(Baothanhhoa.vn) - Cấp điện cho các thôn, bản vùng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần hỗ trợ những vùng đất nghèo với nhiều khó khăn cách trở về giao thông có điều kiện được sử dụng điện lưới quốc gia. Những năm gần đây, nhiều thôn, bản vùng cao của huyện Bá Thước đã có điện sáng, mang lại sự văn minh, no ấm cho đồng bào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số thôn, bản đang khao khát, mỏi mòn chờ đợi có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và thoát nghèo.

5 thôn, bản vùng cao của huyện Bá Thước khát khao điện lưới quốc gia

Cấp điện cho các thôn, bản vùng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần hỗ trợ những vùng đất nghèo với nhiều khó khăn cách trở về giao thông có điều kiện được sử dụng điện lưới quốc gia. Những năm gần đây, nhiều thôn, bản vùng cao của huyện Bá Thước đã có điện sáng, mang lại sự văn minh, no ấm cho đồng bào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số thôn, bản đang khao khát, mỏi mòn chờ đợi có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và thoát nghèo.

5 thôn, bản vùng cao của huyện Bá Thước khát khao điện lưới quốc giaÔng Hà Văn Thao, thôn Kịt, xã Lũng Cao đang lau chùi bình ắc quy tích điện được tổ chức phi chính phủ tài trợ năm 2015.

Thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao nằm cách trung tâm xã khoảng 6 km. Con đường về thôn trước đây cách trở, đi lại khó khăn, nay đã được thông suốt, nhưng cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có điện lưới. Bà Hà Thị Tự, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Hoong, chia sẻ: Thôn Cao Hoong có 23 hộ dân với 105 nhân khẩu. Do nằm cách xa trung tâm xã nên thôn chưa có điện lưới quốc gia. Không có điện ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, nhất là trẻ em không có điện sáng để học bài. Tất cả các hộ dân trong thôn đều mong ngóng Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân quan tâm, tạo điều kiện để điện lưới quốc gia về đến nơi khó khăn, xa xôi này, để người dân có thể tiếp cận với những điều văn minh.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm nhà các hộ dân, bà Tự kể: Khoảng năm 2015, thông qua một dự án của một tổ chức phi chính phủ, thôn Cao Hoong được tài trợ 23 bộ năng lượng mặt trời bao gồm: tấm năng lượng, bình ắc quy, kích điện và bóng đèn led. Tuy nhiên, thiết bị này sau khi lắp đặt cũng chỉ dùng để thắp sáng. Hồi đó, do thiết bị mới, khi mới lắp đặt thiết bị, nguồn điện năng lượng mặt trời có thể thắp sáng được 3 bóng 15w với thời gian khoảng 6 – 8 giờ, nếu là trời nắng, còn trời âm u thì chỉ dùng được khoảng 1 – 2 giờ. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm sử dụng, đến nay các thiết bị đa phần đã hỏng, xuống cấp, không tích được điện...

Không chỉ ở thôn Cao Hoong, thôn Kịt – thôn xa nhất của xã Lũng Cao, nằm tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình cũng chưa có điện lưới. Trong thôn, có 36 hộ dân với 158 nhân khẩu. Ông Hà Văn Thao, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Kịt, cho biết: Thôn không có điện lưới, không có sóng điện thoại nên dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Tối đến nhà nào biết nhà nấy, nhiều gia đình con cái đi làm ăn xa có điều kiện mua cho ti vi, nồi cơm điện và các vật dụng khác nhưng cũng không dùng được vì không có điện. Người dân ở đây thiếu thông tin, đời sống tinh thần nghèo nàn... Trong thôn hiện có 4 ha trồng mướp đắng, bí đỏ, lạc, gừng... nhưng vì không có điện, không bơm nước tưới được nên năng suất không cao. “Nhiều lần đến họp tại các thôn khác, thấy người ta dùng điện nấu cơm, xem ti vi, thắp sáng cho trẻ học bài mà thèm, không biết đến khi nào, chúng tôi mới có điện”, ông Thao chia sẻ.

Thôn Bá cũng là thôn tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình với 25 hộ dân, 104 nhân khẩu vẫn ngày đêm mong ngóng điện lưới quốc gia; bởi đây là thôn thuộc khu vực Cao Sơn (khu vực Cao Sơn xã Lũng Cao gồm 3 thôn Son, Mười, Bá được ví như Sa Pa trong lòng xứ Thanh), là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, song do chưa có điện lưới nên kinh tế - xã hội tại đây chậm phát triển; năm 2020 thôn Son và thôn Mười đã được đầu tư điện lưới quốc gia, từ khi điện lưới quốc gia về thôn kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân đã được thay đổi đáng kể, vì thế cán bộ, Nhân dân thôn Bá càng nặng thêm nỗi buồn mang tên “Điện lưới quốc gia”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Duy Tiến, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Bá Thước, cho biết: Trước năm 2018, trên địa bàn huyện còn có 10 thôn chưa có điện lưới quốc gia. Đến năm 2020, 5 thôn được đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới, gồm: thôn Son, Mười (Lũng Cao), Thượng Sơn (Điền Thượng), Đồi Muối (Điền Quang), Phú Sơn (Lương Trung), hiện còn 5 thôn chưa có điện lưới quốc gia, đó là: thôn Bá, Kịt, Cao Hoong (xã Lũng Cao), Eo Điếu (xã Cổ Lũng) và cụm dân cư Pi Xó, thôn Xà Luốc (xã Văn Nho) với 142 hộ dân sinh sống. Đây là các thôn nghèo và đều thuộc diện Chương trình 135.

Ngày 2–4–2021, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán hạng mục công trình cấp điện cho 3 thôn, bản của huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước. Dự án này được giao cho Sở Công Thương chủ trì thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (chiếm 85% vốn đầu tư) và ngân sách địa phương (15% vốn đầu tư). Trong giai đoạn này, có cụm dân cư Pi Xó, thôn Xà Luốc (xã Văn Nho) sẽ được đầu tư điện lưới quốc gia.

Bài và ảnh: Ngọc Tiến



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]