Cần nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Khi có thai, ước muốn của người làm cha, làm mẹ là sinh được những đứa con khỏe mạnh. Thế nhưng, đi cùng niềm vui luôn có cả sự lo lắng, rằng em bé mình sinh ra có gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không. Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra. Trong đó, số trẻ bị dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1/33, tương đương cứ 13 phút lại có một trẻ bị dị tật bẩm sinh chào đời. Đáng nói là, có tới 11% trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh. Thực tế này cho thấy, vẫn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS), để góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tại các cơ sở y tế tăng cường truyền thông cung cấp thông tin về lợi ích của việc SLTS và SS cho thai phụ.
Thay đổi nhận thức, hạn chế dị tật
Gặp chị Lê Th.V., ở TP Thanh Hoá khi đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá, chị cho biết: "Khi đi khám thai tại bệnh viện, được các bác sĩ tư vấn tôi hiểu thêm tầm quan trọng của việc SLTS và SS. Tôi luôn tuân thủ lịch khám theo khuyến cáo của bác sĩ để tầm soát, phát hiện các bất thường nhằm bảo đảm cho bé sinh ra được khỏe mạnh. Sau khi con chào đời, tôi cũng sẽ cho làm xét nghiệm máu gót chân để SLSS".
Còn chị M.Th.H.Y., ở huyện Yên Định đang mang thai tháng thứ 8, cũng rất quan tâm đến sức khỏe của con sau này nên chị thường xuyên đi kiểm tra, khám thai theo định kỳ tại trạm y tế, bệnh viện huyện, tỉnh. Chị M.Th.H.Y., tâm sự: “Bất kể người mẹ nào khi mang thai đều mong muốn con sinh ra được khỏe mạnh, nên qua kiểm tra định kỳ, dù thai nhi phát triển tốt, chưa có phát hiện gì về bệnh tật nhưng tôi và chồng quyết định khi bé sinh ra sẽ lấy máu gót chân để sàng lọc nhằm phát hiện, điều trị sớm các loại bệnh”.
Trao đổi với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá được biết, trước kia, phần lớn phụ nữ mang thai mỗi khi đi khám, siêu âm thai chỉ quan tâm đến giới tính, cân nặng của con chứ ít ai nhờ bác sĩ đo độ mờ da gáy, kiểm tra nhiễm sắc thể di truyền (gọi là sàng lọc) để xem thai nhi có bị dị tật bẩm sinh, bị tim bẩm sinh hay không. Khi đời sống phát triển, người dân dần quan tâm đến SLTS và SS hơn, điều này giúp phát hiện sớm các bất thường bẩm sinh, giúp trẻ được chẩn đoán, điều trị sớm từ giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ và ngay sau khi ra đời, tránh được những hậu quả nặng nề của bệnh, cải thiện tương lai phát triển của trẻ.
Phụ nữ mang thai khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hoá.
Theo báo cáo của Chi cục Dân số tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích khi thực hiện SLTS và SS; vận động phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai thực hiện tầm soát, SLTS và SS. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông cung cấp thông tin về lợi ích của việc SLTS và SS tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi truyền thông, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đã được cung cấp những kiến thức về lợi ích của SLTS và SS; khi nào cần xét nghiệm SLTS và SS; các bước thực hiện SLTS và SS; những điều cần biết về dị tật bẩm sinh, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đối với dị tật bẩm sinh và phòng tránh dị tật bẩm sinh; những lưu ý về chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình mang thai... Từ đó giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh như down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim, thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh và tăng sản thượng thận bẩm sinh...
Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho thai phụ.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, hệ thống dân số từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch để triển khai hoạt động lồng ghép trong kế hoạch chung của đơn vị, tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Hoạt động tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ cũng được triển khai ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị đã tổ chức các buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân ngày tiêm chủng mở rộng cho các bà mẹ mang thai, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, trên các trang mạng xã hội về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại... Nhờ vậy, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến tích cực.
Huyện Mường Lát đẩy mạnh công tác truyền thông chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.
