(Baothanhhoa.vn) - Khi mở cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam từ ngày 5/8/1964, trong tay Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ có 3 lực lượng được trang bị máy bay chiến đấu, đó là Không quân chiến thuật, Hải quân và Không quân chiến lược. Máy bay của cả 3 lực lượng này đều được điều động vào việc đánh phá cầu Hàm Rồng.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân Mỹ

Khi mở cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam từ ngày 5/8/1964, trong tay Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ có 3 lực lượng được trang bị máy bay chiến đấu, đó là Không quân chiến thuật, Hải quân và Không quân chiến lược. Máy bay của cả 3 lực lượng này đều được điều động vào việc đánh phá cầu Hàm Rồng.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân MỹNhững người chiến sĩ Hàm Rồng bên cây cầu huyền thoại. Ảnh: tư liệu

Trong trận đầu ngày 3, 4/4/1965 ở Hàm Rồng, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ sử dụng cùng một lúc máy bay của 2 lực lượng Không quân chiến thuật và Hải quân Mỹ. Nhưng 2 ngày đó máy bay của Hải quân Mỹ chỉ đánh phá cầu Đò Lèn và bến phà Ghép, nhằm ngăn chặn đường tiếp viện ở hai đầu Nam và Bắc của cầu Hàm Rồng. Còn cầu Hàm Rồng, mục tiêu chính của cuộc oanh kích, được giao cho Không quân chiến thuật Mỹ.

Lúc này, Không quân chiến thuật Mỹ có Liên đội 18 thuộc tập đoàn Không quân chiến thuật số 2 đóng ở sân bay Cò Rạt (Thái Lan). Liên đoàn 18 có 3 đại đội máy bay F105D, mỗi đại đội 16 chiếc. Đây là liên đội được coi là “Anh cả đỏ” trong lực lượng không quân nhà nghề của Mỹ, được trang bị máy bay cường kích F105D, loại máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ, có tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh và đặc biệt có tiếng gầm rú như sấm rền trên bầu trời, nên còn được mệnh danh là “Thần sấm” của Không quân Mỹ.

Theo lời tên giặc lái Rai xnơ chỉ huy trận đánh đầu tiên ở Hàm Rồng, sau này bị bắt, kể lại: Trận đánh Hàm Rồng trong 2 ngày 3, 4/4/1965 là trận đánh có quy mô lớn nhất của Không quân chiến thuật Mỹ trong năm 1965. Tướng Mo Rơ tư lệnh tập đoàn Không quân số 2 trực tiếp vạch kế hoạch và chỉ huy trận đánh. Chiến thuật công kích cũng do Mo Rơ và bộ tham mưu của hắn vạch ra. Tướng Mo Rơ gọi chiến thuật đó là “Tân Kỳ 3” và hết lời ca ngợi chiến thuật này. Theo tướng Mo Rơ, khi có lực lượng máy bay F105D gầm rú trên đầu, đối phương sẽ không còn đủ nghị lực để ngắm bắn cho chính xác. Lúc này những chiếc F105D chỉ việc bổ nhào từng chiếc một, ném bom theo kiểu gieo hạt.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân MỹĐại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Lúc đầu bọn giặc lái liên đội 18 cũng háo hức tán thưởng chiến thuật Tân Kỳ 3 này nên khi vào ném bom Hàm Rồng chúng cũng ra sức gào thét ầm ĩ. Nhưng khác với lời tướng Mo Rơ nói, các pháo thủ ở Hàm Rồng vẫn bắn rất mãnh liệt, càng bổ nhào xuống thấp, đạn từ mặt đất bắn lên càng dày đặc hơn, liên tục hơn, quyết liệt hơn.

Chỉ huy Liên đội 18 không hề biết rằng, từ cuối năm 1964 dân quân tự vệ trên địa bàn Hàm Rồng đã được học bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Hàng vạn nhân công được huy động đào đắp công sự, giao thông hào, hầm trú ẩn ở khu vực Hàm Rồng. Đến cuối tháng 3 năm 1965 ở Hàm Rồng đã có 2 đại đội pháo 57 ly của đoàn Tam Đảo, 2 đại đội pháo 37 ly của trung đoàn 213, 3 đại đội pháo 37 ly của tiểu đoàn 14 đoàn Vinh Quang, 3 đại đội 14,5 ly và 1 tổ trung liên của tỉnh đội Thanh Hóa bố trí trên hầu khắp các mỏm núi và cánh đồng từ bờ Bắc sang bờ Nam. Quân chủng Phòng không - Không quân đã có phương án cho máy bay MIC 17 xuất kích đánh trận đầu với máy bay F105D của giặc Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng.

