Lộc Sơn triển khai đồng bộ các giải pháp XDNTM nâng cao
“Quả ngọt” XDNTM đã làm thay đổi vùng quê nghèo Lộc Sơn (Hậu Lộc), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hiện nay xã Lộc Sơn đã và đang huy động các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến giữa năm 2025 “về đích” XDNTM nâng cao.
Mô hình trang trại chăn nuôi tại xã Lộc Sơn.
Năm 2019 xã Lộc Sơn hoàn thành XDNTM. Để xây dựng thành công NTM nâng cao, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng xã NTM nâng cao. Giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cùng phối hợp thực hiện. Rà soát các chỉ tiêu chưa đạt để tập trung nguồn lực thực hiện. Xã Lộc Sơn đã thành lập ban chỉ đạo; xây dựng chương trình hành động thực hiện gắn với phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức phụ trách và hướng dẫn các thôn tổ chức thực hiện. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể từng năm và triển khai thực hiện; thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để chương trình XDNTM nâng cao đi vào thực tiễn cuộc sống. Gia đình cán bộ, đảng viên trước hết phải là tấm gương tích cực tham gia có hiệu quả XDNTM nâng cao.
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chương trình XDNTM nâng cao được thực hiện đồng bộ từ xã đến thôn, đến các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Các tầng lớp Nhân dân nhận thức chương trình XDNTM nâng cao là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, làm thay đổi căn bản, toàn diện vùng quê nghèo, phải do người dân là chủ, làm chủ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. XDNTM nâng cao phải gắn với phát triển sản xuất, tạo nguồn lực đóng góp của Nhân dân, “Lấy sức dân để lo cho dân”, “Nhân dân là chủ thể trong việc XDNTM” và Nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ thành quả XDNTM nâng cao.
Thực hiện chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp, sự đóng góp của Nhân dân, con em quê hương công tác trong và ngoài tỉnh chung sức, đồng lòng XDNTM nâng cao. Giai đoạn 2020-2024, bằng ngân sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, huy động các doanh nghiệp, Nhân dân và con em xa quê đóng góp, xã Lộc Sơn đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với số vốn hơn 204 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh chiếm 1,4%, ngân sách huyện 0,4%, ngân sách xã 8,4%, còn lại là vốn do Nhân dân đóng góp và tự đầu tư. Đến nay, Lộc Sơn đã hoàn thành các hạng mục công trình như hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi... phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.
Với quan điểm XDNTM nâng cao bền vững phải gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân, xã Lộc Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi; phát triển trang trại, gia trại. Trong hơn 4 năm qua, xã chuyển đổi được 19,63ha đất kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung 200ha. Mô hình sản xuất mạ khay, gieo cấy bằng máy 105ha. Chú trọng công tác tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chuyển diện tích đất 2 vụ lúa sang trồng cây hàng hóa gắn với liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho Nhân dân. HTX dịch vụ nông nghiệp với vai trò là “bà đỡ” của nông dân đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con. Nhiều mô hình liên kết với các doanh nghiệp sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực được hình thành. Điển hình như mô hình “liên kết bao tiêu sản phẩm giống lúa thuần chất lượng cao J02”, với quy mô 5ha được triển khai thực hiện tại thôn Đại Thống. Bà con yên tâm sau khi lúa thu hoạch đã được doanh nghiệp đăng ký thu mua. Năm 2024, dự kiến tổng thu nhập từ trồng trọt của xã đạt 73,2 tỷ đồng.
Xã Lộc Sơn hiện có 1 trang trại, 22 gia trại và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hàng năm giá trị thu nhập từ chăn nuôi trên 72 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất đã được người dân trong xã phát huy, cho hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trang trại tổng hợp VAC của gia đình anh Đỗ Tất Kỳ, mô hình trang trại chăn nuôi quy mô hơn 100 lợn nái và lợn rừng của gia đình anh Đỗ Mạnh Hùng...
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có những bước phát triển đáng kể, nhiều ngành nghề như: dịch vụ buôn bán, mộc, cơ khí, gò hàn, vận tải... được xã tạo điều kiện phát triển. Lộc Sơn đã có 11 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9 doanh nghiệp so với năm 2018. Cùng với đó là 128 hộ dân kinh doanh dịch vụ hiệu quả, thu hút hàng trăm lao động có việc làm ổn định, góp phần để xã chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp.
Từ những hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu hợp lý và các nguồn huy động đóng góp đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã Lộc Sơn đạt 15%; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 57,9 triệu đồng/năm, tăng 15,5 triệu đồng so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,17%.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, xã đã chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường... cơ bản đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh của địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân đã quan tâm đến công tác giáo dục, tạo mọi điều kiện, dành nguồn kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học của các nhà trường trên địa bàn.
Lộc Sơn là một trong những xã nằm trong tốp đầu của huyện Hậu Lộc về quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng năm học 2023-2024, bằng nguồn ngân sách địa phương đã dành hơn 1 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Năm học 2024-2025, xã Lộc Sơn tiếp tục dành nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các nhà trường tu sửa phòng học, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em Nhân dân. Lộc Sơn có 2 trường: Trường mầm non đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trường tiểu học và THCS đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1.
Đồng chí Lưu Trung Công, Chủ tịch UBND xã Lộc Sơn chia sẻ: Hành trình XDNTM nâng cao trên địa bàn đã thực sự làm thay đổi toàn diện “bức tranh” kinh tế - xã hội địa phương, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, con người có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Hệ thống hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh. Đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống Nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Thời gian tới, xã Lộc Sơn tiếp tục huy động sức mạnh toàn dân, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, làm cho NTM văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Thu Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-27 10:03:00
Quảng Chính nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
-
2024-11-26 15:11:00
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Vĩnh Hòa
-
2024-11-25 15:30:00
Kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng nông thôn mới dịp cuối năm
Vĩnh Thịnh xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Đông Sơn xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu
Quảng Hòa về đích nông thôn mới nâng cao nhờ phát huy tiềm năng lợi thế
Xã miền núi Thành Công nỗ lực cán đích nông thôn mới
Hóa Quỳ nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Xã Cẩm Châu khơi dậy sức dân xây dựng quê hương
Hành trình xây dựng nông thôn mới của vùng quê Cao Ngọc