Tại huyện Mường Lát, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ SLTS và SS có chất lượng, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông khám sàng lọc tại cơ sở. Tiếp tục phối hợp với bệnh viện đa khoa, tuyên truyền vận động các gia đình để lấy máu gót chân cho trẻ mới sinh tại bệnh viện. Các thai phụ khi đi khám thai định kỳ đều được cán bộ y tế tuyên truyền về lợi ích của SLTS và SS, qua đó đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh và chuyển gửi lên tuyến trên để theo dõi. Các trạm y tế xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn bằng nhiều hình thức, như phát tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn; treo áp phích tại trạm y tế, những nơi đông dân cư; tư vấn lồng ghép khám chữa bệnh tại trạm y tế; tư vấn trực tiếp cho người dân tại nhà, vận động các đối tượng có nguy cơ cao tham gia khám, xét nghiệm phát hiện tật, bệnh, đồng thời thông báo và tư vấn cho đối tượng điều trị, can thiệp kịp thời nếu có bệnh. Tuy nhiên các trường hợp được khám sàng lọc hầu hết đều sinh sống ở thành thị, các khu vực có đời sống kinh tế khá giả.
Bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết, trên địa bàn huyện, phụ nữ mang thai chỉ đi khám thai định kỳ (không làm xét nghiệm, siêu âm...) đã là quý rồi. Nhiều phụ nữ người dân tộc còn không chủ động đi khám thai nên cán bộ y tế phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Khi trẻ được sinh ra hôm trước, hôm sau gia đình đã đón về, không làm các xét nghiệm, khám, SLSS... Tính đến 20/9, đã thực hiện sàng lọc trước sinh 126 ca, đạt tỷ lệ 50,4%; sàng lọc sơ sinh 34 ca, đạt tỷ lệ 34%.
Các gia đình hãy thực hiện sàng lọc và khám sức khỏe để giúp loại bỏ rủi ro mắc các dị tật ở trẻ.
Dược sỹ CKII Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh, cho biết: Trình độ và sự nhận thức của người mẹ là yếu tố quan trọng quyết định đến nguy cơ của thai nhi bị dị tật. Có những trường hợp dù được bác sĩ tư vấn rất nhiều lần nhưng vẫn không chịu thay đổi hành vi. Điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc. Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của mình và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra.
Mục đích của chương trình SLTS và SS được thực hiện tại tỉnh ta nhằm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị các bệnh, dị dạng nặng; phát hiện và can thiệp sớm hiệu quả; giúp trẻ bị các bệnh di truyền phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Thời gian tới, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tập huấn truyền thông, tư vấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ chuyên trách dân số, y tế về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc SLTS và SS. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế có những biện pháp chỉ đạo nâng cao kỹ năng thực hành về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở để bảo đảm đủ điều kiện tư vấn, cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, SLTS và SS; ứng dụng kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh..., từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt, sử dụng các biện pháp khác nhau và quãng thời gian làm xét nghiệm cũng khác nhau. * Các bước thực hiện sàng lọc trước sinh: - Trong 3 tháng đầu thai kỳ: siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào lúc tuổi thai từ 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác. - Trong 3 tháng giữa thai kỳ: thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần; siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương... - Trong 3 tháng cuối thai kỳ: không có chỉ định sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai cần siêu âm trong thời gian này để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi và tiên lượng cho cuộc đẻ. * Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh...ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm.Nếu được điều trị trẻ có thể sống và phát triển bình thường. Sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh từ ngày 2 đến ngày 6, tốt nhất 48 giờ sau sinh. |
Tô Hà
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:11:00
Tập huấn kiến thức y học gia đình, quản lý bệnh mạn tính cho quân y đơn vị và cán bộ trạm y tế khu vực biên giới
-
2024-11-21 16:06:00
Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
-
2024-09-30 07:02:00
Cung ứng đủ, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị người bệnh sau mưa bão
Hướng dẫn một số nội dung hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược và xác nhận thực hành chuyên môn dược
100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dùng Căn cước công dân gắn chíp
Bộ Y tế sẽ triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2025-2030
Hướng dẫn cách dùng xịt Vulvovagi nhanh rụng sùi mào gà
Nâng cao nhận thức của giới trẻ để có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe sinh sản
Phòng chống những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt
Thị xã Nghi Sơn: 1.327 người tham gia hiến máu tình nguyện
Khám bệnh nhân đạo cho đoàn viên, người lao động
Tập huấn chuyên đề cấp cứu và hồi sức cấp cứu “Tiếp cận bệnh nhân đau ngực”