Ngoài lực lượng chủ lực, nhiều trận địa súng trường của dân quân các làng Nam Ngạn, Đông Sơn, Đông Quang, Yên Vực, Từ Quang và của tự vệ nhà máy gỗ Điện Biên, nhà máy Điện, xí nghiệp Phân Lân, Lò Cao Hàm Rồng cũng sẵn sàng bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh. Các ngành y tế, giao thông, thương nghiệp, bưu điện... cũng được điều động sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi chiến sự diễn ra.

Trong 2 ngày mùng 3, 4/4/1965, quân và dân Hàm Rồng đã cắn răng chịu đựng tiếng gầm rú điên cuồng của hàng chục “thần sấm” trên đầu, chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngắm bắn từng chiếc F105D bổ nhào theo kiểu gieo hạt, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, trong đó Không quân ta bắn rơi 4 chiếc, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn. Người Mỹ gọi 2 ngày đó là 2 ngày “đen tối” của Không lực Hoa Kỳ.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân Mỹ

Chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng trong 2 ngày mùng 3, 4/4/1965 đã giáng một đòn chí mạng vào uy thế của Không lực Hoa Kỳ, khiến cho những chiếc đầu kiêu ngạo của Không quân chiến thuật Mỹ phải điên đầu. Tập đoàn Không quân chiến thuật số 2 phải tức tốc điều động đại đội F105D số 12 ở Nhật Bản và 1 đại đội F105D từ nước Mỹ đến Thái Lan để bù vào số máy bay F105D bị bắn rơi. Tướng Mo Rơ cay đắng thú nhận, Chiến thuật Tân Kỳ 3 chẳng những không uy hiếp được đối phương mà còn tạo điều kiện cho các pháo thủ ngắm bắn từng chiếc F105D vào ném bom theo kiểu gieo hạt.

Sau thất bại của lực lượng Không quân chiến thuật, mục tiêu cầu Hàm Rồng được chuyển cho lực lượng máy bay của Hải quân Mỹ.

Từ trước tới nay, giữa Không quân và Hải quân Mỹ luôn có mâu thuẫn trong mọi vấn đề. Hải quân Mỹ là Quân chủng thành lập sớm, từ năm 1800, không quân của Hải quân Mỹ cũng có từ năm 1927. Ba mươi năm sau (1957) Không quân chiến thuật Mỹ mới ra đời. Vì vậy trong việc đánh phá miền Bắc, Hải quân muốn giành những mục tiêu quan trọng hơn. Nhưng mãi đến khi Không quân chiến thuật Mỹ thất bại trong cuộc tập kích đầu tiên vào Hàm Rồng, mục tiêu quan trọng này mới được giao lại cho Hải quân.

Nếu như F105D là loại máy bay tối tân nhất của Không quân chiến thuật, thì máy bay A6A được xếp vào loại hiện đại nhất của Hải quân Mỹ. A6A là loại máy bay cường kích, được trang bị máy móc tối tân để hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu và ban đêm. Những thiết bị dùng cho hoạt động ban đêm của A6A gồm: 1 ra đa để bắt mục tiêu, 1 máy tự động đo độ cao, 1 máy tính cự ly ném bom.

Thủ đoạn đánh phá của chúng cũng hết sức xảo quyệt. Chúng huy động mỗi đợt từ 30 đến 40 chiếc bay vào Hàm Rồng theo đội hình được gọi là “lá rụng nhiều tầng”, nghĩa là tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp vào công kích cùng một lúc khiến đối phương phải phân tán hỏa lực để đối phó. Thời gian đánh trận trước cách trận sau một giờ đồng hồ để đối phương chưa khắc phục xong hậu quả trận đánh trước đã phải đối phó với trận đánh sau.

