(Baothanhhoa.vn) - Trước những tác động, ảnh hưởng to lớn của dịch COVID–19, trong hơn 2 năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai thực hiện với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, phát triển bền vững. Đó là nguồn “trợ lực”, “liều thuốc bổ”, điểm tựa tinh thần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định, tái cơ cấu, đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa phục hồi, phát triển bền vững

Trước những tác động, ảnh hưởng to lớn của dịch COVID–19, trong hơn 2 năm qua, nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai thực hiện với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi, phát triển bền vững. Đó là nguồn “trợ lực”, “liều thuốc bổ”, điểm tựa tinh thần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định, tái cơ cấu, đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa phục hồi, phát triển bền vững

Nắm bắt cơ hội từ chính sách hỗ trợ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hoạt động kinh doanh. Ảnh: H.T

Sau nhiều chính sách hỗ trợ với quy mô lớn được triển khai thực hiện trong suốt hơn 2 năm qua, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11–1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đây là chính sách tài khóa với ngân sách lớn chưa từng có tiền lệ lên tới khoảng 350 nghìn tỷ đồng (tương đương với 4% GDP của cả nước). Ngay sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 11/NQ–CP cùng nhiều nghị định thể chế hóa các chính sách hỗ trợ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, rõ ràng, Nghị quyết 11/NQ–CP được đánh giá là thiết thực, nhân văn, tác động đến mọi mặt đời sống – xã hội, cụ thể đến từng đối tượng. Trong đó, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh là nguồn “trợ lực”, “liều thuốc bổ”, điểm tựa tinh thần tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định hoạt động, tái cơ cấu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số chính sách đã được áp dụng ngay vào thực tiễn như: giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước...

Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh mẽ, giá xăng dầu tăng đột biến, cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều thách thức, “khó càng thêm khó”. Để có thể vượt qua “cơn bão COVID–19”, nhanh chóng phục hồi, tạo đà bứt phá, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực, cố gắng, huy động tối đa nguồn nội lực thì những chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh lúc này là “bệ đỡ”, “thuốc tăng lực” đối với doanh nghiệp.

Ngoài các chính sách đã và đang được thụ hưởng như: hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, giảm thuế VAT, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ–CP ngày 26-11-2021 của Chính phủ; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID–19... Ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô taxi Thanh Hóa cho biết: “Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã tạo thời cơ, cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư và phát triển. Đây là cơ hội tốt mà mỗi doanh nghiệp phải chủ động, mạnh dạn nắm bắt để xây dựng phương hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp”.

Nắm bắt cơ hội ấy, Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 50 xe kinh doanh dịch vụ vận tải với tổng kinh phí ước tính là 16,5 tỷ đồng. Với 50 xe ấy, nếu như trước đây, công ty phải đóng khoảng hơn 1 tỷ 600 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ thì khi áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công ty tiết kiệm được khoảng 825 triệu đồng. Ông Hồ Hữu Thiết thẳng thắn nhận định: “Con số này không phải quá lớn nhưng phần nào giúp chúng tôi có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục nỗ lực, cố gắng, từng bước phục hồi, mạnh dạn đầu tư, hướng tới phát triển bền vững. Nếu như không có chính sách hỗ trợ này thì chúng tôi sẽ phải cân nhắc nhiều hơn đến vấn đề tái đầu tư cơ sở vật chất trong giai đoạn này”.

Một trong những chính sách hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đã được triển khai ngay từ đầu năm 2022 đó là miễn, giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP ngày 28–1–2022. Việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tìm hiểu tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa vào những ngày đầu tháng 4-2022, trên tất cả các tờ phiếu tính tiền được nhân viên thu ngân gửi đến khách hàng đều đã áp dụng mức thuế GTGT sau giảm là 8%. Kế toán trưởng của Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa phân tích: Thuế GTGT là loại thuế gián thu, áp dụng trên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Vì thế, khi thực hiện giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm. Điều này mang lại “lợi ích kép” cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Về phía người tiêu dùng, điều dễ dàng nhận thấy nhất là tiết kiệm được khoản tiền trong tổng số tiền bỏ ra cho một lần mua sắm. Về phía doanh nghiệp, chính sách này giúp giảm áp lực tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT khi mua hàng hóa và nhiều yếu tố đầu vào khác từ các nhà cung cấp, nhất là đối với đơn vị phân phối và cung ứng hàng hóa như Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.

“Thời điểm mới triển khai, áp dụng chính sách vào thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính sách không được áp dụng đồng loạt với tất cả hàng hóa mà có quy định cụ thể cho từng mã hàng, có mã hàng áp dụng thuế GTGT là 8%, có mã hàng áp dụng thuế GTGT là 5%... Trong khi đó, Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa có tới mười mấy nghìn mã hàng” – kế toán trưởng Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa trăn trở. Do đó, ngay khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP được ban hành, siêu thị đã chủ động nắm bắt và có kế hoạch triển khai trên toàn hệ thống. Cùng với đó, ngành thuế Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn biết để thụ hưởng, thực hiện; tích cực hướng dẫn thông qua việc cung cấp tài liệu, mở lớp tập huấn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh...

Để các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi, phát triển bền vững tiếp tục được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngày 21–3-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong đó đặt ra các mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 11%/năm trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.200 USD trở lên. Nỗ lực thực hiện các mục tiêu ấy, kế hoạch đề ra 5 nhóm giải pháp là: mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.

Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm trong việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành và sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động thích ứng, thực hiện mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới của cộng đồng doanh nghiệp, bức tranh kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng. Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý 1-2022, toàn tỉnh có 618 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 6 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Cũng trong thời gian này, Thanh Hóa có 621 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước khu vực doanh nghiệp quý I-2022 đạt 2.935 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng thu nội địa, đạt 42% dự toán giao, tăng 50% so với cùng kỳ. Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa nhận định: “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa, tác động sâu rộng đến quá trình phục hồi, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp”. Vì vậy, để các chính sách đi vào thực tiễn và phát huy tối đa hiệu quả thì các cấp, các ngành có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Đặc biệt, quá trình triển khai cần tích cực, chủ động tham vấn, lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội ngành nghề. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, các ngành sẽ có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vững bước. Đối với các cơ chế, chính sách đã được thông qua, ban hành thì tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng. Song song với đó, việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư cần được chú trọng, đi vào chiều sâu...

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]