(Baothanhhoa.vn) - Sẽ là thiếu sót khi nói về vẻ đẹp xứ Thanh nếu như không nhắc đến làng nghề, làng nghề truyền thống. Đó là chiếu cói Nga Sơn, là ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô, cót làng Giàng, bánh gai Tứ Trụ hay đúc đồng Trà Đông... đã và đang đóng góp vai trò to lớn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Song, duy trì, phát huy làng nghề, làng nghề truyền thống để tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, hướng đến phát triển du lịch đang bộc lộ nhiều bất cập.

Gian nan “giữ lửa” làng nghề (Bài 1): Thăng - trầm làng nghề, làng nghề truyền thống xứ Thanh

Sẽ là thiếu sót khi nói về vẻ đẹp xứ Thanh nếu như không nhắc đến làng nghề, làng nghề truyền thống. Đó là chiếu cói Nga Sơn, là ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô, cót làng Giàng, bánh gai Tứ Trụ hay đúc đồng Trà Đông... đã và đang đóng góp vai trò to lớn trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Song, duy trì, phát huy làng nghề, làng nghề truyền thống để tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, hướng đến phát triển du lịch đang bộc lộ nhiều bất cập.

Gian nan “giữ lửa” làng nghề (Bài 1): Thăng - trầm làng nghề, làng nghề truyền thống xứ ThanhLàng nghề bánh đa truyền thống làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) vẫn phải co cụm sản xuất trong khu dân cư.

“Báu vật” của làng

Trong bức tranh tổng hòa về đất và người xứ Thanh, làng nghề, làng nghề truyền thống luôn giữ một vị trí quan trọng, để rồi ai đi xa cũng nhớ, ai về cũng thương! Về huyện Thiệu Hóa, người dân vẫn truyền nhau câu ca: “Đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô/ Các bà thích mặc, các cô ưa dùng”. Từ xa xưa, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu đã gắn liền với người dân và mảnh đất làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô (nay là thị trấn Thiệu Hóa) như một nét văn hóa không thể thiếu. Nhiều sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm không chỉ được tiêu thụ ở trong nước, mà còn được nhiều nước trên thế giới đón nhận.

Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa làng xã. Ông Hoàng Viết Đức, người làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, chia sẻ: Đầu thế kỷ XX, sản phẩm nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô phát triển ngang hàng với các sản phẩm nổi tiếng như lụa Hà Đông, tơ Nam Định... Đó là thời hưng thịnh nhất, khi cả làng, cả xã, thậm chí cả vùng đều sống nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu. Riêng làng Hồng Đô khi ấy có tới 300 khung dệt, 400 - 500 thợ dệt có tay nghề và mỗi năm xuất đi khắp nơi, sang Lào, Trung Quốc, với khoảng 15.000 tấm nhiễu. Người ta gọi Thiệu Đô khi ấy là “xã nghề”.

Cách làng Hồng Đô không xa là làng nghề truyền thống đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Theo các nghệ nhân trong làng kể, nghề đúc đồng có từ cuối thời Tiền Lê đầu thời Lý. Trải qua bao thăng trầm, tưởng chừng có lúc “lửa nghề” đã tắt, nhưng nhờ vào tâm huyết của nhiều nghệ nhân đã khôi phục, duy trì phát triển làng nghề. Ngày nay, làng nghề đúc đồng Trà Đông nức tiếng gần xa với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 450 lao động; có 5 sản phẩm đồ đồng đạt OCOP 4 sao, 1 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao trong năm 2023.

Tương tự, với chiếu cói Nga Sơn, từ lâu cũng được xem như là biểu tượng văn hóa của vùng đất Đông Bắc xứ Thanh. Không chỉ nức tiếng trong tỉnh, mà người dân cả nước đều biết đến như một nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức. Cói Nga Sơn có đặc điểm riêng không nơi nào sánh được, đó là sợi nhỏ, dai và óng mượt. Hiện trên địa bàn huyện Nga Sơn có 23 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (trong đó có tới 20 làng nghề dệt chiếu cói, 1 làng nghề mây tre đan, 2 làng nghề nấu rượu). Sản phẩm truyền thống đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần đưa các sản phẩm truyền thống của địa phương đến nhiều vùng miền trong cả nước.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn), ngày xưa các sản phẩm từ cói Nga Sơn được xem là báu vật tiến vua thì ngày nay, các sản phẩm từ cói đang tạo việc làm, nâng cao đời sống cho cả nghìn lao động địa phương. Việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống là trách nhiệm chung không của riêng ai.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện có 36 nghề, 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 100 làng nghề, nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, tổng số cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh bao gồm 19 doanh nghiệp, 8 HTX, 24 tổ hợp tác và trên 7.951 hộ gia đình. Số lượng lao động trong làng nghề có trên 15.993 lao động, bình quân thu nhập đạt từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng...