Để đánh bại chiến thuật “lá rụng nhiều tầng” của Hải quân Mỹ, lực lượng cao xạ ở Hàm Rồng được tăng cường. Lúc này trung đoàn 228 pháo cao xạ 57 ly được điều vào Hàm Rồng thay thế trung đoàn 234. Số trận địa 100 ly, 57 ly, 37 ly lên tới gần 30 đơn vị. Ngoài ra còn một số trận địa pháo 14 ly 5 và 12 ly 7 của dân quân tự vệ địa phương đón lõng địch trên các đỉnh núi. Với quyết tâm “thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục” và bằng sự mưu trí dũng cảm, cùng một lúc đánh địch nhiều tầng, nhiều hướng, quân và dân Hàm Rồng đã chiến đấu kiên cường, đập tan chiến thuật công kích “lá rụng nhiều tầng” với quy mô lớn của Hải quân Mỹ.

Trận ngày 26-5-1965, máy bay của Hải quân Mỹ đánh tàu Hải quân ta dưới hạ nguồn cầu Hàm Rồng, cả làng Nam Ngạn ra trận đánh giặc. Trong lúc khẩn cấp, cô dân quân Ngô Thị Tuyển vác hai hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình tiếp đạn cho trận địa đánh địch, được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, các anh chị Ngô Thọ Sáu và Lê Thị Dung hy sinh khi hiệp đồng chiến đấu với tàu hải quân ta, được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.

Trận ngày 18-7-1965, pháo cao xạ Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay A6A đầu tiên trên miền Bắc, bắt sống Trung tá Đen Tơn và Trung úy Chu Đi, khiến giặc lái của Hải quân Mỹ phải khiếp sợ mỗi khi đến ném bom Hàm Rồng.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân MỹBộ đội và nhân dân kéo pháo vào trận địa Hàm Rồng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Điển hình cho chiến thuật công kích “lá rụng nhiều tầng” của máy bay Hải quân Mỹ là chiến dịch 21, 22, 23/9/1966. Trong ba ngày liên tục, Giới Quân sự Mỹ huy động toàn bộ máy bay trên các tàu sân bay ở Thái Bình Dương công kích cầu Hàm Rồng mỗi ngày 10 trận, mỗi trận cách nhau 1 giờ đồng hồ. Nhưng bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, cùng một lúc đánh địch nhiều tầng nhiều hướng, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 8 máy bay A6A tối tân của Hải quân Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn.

Trận ngày 5-6-1967 quân và dân Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 2.000 trên miền Bắc, làm nức lòng quân và dân cả nước. Kết thúc chiến tranh phá hoại của Giôn-Xơn (1965-1968) quân và dân Hàm Rồng bắn rơi 99 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ cầu an toàn.

Đến cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai do Ních-xơn phát động, mục tiêu cầu Hàm Rồng tiếp tục được giao cho Hải quân Mỹ đảm nhiệm. Hải quân Mỹ chọn cầu Hàm Rồng là mục tiêu đầu tiên để thể nghiệm loại bom mới được điều khiển bằng tia Laze, được coi là tối tân nhất lúc bấy giờ. Ngày 26/12/1971, Hàm Rồng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay mang bom Laze đầu tiên đánh cầu, đưa số máy bay của giặc Mỹ bị bắn rơi tại Hàm Rồng lên 100 chiếc.

Sử dụng bom Laze, giặc Mỹ đẩy cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng lên tầm cao mới, khốc liệt hơn. Hàng ngày từng đàn máy bay của Hải quân Mỹ ào ạt kéo đến bổ nhào ném bom Laze vào cầu. Trên khắp các trận địa Hàm Rồng sôi sục khí thế chiến đấu với khẩu hiệu: “Đánh bằng cách đánh bổ nhào”, có nghĩa là chờ khi máy bay bổ nhào bằng cánh để chiếu tia Laze vào cầu. pháo của ta mới bắn và bắn thật quyết liệt, khiến bọn giặc lái của Hải quân Mỹ chùn tay, không dám bổ nhào sâu để ném bom, những quả bom Laze ném vội vã của chúng đều trượt ra ngoài cầu. Giặc lái của Hải quân Mỹ thú nhận, Hàm Rồng là chiếc cầu rất khó đánh sập bằng loại bom thông thường, kể cả bom laze.

