(Baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động khó lường, đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, áp lực lên các doanh nghiệp (DN) nội địa ngày càng lớn. Tại Thanh Hóa, nhiều DN đã thể hiện bản lĩnh và năng lực thích ứng linh hoạt, không chỉ duy trì đà xuất khẩu trong điều kiện khó khăn mà còn mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tạo đà tăng trưởng bền vững.

Linh hoạt thích ứng, giữ đà xuất khẩu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động khó lường, đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, áp lực lên các doanh nghiệp (DN) nội địa ngày càng lớn. Tại Thanh Hóa, nhiều DN đã thể hiện bản lĩnh và năng lực thích ứng linh hoạt, không chỉ duy trì đà xuất khẩu trong điều kiện khó khăn mà còn mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tạo đà tăng trưởng bền vững.

Linh hoạt thích ứng, giữ đà xuất khẩu

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH DS Hi-tech Vina (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn).

Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn có tỷ lệ xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 60 - 70%. Theo ông Lê Văn Hòa, giám đốc công ty, chính sách thuế mới từ Mỹ đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu. “Chúng tôi đã chủ động điều chỉnh cơ cấu khách hàng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để giảm rủi ro và chi phí, đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng tại châu Âu và Đông Nam Á”, ông Hòa cho biết. Nhờ chiến lược linh hoạt, 6 tháng đầu năm 2025, công ty đạt 98,6% kế hoạch sản xuất đề ra. DN hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 1/2026 và dự kiến doanh thu cả năm sẽ đạt 105 - 110% kế hoạch.

Theo Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, trước những biến động về thuế quan, trong thời gian qua, hiệp hội đã chủ động phối hợp với hội viên tìm kiếm đơn hàng có điều kiện tốt, khai thác nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước trong khối CPTPP nhằm bảo đảm quy tắc xuất xứ hàng hóa. “Vừa qua, chúng tôi khuyến nghị DN tận dụng giai đoạn 90 ngày Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời chủ động đa dạng hóa thị trường để giữ nhịp sản xuất ổn định”, ông Trịnh Xuân Lâm, chủ tịch hiệp hội cho biết.

Không chỉ ngành dệt may, các lĩnh vực như da giày, đồ gỗ, nông - lâm - thủy sản cũng ghi nhận nhiều đơn hàng từ các đối tác chuyển hướng sang Việt Nam nhằm tránh tác động thuế quan. Vừa tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng, các DN trong tỉnh vừa chủ động lên phương án ứng phó, ưu tiên đa dạng hóa thị trường và nguồn nguyên liệu. Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, chia sẻ: “Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, chúng tôi đang khai thác thêm thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nga để đa dạng cơ cấu đầu ra, tránh bị động trước biến động thuế quan. Đơn hàng năm 2025 của công ty đang triển khai thuận lợi, đạt kế hoạch sản lượng và doanh thu”.

Linh hoạt thích ứng, giữ đà xuất khẩu

Xuất khẩu hàng may mặc tăng 20,3% so với cùng kỳ (Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn trong ca sản xuất).

Nhiều DN xuất khẩu trong tỉnh cũng chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn cao và quy định khắt khe của thị trường quốc tế, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh, thương mại điện tử, tuân thủ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu... Đây được xem là hướng đi bền vững, vừa bảo đảm giá bán ổn định khi chuỗi cung ứng rõ ràng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt.

Theo Sở Công Thương, 7 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Riêng doanh số tháng 7 đạt 667 triệu USD, tăng 21,7%. Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh như thịt gia súc tăng 84,3%; ba lô - ví - cặp tăng 48,7%; dăm gỗ tăng 28,6%; may mặc tăng 20,3%; giày dép tăng 20,2%. Sự bứt phá này phản ánh năng lực phục hồi và khả năng tận dụng cơ hội thị trường hiệu quả của DN Thanh Hóa.

Hiện toàn tỉnh có hơn 230 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp với danh mục hàng hóa đa dạng từ nông sản, thủy sản, dệt may đến vật liệu xây dựng và linh kiện điện tử. Để mở rộng thị trường, nhiều DN đã chủ động khai thác các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và RCEP. Theo Sở Công Thương, có khoảng 70 DN xuất khẩu sang khối CPTPP với kim ngạch gần 1,9 tỷ USD/năm; 60 DN xuất khẩu sang EU đạt khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh được hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái - phản ánh năng lực hấp thụ chính sách trong hội nhập kinh tế của cộng đồng DN Thanh Hóa ngày càng tích cực.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD năm 2025, đơn vị đang tích cực nắm bắt tình hình, tham mưu cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Cùng với đó, sở cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phổ biến quy tắc xuất xứ, quy chuẩn môi trường - lao động; hướng dẫn DN tra cứu, cập nhật kịp thời thông tin thị trường qua các cổng VNTR, ATR, ASEAN Tariff Finder... để chủ động phòng vệ và thích ứng với thị trường. Trong định hướng lâu dài, ngành công thương định hướng DN tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng thị trường và chuyển đổi xanh; tham mưu triển khai gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các dự án nâng cấp dây chuyền sản xuất, phát triển tín dụng xanh, tạo thuận lợi cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường toàn cầu.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]