Công trình vốn nông thôn mới chạy đua nước rút (Bài cuối): Tăng tốc trước vạch đích
Theo kế hoạch phân bổ vốn từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, nếu chủ đầu tư không giải ngân hết vốn theo kế hoạch sẽ bị thu hồi. Do các thủ tục kéo dài nên đa phần các dự án “ỳ ạch” giai đoạn đầu, thì những tháng cuối năm, nhiều địa phương và nhà thầu đang phải “vắt chân lên cổ” trong thi công để giải ngân vốn đúng kế hoạch.
“Dự án Đường giao thông, kênh thoát nước khu vực cụm công nghiệp thôn Thịnh Phát, xã Hà Bình, huyện Hà Trung” được vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM năm 2023 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công vào những ngày cuối năm. Ảnh: P.V
Tại huyện Cẩm Thủy, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, các chủ đầu tư hiện đang tập trung phấn đấu thực hiện và cam kết hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2023. Bởi lẽ đến ngày 15/11 này, toàn huyện mới giải ngân trung bình 59,03% vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Trong đó, vốn năm 2022 kéo dài 14,28 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 91,3%; vốn kế hoạch năm 2023 gần 6,2 tỷ đồng, đạt 32,4% kế hoạch giải ngân. Có nghĩa trong 2 tháng cuối năm, huyện Cẩm Thủy cần phải giải ngân thêm hơn 18 tỷ đồng mới “cán đích” 100% kế hoạch được giao. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với địa phương.
Ông Phạm Đắc Dung, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cẩm Thủy cho biết: “Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền đến chủ đầu tư, nhà thầu; trong đó, thành lập các tổ công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư; yêu cầu các nhà thầu báo cáo tiến độ khối lượng công việc thực hiện theo cam kết đã được ký kết; thực hiện cắt giảm 50% thời gian so với quy định về các thủ tục thẩm định đầu tư, thủ tục trình phê duyệt các bước thực hiện của dự án đang chuẩn bị đầu tư mới. Cùng với đó, huyện yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư xây dựng báo cáo thường xuyên tiến độ công việc, làm cơ sở đánh giá năng lực hoàn thành công việc của nhà thầu, chủ đầu tư, các phòng ban liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Để nhanh chóng giải ngân hết nguồn vốn năm nay, huyện cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, các chủ đầu tư và các xã, thị trấn phải khẩn trương lập hồ sơ quyết toán gửi thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện đạt chuẩn NTM. Đến nay, địa phương miền núi này vẫn còn 4 tiêu chí cấp huyện cần phải hoàn thành. Do vậy, khối lượng công việc cần phải thực hiện để huyện được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2025 còn rất nhiều. Để có thể đạt mục tiêu về đích NTM, địa phương rất mong muốn tiếp tục được thụ hưởng nguồn vốn trợ lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.
Nhiều công trình nâng cấp đường giao thông theo vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM ở huyện Nga Sơn đã và đang hoàn thành dịp cuối năm.
Với huyện Lang Chánh, trong năm 2023 này, toàn huyện có 15 công trình được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM. Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 5 công trình. Tiến độ giải ngân nguồn vốn kéo dài năm 2022 đã đạt hơn 98%. Đối với 7 dự án được hỗ trợ đầu tư năm 2023 cũng đã đạt tỷ lệ gần 70%. Hiện nay, Lang Chánh đang chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ nghiệm thu công trình, giải ngân 100% vốn phân bổ cho dự án và đưa vào hoạt động trong năm nay. Đối với các công trình được bố trí vốn năm 2023, các phòng, ban chuyên môn của huyện cũng đang đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng, thường xuyên báo cáo tiến độ khối lượng công việc thực hiện theo cam kết đã được ký kết. Cùng với đó, địa phương cũng yêu cầu các chủ đầu tư có công trình thực hiện nghiêm theo quy định về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Huyện Lang Chánh đang đề xuất thêm dự án “Hệ thống thông tin và truyền thông tại 2 xã Tam Văn, Yên Thắng” và “Sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước sạch tập trung” trong kế hoạch vốn năm 2024.
