Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 1): Hành trình tìm con chữ không bao giờ muộn
Khi những tia nắng cuối ngày khép lại cũng là lúc lớp học “đặc biệt” tại các xã giáp biên giới của huyện Mường Lát bắt đầu sáng ánh điện. Gọi là lớp học “đặc biệt” bởi chỉ dành cho đồng bào người Mông, người Thái không biết chữ. Học viên đa phần có mối quan hệ mẹ con, vợ chồng, chị em. Họ đến lớp học với mong ước đơn giản là biết đọc, biết viết để hiểu đúng, làm đúng quy định của pháp luật.
Thượng tá Lưu Văn Hảo (ĐBP Quang Chiểu) dạy học viên Vi Thị Khừn từng nét chữ. Ảnh: P.V
“Lớp học đặc biệt”
Học viên là những phụ nữ lớn tuổi không biết chữ và số ít có học viên nam. Lớp học diễn ra từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ, trong 3 tháng, thầy giáo không thuộc con số biên chế của ngành giáo dục.
Chúng tôi có hẹn với Thượng tá Lưu Văn Hảo, cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) Quang Chiểu, đóng chân trên địa bàn huyện Mường Lát. Anh Hảo dạy lớp xóa mù chữ ở bản Bóng, xã Mường Chanh. Khi chúng tôi có ý định muốn tham dự lớp học, anh vui vẻ đồng ý. Lớp học ban đầu có 39 học viên, nay còn 31 học viên, đều là đồng bào dân tộc Thái. Người ít tuổi nhất hơn 30 tuổi, người lớn tuổi nhất hơn 60.
Kể từ ngày tham gia lớp học xóa mù chữ, chị Lò Thị Thường (SN 1983) đã biết ghép vần đơn giản, đọc và viết tên của mình. Chị cho biết: “Trước đây mình không biết chữ nên khi làm giấy tờ gì cũng phải nhờ cán bộ hướng dẫn. Gia đình làm kinh tế đồi rừng, khi được vay vốn ngân hàng lại không biết ký tên nên phải điểm chỉ vào hợp đồng vay vốn. Nhiều lúc thấy bất tiện và thực lòng xấu hổ. Điện thoại thông minh cũng không biết sử dụng để tìm hiểu thông tin. Được Hội Phụ nữ xã Mường Chanh và ĐBP Quang Chiểu vận động đi học, tôi quyết tâm đến lớp, chăm chỉ học tập với mục tiêu phải biết đọc, biết viết”.
Bà Vi Thị Khừn (SN 1962) chia sẻ: “Dù mới đi viện về, nhưng tôi vẫn cố gắng đến lớp mong học được chữ. Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ không cảm thấy ngại ngùng, và quan trọng hơn là hiểu được những việc cán bộ triển khai tới người dân”.
Với quyết tâm đó, chị Thường, bà Khừn cùng những học viên ở bản Bóng đều khắc phục khó khăn đến lớp học đều đặn. Ai có ý định bỏ cuộc là chị em động viên đến lớp bằng được.
Ở lớp học xóa mù chữ bản Suối Lóng, Suối Phái, xã Tam Chung mỗi lớp có khoảng 30 học viên. Tại đây, chúng tôi rất ấn tượng với học viên Thào Thị Mo - người ít tuổi nhất nhưng lại có tới 5 người con, nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Mo bỏ học giữa chừng nên tái mù chữ. Nghe cán bộ vận động đi học, Mo lưỡng lự thì được chồng động viên đi học để còn dạy con và làm kinh tế. Hơn nữa, nhiều năm nay số lượng người Mông của bản biết chữ tăng lên, mình mà không biết chữ cũng thấy thẹn. Hiểu được tâm tư của chồng, Mo địu con mới vài tháng tuổi đến lớp mỗi tối mà không dám nghỉ vì buổi học sau sẽ khó tiếp thu bài. Thương chồng trông con cho vợ đi học, có hôm anh còn dẫn con đến lớp học cùng vợ nên Mo càng chăm chỉ đèn sách hơn. Kết thúc thời gian học, Mo đã mang được con chữ, niềm vui về tặng chồng.