Sau thất bại của Hải quân đến lượt máy bay của Không quân chiến lược Mỹ tham chiến ở Hàm Rồng. Nói đến Không quân chiến lược Mỹ là nói đến máy bay B52, được mệnh danh là siêu pháo đài bay, quả đấm thép của không lực Hoa Kỳ. Mỗi chiếc B52 có thể mang 27 tấn bom, rải xuống mặt đất thành một thảm bom có chiều dài 100 mét, chiều rộng 25 mét. Mỗi tốp B52 có 3 chiếc, thông thường mỗi lần đi rải bom chúng sử dụng 3 tốp 9 chiếc. Chúng rêu rao rằng: “Ở những thảm bom B52, không một sinh vật nào còn sống sót, bom san bằng thành một bãi đất trống, hoang sơ như trên cung trăng”.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân Mỹ

Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã - biểu tượng cho bản anh hùng ca của đất và người xứ Thanh. Ảnh: P.V

Tháng 4-1972, Hàm Rồng trải qua những đêm máy bay B52 rải từng thảm bom trùm lên cả một khu vực rộng đến hơn một cây số vuông. Đêm đầu tiên, 21/4 bộ đội Hàm Rồng chưa biết B52 đánh mình nên dẫu là pháo 57 hay 37 ly, tầm bắn không với tới được B52, pháo thủ vẫn trụ trên mâm pháo bắn liên hồi kỳ trận. Đến rạng sáng hôm sau nhìn quanh trận địa chỉ thấy rặt một màu đất đỏ au. Lúc ấy mới biết B52 đánh mình.

Những lần sau, khi biết có B52 đến ném bom, các loại pháo từ 57 ly trở xuống được lệnh ẩn nấp để dành đạn ban ngày đánh bọn cường kích. Những ngày đó bộ đội Hàm Rồng đào hầm ẩn nấp sâu xuống lòng đất. Vẫn là hầm chữ A theo kiểu hầm Quảng Bình nhưng được bộ đội Hàm Rồng dựng theo hình của một tam giác đều có 3 cạnh bằng nhau, còn gọi là hầm kim cương, có độ vững chắc cao.

Dựa vào những chiếc hầm kim cương ấy, bộ đội Hàm Rồng trụ lại giữa bãi bom B52 để đánh nhau với bọn cường kích bảo vệ cầu Hàm Rồng. Còn “con ngáo ộp” B52 được dành cho tên lửa và pháo trung cao 100 ly đánh chặn từ xa và lực lượng bảo vệ cầu Hàm Rồng ở vòng ngoài này đã hạ 2 máy bay B52 của giặc Mỹ.

Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân MỹNữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng do phường Hàm Rồng tổ chức.

Thế là quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi máy bay của cả 3 lực lượng: Không quân chiến thuật, Hải quân và Không quân chiến lược Mỹ. Những loại máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ như: F105D (thần sấm) của Không quân chiến thuật, A6A (Thần đột nhập) của Hải quân, B52 (Siêu pháo đài bay) của Không quân chiến lược Mỹ đều đã bị bắn rơi tại Hàm Rồng. Những thủ đoạn công kích mang tên: “Tân kỳ 3”, “Lá rụng nhiều tầng”, “Ném bom theo kiểu rải thảm” đều thất bại trước lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân Hàm Rồng.

Kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc, quân và dân Hàm Rồng bắn rơi 117 máy bay giặc Mỹ, trong đó có 2 chiếc B52, nhiều chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ cầu an toàn nhiều năm liền. Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có phần đóng góp không nhỏ của quân và dân Hàm Rồng, trong đó có chiến công đánh bại nhiều cuộc công kích bằng máy bay của 3 lực lượng: Không quân chiến thuật, Hải quân và Không quân chiến lược Mỹ.

Hàm Rồng, tháng 3 năm 2023

LÊ XUÂN GIANG

Tin liên quan:
  • Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3, 4/4/2023): Hàm Rồng đánh thắng máy bay của 3 lực lượng Không quân Mỹ
    Nhân Kỷ niệm 58 năm ngày Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 - 3, ...

    Hàm Rồng - tên gọi đã gắn liền với “huyền thoại” về “cây cầu sắt nhỏ bắc qua sông Mã”, là “bản anh hùng ca”, là niềm tự hào chiến thắng của quân và dân Thanh Hóa nói chung, Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng khi giáng đòn đau vào không lực Hoa Kỳ. Từ mạch nguồn văn hóa lắng đọng, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Hàm Rồng hôm nay đang chuyển mình vươn lên cùng thành phố và cả tỉnh trong công cuộc đổi mới.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]