Mùng 1 Tết cha
... Bước qua những bão giông, tôi mới hiểu, mỗi ngày bố gieo một hạt mầm tử tế để tôi bước vào cuộc đời nhẹ nhàng, bằng phẳng hơn; độ lượng và không hẹp hòi với cuộc đời.
Chạc tuổi tôi, có lẽ không mấy ai không biết tới cuốn lịch vạn niên mỏng mảnh bìa màu vàng. Đón tết là lo toan với đủ chuyện, sắm sanh đủ thứ, cứ như cả năm thiếu thốn, tết là phải đủ đầy; cứ như nếu không mua sắm là sẽ không được đón cái tết thật sung túc, thật vui tươi. Mà đã mua thì không thể thiếu cuốn lịch vạn niên.
Ấy thế mà tự lúc nào, ai nấy bẵng quên đi tài liệu quen thuộc, thay vào đó là tìm hiểu mọi thông tin trên “cõi mạng”, gieo quẻ năm nay xuất hành theo hướng nào thì đón được thần tài. Xem thì xem thế thôi, chứ kể từ khi ra ở riêng đến nay, hướng xuất hành của tôi là nhà bố mẹ.
- Tại sao lại cứ phải đến nhà ông đầu tiên hả mẹ?
Vì người ta có câu ... “mùng 1 Tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Tết làm gì thì làm, vui gì thì vui, chơi gì thì chơi, ngày mùng là dành cho gia đình, người thân.
Thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên ngày đầu năm mới là nét văn hóa của người Việt.
Chiều 30 khép lại một năm cũ, qua thời khắc giao thừa là sang năm mới, vòng tuần hoàn của thời gian không dừng lại chờ đợi bất cứ ai. Xuân tới là khi người ta muốn cất đi những ưu phiền vào góc “quá khứ”, gói theo hy vọng để bước qua hiện tại đến với tương lai. Nhưng nếu ai đó chỉ muốn ký ức “đau thương” bị xóa sạch theo làn mưa phùn, xóa luôn cả những niềm vui áo mới, xóa cả những ánh lửa xòe xòe tí tách quanh nồi bánh chưng, xóa hết những ngày nồm ẩm ướt của Giêng, Hai, những thất vọng khi quả pháo bị xịt và vỡ òa nhìn ánh sáng vụt bay trên nền đen thẫm của đêm giao thừa. Cuộc đời hẳn sẽ buồn, sẽ nhạt, sẽ chẳng cần ôn cố tri tân làm gì, nếu thiếu vắng không khí này.
Mới chiều qua chúng tôi còn ra mộ, thắp nén nhang mời ông bà tổ tiên, mời bố về ăn tết. Đã 5 năm, bố rời xa chúng tôi, chiều 30 dù tất bật với đủ mọi thứ, nhưng chỉ cần thắp lên nén hương vòng là tôi lại nghĩ đến bố. Đời người mang theo những hỷ nộ ái ố, mùa đông qua đi là lại tới mùa xuân, có làm cha mẹ mới biết lòng người đã sinh ra mình.
Tôi lớn lên, rồi đi xa, cổng làng mờ dần, ngôi nhà tôi cứ nhỏ lại, có khi chỉ còn dáng lòng khòng của bố, sự tất bật của mẹ. Tôi nhớ ngày xa xưa, chỉ chờ quá trưa là bố dắt tôi đi xung quanh hàng xóm láng giềng chúc tết. Không có cái cây đa xù xì mốc thếch vững chãi ngay đầu làng, thế nào những người xa quê cũng đi lạc. Còn bố mẹ là còn những yêu thương, còn những mong chờ, còn những lời vuốt ve.
“Bố may mắn được đón thêm một cái tết, bố mong, bố có đi xa thì đây vẫn là nhà để các con trở về”. Đứng giữa làng còn lơ ngơ lạc vì sự đổi thay, ngồi trong nhà mơ những xa xôi tâm trí cũng lạc bay; tha phương cùng trời cuối đất, bôn ba giữa đời, làm sao tránh được những bước sai lỡ? Bố luôn luôn dung thứ, dang tay đón tôi.
“Phải cố gắng con à, tết đến là phải gói bánh, phải làm giò, có nồi thịt đông... Đừng nghĩ bớt việc cho khỏe, mà hãy nghĩ làm cho ấm nhà, cho các cháu nhìn vào”... bố dặn dò tôi thế.
“Kiểu gì cũng phải sống, đã sống thì phải vui. Nếu con nghĩ ngày nào cũng là ngày vui thì mùa nào cũng sẽ là mùa xuân, con sẽ chờ đợi những mầm nụ tách ra khỏi thân cây, nhú chồi xanh, và tận hưởng sắc hương của hạnh phúc”.
... Bước qua những bão giông, tôi mới hiểu, mỗi ngày bố gieo một hạt mầm tử tế để tôi bước vào cuộc đời nhẹ nhàng, bằng phẳng hơn; độ lượng và không hẹp hòi với cuộc đời.
Không qua tuổi 75, mặc dù bố tôi đã rất vui vì bạn bè ông, người đã ra đi khi còn thanh xuân, người không tránh được bom đạn, người bệnh tật đeo đẳng... Nhưng với những đứa con, bố mẹ sống được năm nào là họ được lì xì rất nhiều hạnh phúc.
Kể từ ngày bố ra đi, tôi mới nhận ra rằng có những nỗi buồn ám ảnh mãi, không thể khóc thành tiếng; lúc bơ vơ tôi không biết nơi nào để tựa nương. Thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ, nhưng sự chia cách với người thân thương nhất thì mãi âm ỉ và nhức buốt.
Mùng 1 tết, thắp một nén nhang lên bàn thờ, để tôi tự căn dặn mình thêm một tuổi, sống thêm ý nghĩa. Bố đã gieo nhiều điều tốt đẹp để tôi gặt bao niềm vui, và rồi con cháu tôi, trong vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại ấy, ai cũng muốn mình sống hiếu thảo và ngoan ngoãn với người trên để dành phúc đức cho cháu con.
KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2024-12-12 10:06:00
Chủ nhân tượng vàng Oscar Quan Kế Huy vào vai sát thủ trong phim hài hành động
-
2024-12-12 09:58:00
“Khung mềm” xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn, lành mạnh
-
2024-02-10 06:25:00
Xứ Thanh trong hồn sông dáng núi
Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chiến lược Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
“Hoa Xuân Ca 2024”: Bữa tiệc bùng nổ cảm xúc của âm thanh và ánh sáng
Một năm ấn tượng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
Những điểm check-in không thể bỏ qua dịp Tết Giáp Thìn 2024
Tục dọn dẹp nhà cửa “tống cựu nghênh tân”
Về Na Kha - Mùa xuân đắm chìm cùng không gian Thái
[Podcast] Tản văn: Chuyện của đào
Bỏ túi top trải nghiệm từ Bắc chí Nam dịp Tết Giáp Thìn
Tây Ninh sẽ bắn pháo hoa mừng Hội xuân núi Bà năm Giáp Thìn vào mùng 4 Tết