... có nguy cơ mai một

Bên cạnh những làng nghề có sức sống bền bỉ, hưng thịnh như nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc (Hậu Lộc); nghề mộc làng Đạt Tài, Hạ Vũ (Hoằng Hóa); nghề đá mỹ nghệ làng Mai, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc)... thì không ít làng nghề đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Đơn cử như làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa), được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống năm 2013. Sau công nhận, những tưởng làng nghề sẽ ngày một phát triển, nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, số hộ bám nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Hoàng Viết Đức (60 tuổi), người dân làng nghề cho biết: Những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu ở địa phương đã không còn phát triển. Hiện tại, làng nghề chỉ còn khoảng mươi hộ đang sản xuất cầm chừng. “Hai vợ chồng tôi sẵn sàng bán hết gia sản để thành lập doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con làng nghề. Sau thời gian hưng thịnh, càng về sau, sản phẩm làng nghề càng bị lép vế trên thị trường, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, vùng nguyên liệu bị thu hẹp, các hộ làm nghề không còn mặn mà” - ông Đức thở dài. Thế nhưng điều ông Đức đau đáu nhất là sự thất truyền của nghề, khi mà nguồn lao động kế cận không có, chuyện “cha truyền nhưng... con không nối” đang là thực tế đáng lo.

Chung số phận, nghề đan cót truyền thống làng Giàng, phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa); nghề đan lưới truyền thống ở thôn Công Vinh, nay là khu phố Công Vinh, phường Quảng Cư và khu phố Tân Lập, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn)... vốn nức tiếng một thời vào những năm đầu của thập niên 90 thì nay đã gần như mai một. Số lượng lao động gắn bó với nghề đã chuyển sang làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp, làm dịch vụ du lịch... mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

Một thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến cho nhiều làng nghề truyền thống đang dần mai một là do cơ chế thị trường. Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, mang tính hộ gia đình, tư duy sản xuất chậm đầu tư, thay đổi, mẫu mã cũ không phù hợp với thị hiếu, thị trường nên không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp hiện đại, giá thành rẻ. Đặc biệt, nguồn lao động làng nghề đang ngày càng khan hiếm do sự chuyển dịch sang các ngành nghề kinh tế dịch vụ khác có thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh đó, cũng có không ít làng nghề đang hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, dẫn đến ô nhiễm môi trường, bụi bặm, tiếng ồn và vấn đề nước thải... Để giải quyết những bất cập, hướng đến sự phát triển, đang là vấn đề “quá sức” với chính quyền các địa phương.

Còn nhiều bức thiết

Cũng như bao gia đình khác, gia đình ông Nguyễn Tiên Phong, làng Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) đang phải đặt xưởng sản xuất của mình trong không gian chật hẹp trên đất ở gia đình. Việc đầu tư mở rộng, phát triển xưởng sản xuất luôn là mong mỏi của ông Phong. “Làm nghề mộc ngoài bụi bặm, tiếng ồn thì những hộ sản xuất như chúng tôi rất cần một không gian rộng để làm nghề, cũng như trưng bày sản phẩm. Quy hoạch cụm làng nghề để phát triển là bức thiết” - ông Phong nói.

Làng nghề mộc Hạ Vũ được công nhận làng nghề truyền thống năm 2014. Đến nay có khoảng 200 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải hoạt động xen kẽ trong khu dân cư, gây ra những bất cập về môi trường, bụi bặm, tiếng ồn.

Tại Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 quy định đối với việc BVMT làng nghề, phải có phương án BVMT, có tổ chức tự quản về BVMT và hạ tầng BVMT. Song thực tế cho thấy, tại nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh, những quy định về vấn đề môi trường làng nghề chưa được quan tâm một cách đúng mức. Đơn cử, làng nghề chế tác đá truyền thống làng Mai, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), với hơn 100 cơ sở sản xuất, chế tác đá thủ công mỹ nghệ hoạt động, vấn đề môi trường nơi đây đang để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Ngoài những âm thanh chát chúa của máy cắt, máy mài, tiếng đục đẽo là vấn đề nước thải. Mỗi ngày cả trăm cơ sở sản xuất đá thủ công mỹ nghệ xả nước thải ra môi trường không qua xử lý. Đặc biệt vài năm trở lại đây, các xưởng sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ phát triển một cách nhanh chóng về số lượng. Các hộ sản xuất tự phát mọc lên dọc tuyến Quốc lộ 217 từ xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đến các xã Minh Tân, Vĩnh An, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) xen kẽ khu dân cư để lại nhiều hệ lụy.

Không bức thiết về môi trường như nhiều làng nghề sản xuất, chế biến, với làng nghề bánh đa truyền thống, làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) là không gian sản xuất. Hiện tại, hơn 200 hộ dân làng nghề phải “thu mình” sản xuất trong không gian chật hẹp của khu dân cư vùng ven đê với nhiều bất cập. Không có nơi phơi sản phẩm, bà con phải tận dụng tuyến đê sông Chu, đường giao thông nông thôn để phơi. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy về vệ sinh an toàn phẩm, trật tự an toàn giao thông...

Có thể thấy, mặc dù làng nghề luôn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nhưng sự phát triển của làng nghề hiện còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Đa số các làng nghề tồn tại trong khu dân cư, với mặt bằng sản xuất chật hẹp, chưa có hệ thống hạ tầng như giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường đồng bộ. Nhiều làng nghề có tiềm năng gắn với phát triển du lịch, nhưng lại đang thiếu mặt bằng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm...

Tô Dung - Đình Giang

Bài 2: Nhiều bất cập trong quy hoạch tại các cụm công nghiệp làng nghề.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]