(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa và góp phần nâng cao thu nhập người dân. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống trang trại trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và đầu ra cho sản phẩm. Do đó, cần có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ khó cho phát triển kinh tế trang trại

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa và góp phần nâng cao thu nhập người dân. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống trang trại trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và đầu ra cho sản phẩm. Do đó, cần có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển bền vững.

Gỡ khó cho phát triển kinh tế trang trại

Trang trại trồng cây ăn quả của gia đình bà Trịnh Thị Ưng, xã Hà Lĩnh (Hà Trung).

Năm 2019, hộ gia đình anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) đã đấu thầu 17 ha đất tại khu Văn Đức, vốn là đất bãi trồng ngô, lạc hiệu quả kinh tế thấp để phát triển trang trại. Anh Tới đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, kết hợp trồng cây ăn quả. Để có hệ thống phát triển chăn nuôi hiện đại, anh Tới xây dựng 5 dãy chuồng chăn nuôi gà, với tổng đàn 2 vạn con/lứa; 1 khu chuồng chăn nuôi lợn, với tổng đàn hơn 100 con và 2 ha trồng các loại cây bưởi, mít Thái, ổi... Trung bình mỗi năm, trang trại của anh Trịnh Ngọc Tới đạt doanh thu 8 - 10 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình anh Tới chính là việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Anh Trịnh Ngọc Tới chia sẻ: Để đầu tư, hoàn thiện trang trại theo hướng công nghệ cao, gia đình cần thêm nguồn vốn. Song do đất trang trại đang là đất 5%, hợp đồng thuê đất 5 năm với xã, do đó không thể tín chấp, thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, với thời gian thuê, thầu đất ngắn hạn, chúng tôi không đủ vững tâm để đầu tư, phát triển sản xuất bài bản, chuyên sâu.

Đã gần 10 năm gắn bó với trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn, bà Trịnh Thị Ưng, thôn Thanh Xá 2, xã Hà Lĩnh (Hà Trung), luôn trăn trở việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với 8 ha trang trại tổng hợp trồng cam, bưởi, ổi, thanh long, nhãn, vải... hằng năm, trang trại của bà Ưng có khả năng cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm các loại. Song vào mùa thu hoạch, gia đình bà luôn loay hoay tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, kể cả diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Ưng chia sẻ: “Hiện nay, diện tích cây ăn quả, nhất là cam, bưởi khá nhiều. Sản lượng cung cấp cho thị trường lớn nhưng chất lượng sản phẩm không đồng đều, nên gặp nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ”. Ông Hoàng Kỷ Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, cho biết: Để ổn định thị trường cho sản phẩm cây ăn quả, UBND xã đã và đang hướng dẫn cho người dân lựa chọn giống có chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho phù hợp, nhằm xây dựng những vùng sản xuất có chất lượng, hướng tới đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng cho sản phẩm.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 738 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-NNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, có 83 trang trại trồng trọt, 491 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại lâm nghiệp, 79 trang trại nuôi trồng thủy sản và 59 trang trại tổng hợp. Doanh thu bình quân của các trang trại đạt 4,282 tỷ đồng/trang trại/năm. Tuy nhiên, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, như: Diện tích đất phát triển trang trại chủ yếu là đất thuê thầu của UBND xã với thời hạn 5 năm, do đó chưa tạo được sự yên tâm trong đầu tư phát triển sản xuất; nhiều chủ trang trại chưa tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường.

Trước những khó khăn trên, ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, trong giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương cũng nghiên cứu xây dựng những cơ chế hỗ trợ mới, như: hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức quy định; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho chủ trang trại; ưu tiên vay vốn từ các chương trình hỗ trợ và hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất... Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiếp tục tuyên truyền để các chủ trang trại liên kết hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bài và ảnh: Thanh Hòa


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]