(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm OCOP

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản phẩm OCOP

Sản phẩm “Mắm tôm Lê Gia” đã được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận đạt chuẩn 5 sao.

Là một trong những đơn vị cấp huyện triển khai sớm và có hiệu quả cao Chương trình OCOP, tính đến tháng 9-2021, huyện Hoằng Hóa đã có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Riêng giai đoạn 2018-2020, có 7 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp loại Trung ương đánh giá, xếp hạng 5 sao (mắm tôm Lê Gia); 2 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. Để có kết quả trên, ngay từ khi mới triển khai chương trình, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, hội thảo cấp huyện, xã, thôn; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Trong đó chú trọng truyền tải các cơ chế, chính sách của Nhà nước về Chương trình OCOP; phổ biến các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công Chương trình OCOP, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm... từ đó đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, như VietGAP, ISO, HACCP... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Hiệu quả kinh tế của các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng khoảng 20% so với trước đó.

Cũng như huyện Hoằng Hóa, khi bắt đầu triển khai chương trình, hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP, bổ sung vào thực hiện nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Một số huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho các hộ sản xuất, kinh doanh, HTX, cán bộ nông nghiệp... trên địa bàn nhằm giới thiệu, nâng cao nhận thức, kiến thức về Chương trình OCOP, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Qua công tác triển khai, tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình và bà con nông dân. Chương trình đã được người dân, doanh nghiệp, nhiều tổ hợp tác, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động sản xuất sản phẩm theo các tiêu chí của OCOP và xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP.

Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan báo, đài trong tỉnh tập trung xây dựng các chuyên mục, tin, bài, phóng sự về chương trình, tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền Chương trình OCOP trên các website của các đơn vị, xây dựng website Chương trình OCOP (ocoptinhthanhhoa.com.vn); phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, một số cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về Chương trình OCOP, quảng bá các sản phẩm và các điểm bán sản phẩm OCOP. Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về Chương trình OCOP vào các hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, huyện, xã, thôn; họp thôn văn hóa và Chương trình xây dựng NTM; các cuộc họp, hội nghị của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử (www.langnghethanhhoa.vn)... để quảng bá, giới thiệu. UBND tỉnh đã cử cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tham gia cùng Đoàn công tác của Trung ương đi tham quan học tập kinh nghiệm OVOP (mỗi làng một sản phẩm) tại Nhật Bản, OTOP (mỗi cộng đồng một sản phẩm) tại Thái Lan. Tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Sơn La, Hà Tĩnh, Bến Tre... nhằm giúp các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ thể hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Mời các chuyên gia OCOP Trung ương về giới thiệu tại 3 hội nghị cấp tỉnh, 27 hội nghị cấp huyện cho 4.845 lượt cán bộ, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo cấp huyện và trưởng, phó phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp huyện; bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cán bộ, công chức nông nghiệp các xã, phường, thị trấn, giám đốc các doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình OCOP. Trong 2 năm (2019-2020), tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn kiến thức, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức tổ chức thực hiện Chương trình OCOP cho 675 học viên là cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và 4 lớp tập huấn cho 410 học viên là lãnh đạo, nhân viên của các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Có thể nói, chương trình bước đầu đã khai thác được lợi thế sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của từng địa phương trên địa bàn tỉnh để phát triển thành các sản phẩm OCOP. Miền núi phát triển các sản phẩm đặc sản, như: măng khô, dược liệu, miến dong, gạo nếp, mật ong, bột sắn dây... Vùng biển tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như: nước mắm, mắm tôm, mắm tép; sản phẩm từ cói, các sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản. Vùng đồng bằng, trung du ưu tiên phát triển các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP như: dưa vàng, dưa lưới; các sản phẩm chế biến như: dầu lạc, kẹo lạc; các sản phẩm có lợi thế như: gạo tẻ Đông Sơn, gạo nếp Hà Trung, rượu Nga Sơn và các sản phẩm ngành nghề nông thôn... Qua khảo sát, đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi, như: HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, cơ sở đông y Quang Anh... Nhiều thương hiệu sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như: nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia; bánh gai Lâm Thắm, mật ong Hưởng Hoa, cam Đường Canh, cam xã Đoài Như Xuân; miến gạo Thăng Long; trà Hoàng Thảo Mộc; lá xông cảm lạnh, ngâm chân Mộc Việt... Tính hết năm 2021, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao; đứng thứ 10 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP; là 1/11 tỉnh, thành phố có sản phẩm OCOP 5 sao; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho các chủ thể tiêu biểu; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 22 cá nhân có thành tích trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020...

Bài và ảnh: Tô Dung


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]