa 20 năm đồng hành cùng phụ nữ nghèo