“Giờ học hạnh phúc”
“Thầy” Hảo chia sẻ để mỗi giờ học đều là “giờ học hạnh phúc”, nghĩa là tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho học viên dễ tiếp thu bài, giờ học không bị lãng phí, vô nghĩa, mỗi chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Tuy không có nghiệp vụ về giáo dục nhưng lại phát huy kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, nắm bắt tâm lý tốt, hiểu tập quán sinh hoạt của người dân bản địa; có phương pháp truyền đạt phù hợp, có minh họa thực tiễn thì học viên mới hiểu. Chẳng hạn khi nói về cầu, phà... thì phải có hình ảnh minh họa cụ thể học viên hiểu. Giáo trình dạy học từ lớp 1 đến lớp 3, nhưng thực tế lúc dạy phải dựa vào nhận thức của người học, nói ngắn gọn, rõ ràng, dạy đánh vần cũng phải kiên trì, hướng dẫn tỉ mỉ. Mỗi bài học, tôi lồng ghép kể những câu chuyện về bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, nạn buôn bán người... Có những lúc pha trò cười để bớt căng thẳng cho học viên, giúp học viên dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Những hôm mất điện học viên vẫn miệt mài đến lớp học.
Những lớp học ở các bản Suối Lóng, Suối Phái (Tam Chung); Pa Búa, Tà Cóm (Trung Lý)... cũng “rộn ràng” không kém. Vợ chồng chị Va Thị Giá và Giàng A Dế học viên bản Suối Lóng chia sẻ: Lớp học rất vui, mỗi bài giảng thầy đều nói những kiến thức liên quan đến cuộc sống, sức khỏe, mối quan hệ làng bản, phòng chống sạt lở mùa mưa... nên chúng em dễ liên tưởng, hiểu bài. Ngoài giờ học, thầy cho chúng em giao lưu, phát huy năng khiếu bản thân như hát, múa, thể thao... Vì thấy vui và hiểu bài nên vợ chồng em mang cả con nhỏ đi học lúc mới hơn 1 tháng tuổi.
Thực tế, ở những lớp học xóa mù chữ không chỉ dạy chữ, dạy con số, mà còn có những bài học giáo dục công dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thụ kiến thức xóa đói, giảm nghèo... làm cho bài giảng gần gũi với cuộc sống. Trong quá trình học còn tổ chức hoạt động ngoại khóa “Tiết học biên cương” - học thực tế tại các cột mốc trên cửa khẩu với chủ đề “Chủ quyền biên giới”. Sau mỗi tiết học, học viên sẽ hiểu hơn vai trò của lực lượng biên phòng, và là những tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Nhờ có lớp học xóa mù chữ, các bà, các chị được trở lại những năm tháng tươi đẹp tuổi học trò, dù có người chưa từng được đến trường, đến lớp như vợ chồng chị Lò Thị Uồng, anh Lò Văn Khín; vợ chồng Giàng A Dế hay như bà Vi Thị Khừn, anh Lò Văn Khoàn... Nhiều học viên chia sẻ, các thầy dạy rất dễ hiểu và gần gũi, thường hỏi về cuộc sống, khuyên bà con xóa bỏ hủ tục, nhất là vấn đề quản lý con em không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Nói về mục đích của lớp học, Trung tá Nguyễn Quang Huy, Chính trị viên phó ĐBP Quang Chiểu, cho biết: “Những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa giáp biên không biết chữ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, các lớp xóa mù đều hướng đến hiệu quả, chất lượng dạy và học. Học viên phải biết đọc, biết viết để vận dụng tốt những kiến thức học được vào cuộc sống. Mỗi lớp học, ĐBP đều vận động nguồn lực mua thêm sách vở, đồ dùng phát cho học viên. Cuối kỳ học biểu dương, khen thưởng học sinh giỏi, khá, tiến bộ để động viên khích lệ tinh thần học tập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm nay các ĐBP và chính quyền địa phương, hội phụ nữ đã phối hợp mở các lớp xóa mù chữ dựa trên khảo sát của các đơn vị và nhu cầu học của người dân. Việc “gieo” chữ nơi vùng biên không còn là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò chủ lực của lực lượng biên phòng và hội phụ nữ.
Bài và ảnh: Nhóm phóng viên
Bài 2: Thắp sáng vùng biên.
{name} - {time}
-
2025-01-15 08:01:00
Quy định mới về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục
-
2025-01-14 15:09:00
Phát triển đảng viên trong học sinh để tăng sức chiến đấu cho Đảng
-
2024-09-20 08:10:00
Sẽ có nhiều đổi mới trong các kỳ thi từ năm học 2024-2025
Ổn định việc ăn, ở và học tập cho 107 học sinh thôn Làng Nủ
Ứng phó bão số 4: Các địa phương cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết
Trao 74 giải tập thể, cá nhân tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX năm 2024
Trường THPT Chuyên Lam Sơn với những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Vẫn còn 99 trường, điểm trường chưa thể dạy học do nước chưa rút hết
Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra môn Ngữ văn có làm khó “người trong cuộc”?
Thanh Hóa quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3: Nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên
Xu thế tất yếu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp