Giữ vững vị trí dẫn đầu về chuyển đổi số
Năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp TP Thanh Hóa đứng đầu cả tỉnh về kết quả xếp hạng chuyển đổi số (CĐS) cấp huyện. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của TP Thanh Hóa trong thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phường Quảng Thắng ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ chuyển đổi số cộng đồng” và hướng dẫn tập huấn chuyển đổi số năm 2024.
Để lan tỏa tinh thần CĐS một cách mạnh mẽ, 3 năm qua TP Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên của thành phố; tổ chức 212 lớp bồi dưỡng, tập huấn CĐS cho cán bộ, công chức 34 phường, xã và 311 tổ công nghệ số cộng đồng. Thành phố cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình “3 không” ở phường Điện Biên và xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này trên địa bàn 34 phường, xã. Phát huy thế mạnh của mạng xã hội trong công tác truyền thông, các phòng, ban, đơn vị đã đăng tải các tin, bài, video trên các ứng dụng zalo, facebook, youtube... để truyền tải thông tin, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện CĐS.
Dấu ấn CĐS ở TP Thanh Hóa sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thể hiện rõ nét ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để phát triển chính quyền số, thành phố đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định, thông suốt. Để 100% văn bản được ký số, thành phố thường xuyên rà soát các chức danh, vị trí công tác tại các đơn vị để cấp mới, cấp bổ sung chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ; thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách, đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản thư công vụ của tỉnh để giải quyết công việc hằng ngày. Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng và tiết kiệm. Đặc biệt, để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND thành phố, UBND các phường, xã được đầu tư khang trang, với hệ thống thiết bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng cao của tổ chức, công dân.
Về kinh tế số, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những lợi ích, tiện ích của CĐS đến người dân, đồng thời triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân trong mua bán, thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí, khám chữa bệnh... Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, thành phố phối hợp với các đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử và tạo lập các trang facebook, zalo... để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ mô hình điểm ở phường Điện Biên, các phường Trường Thi, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Thắng, Lam Sơn, Quảng Thịnh, Đông Hương đã xây dựng mô hình “chợ 4.0” và thành lập tổ công tác ra quân hướng dẫn, hỗ trợ các tiểu thương trong chợ tạo tài khoản ngân hàng, tạo mã QR; hướng dẫn Nhân dân cách thanh toán không dùng tiền mặt bằng Smart banking, Mobile money. Thuế điện tử cũng được phổ cập rộng rãi, hiện nay thành phố có 3.846 doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử, trong đó có 1.056 doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử.
Ứng dụng phục vụ xã hội số cũng được thực hiện đồng bộ. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều triển khai các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán học phí qua VNPT Pay; cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, thúc đẩy sự tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Hiện nay, thành phố có 151/151 trường sử dụng sổ liên lạc điện tử và sử dụng vnEdu để điều hành công việc. Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa đã sử dụng thẻ căn cước công dân khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT; kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương; triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử. 100% cơ sở y tế công lập sử dụng căn cước công dân tích hợp thẻ BHYT trong khám chữa bệnh. Toàn thành phố có 396.381 người đã đồng bộ căn cước công dân gắn chip tích hợp thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 97,96%. Thực hiện Đề án 06, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản định danh điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các tiện ích khác trên ứng dụng VneID.
Công tác CĐS ở các phường, xã cũng ghi nhiều dấu ấn đậm nét. Năm 2022, thành phố có 10 phường, xã hoàn thành nhiệm vụ CĐS. Năm 2023, có thêm 10 phường, xã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thẩm định, công nhận hoàn thành các tiêu chí CĐS. Năm 2024, thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn 14 phường, xã còn lại hoàn thành các tiêu chí CĐS.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Thanh Hóa Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết: Hai năm liên tục đứng đầu kết quả xếp hạng CĐS cấp huyện cho thấy quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến phường, xã trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Để hoàn thành chỉ tiêu CĐS cấp huyện trước năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra, thành phố tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các phường, xã và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng để trang bị thêm những kiến thức mới về CĐS. Thành phố cũng sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động mô hình “3 không” để tiếp tục nhân rộng ở 34 phường xã, đơn vị, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ban Chỉ đạo CĐS thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các tiêu chí CĐS cấp xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho các địa phương, đơn vị.
Bài và ảnh: Minh Khôi
{name} - {time}
-
2024-12-06 14:23:00
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh
-
2024-12-05 07:18:00
Việt Nam được đánh giá cao trong thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực y tế
-
2024-10-05 19:10:00
Sẵn sàng cho sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tại Thanh Hóa
Hơn 1,3 triệu lượt dự thi tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024
“Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới”
Nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Hơn 312.000 lượt dự thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đợt 3 năm 2024
Công bố kết quả đợt 2 Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến về tìm hiểu chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024
Đồng loạt ra quân thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số
Công bố kết quả đợt 1 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2024
Đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở
Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động cấp nước