Trong 2 năm 2022 và 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng các công trình, dự án theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh là 1.092,85 tỷ đồng. Trong đó, số vốn phân bổ trong năm 2022 (có nhiều dự án được kéo dài gối sang năm 2023) là 564,66 tỷ đồng; kế hoạch vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình, dự án trong năm 2023 là 528,19 tỷ đồng. Tính riêng các dự án được kéo dài từ năm trước và dự án triển khai mới trong năm 2023, các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh được giao làm chủ đầu tư 316 công trình, dự án. Nhiều nhất là huyện miền núi Quan Hóa với 47 công trình, các huyện Triệu Sơn và Cẩm Thủy đều có 19 dự án, Như Xuân 18 dự án, Nga Sơn 17 dự án, Ngọc Lặc 16 dự án, Hoằng Hóa và Thạch Thành đều có 15 dự án... Được hưởng thụ nguồn ngân sách hỗ trợ để triển khai từ 8 đến 13 dự án NTM có tới 14 địa phương, còn lại cũng đều có từ 1 đến 5 dự án.
Tổng hợp mới nhất từ Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 15/11/2023, lũy kế tiến độ giải ngân vốn của các dự án triển khai năm 2022 đã đạt 96,87%, dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn. Với các dự án được triển khai năm 2023, đến cùng thời điểm giữa tháng 11 này, tiến độ giải ngân vốn đã đạt 48,18%. Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, song các địa phương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các công trình, dự án đã có lộ trình đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn của năm 2023 như phân bổ của Nghị quyết số 368/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 và Nghị quyết số 397/NQ-HĐND ngày 15/11/2023 của HĐND tỉnh.
Cuối năm 2023, đồng bào ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) được thụ hưởng dự án nước sạch tập trung từ vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương cho XDNTM.
Theo ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh: “Giai đoạn 2021-2025 xảy ra nhiều biến cố, dịch COVID-19 bùng phát, suy thoái chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến nguồn thu của các xã, huyện và cả tỉnh. Vì vậy, vốn Trung ương hỗ trợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của địa phương. Đối với toàn tỉnh, nguồn ngân sách Trung ương không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Trung ương với Thanh Hóa, mà còn góp phần giúp địa phương tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, qua đó phát triển kinh tế, giảm các vấn đề tiêu cực của xã hội. Với các huyện, xã khó khăn, nhất là miền núi thì nguồn vốn hỗ trợ này chiếm phần lớn lượng đầu tư công vào các dự án, các dự án chủ yếu là các hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con, và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Càng ý nghĩa hơn với những địa phương có kế hoạch về đích NTM, bởi nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương góp phần làm vốn “mồi” để huy động nội lực của người dân địa phương, góp phần nâng cao, cổ vũ tinh thần đổi mới, chung tay XDNTM của người dân”.
Cũng theo ông Dương Văn Giang: “Để các công trình, dự án được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM chạy đua tiến độ thời điểm cuối năm, cứ mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, đơn vị đều có công văn gửi UBND các huyện để đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ. Đến cuối tháng 11 này, vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân gần 100%. Vốn NTM năm 2023 cũng đạt tỷ lệ giải ngân thuộc tốp cao so với mặt bằng chung cả nước và các chương trình mục tiêu quốc gia khác”.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-11-24 15:24:00
Chăm sóc đào, quất chuẩn bị cho thị trường tết
-
2023-11-27 08:00:00
Lấy Nhân làm gốc, Tập đoàn VAS vào “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Để sản phẩm OCOP phát triển hài hòa giữa lượng và chất (Bài 1): Không nên vì số mà coi nhẹ sao
Công điện của Thủ tướng về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm
Tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật những tháng cuối năm
Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường
Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Bảo tồn và phát triển dược liệu bản địa dưới tán rừng
TYM Chi nhánh Thanh Hóa 20 năm đồng hành cùng phụ nữ nghèo
Sửa đổi tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại