(Baothanhhoa.vn) - Vì sao thực dân Pháp chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến lược với quân ta? Trong những nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho băn khoăn đó, không thể không nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt của mảnh đất này, cùng với truyền thống lịch sử và văn hóa rất giàu bản sắc.

Biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng!

Vì sao thực dân Pháp chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến lược với quân ta? Trong những nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho băn khoăn đó, không thể không nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt của mảnh đất này, cùng với truyền thống lịch sử và văn hóa rất giàu bản sắc.

Biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng!Di tích Đồi A1.

Từ xa xưa, Điện Biên được gọi là Mường Then (Mường Trời - nơi cư ngụ của các bậc thánh thần và tổ tiên các dân tộc ở Tây Bắc), hay dân gian vẫn quen gọi là Mường Thanh. Mảnh đất này được bao bọc bởi núi non điệp trùng, xen giữa là các thung lũng nhỏ hẹp, màu mỡ. Đồng thời, nằm trên trục đường từ Thượng Lào qua Lai Châu, xuống Sơn La chạy về Hà Nội và từ Tây Nam Trung Quốc xuống miền Trung Việt Nam, Trung Lào. Với địa thế đó, Điện Biên đã được xem là vùng đất mà một tiếng gà gáy, người dân 3 nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc đều nghe thấy. Trung tâm Điện Biên là cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng phì nhiêu nhất của vùng Tây Bắc Việt Nam. Bởi vậy mà từ lâu, người dân trong vùng đã có câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Nghĩa là trong 4 cánh đồng - 4 vựa lúa lớn của Tây Bắc (gồm Mường Thanh của tỉnh Điện Biên; Mường Lò của tỉnh Yên Bái; Mường Than của tỉnh Lai Châu; Mường Tấc của tỉnh Sơn La), thì Mường Thanh lớn và trù phú nhất. Gạo thóc được canh tác ở đây đủ để nuôi sống chừng 200 - 300 nghìn người.

Do Điện Biên ở vào vị thế quan trọng và là miền đất trù phú, giàu có, nên từ rất sớm, đây là nơi quần tụ sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Vào thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), Điện Biên - Mường Thanh đã là quê hương của khoảng 10 dân tộc anh em. Những dân tộc quần tụ ở Mường Thanh trong từng thời điểm khác nhau và những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đã cùng chung sức chế ngự thiên nhiên, sản xuất và chiến đấu bảo vệ bản mường. Để rồi, từ trong lao động và chiến đấu, sự cố kết, đoàn kết giữa các cộng đồng tộc người càng thêm keo sơn, bền chặt.

Dưới góc nhìn của Bernard B.Fall, tác giả cuốn “Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục”, hình ảnh Điện Biên Phủ được miêu tả khá sinh động: “Trên một tấm bản đồ chụp từ trên không của một máy bay trinh sát thuộc phi đoàn trinh sát hải ngoại số 80 (E.R.0.M.), người ta trông thấy một ngôi làng gần như nên thơ mà hầu như tất cả các ngôi nhà (có 112 cả thảy) đều được dựng lên ở giữa những không gian rộng xanh um hoặc bên hai con đường xuyên qua làng. Trên ảnh người ta nhận thấy một con sông nhỏ, sông Nậm Rốm, chảy ngoằn ngoèo và sẽ đổ vào sông Mékong. Có một kiểu xóm buôn bán nhỏ hình thành trên bờ tả ngạn sông Nậm Rốm. Không thấy ruộng lúa ở đâu cả, mặt đất được che phủ một màu xanh đậm và các con đường trong làng có trồng cây. Trên những bức ảnh đó người ta cũng thấy những ngọn núi bao quanh thung lũng. Nom chúng thật là thê thảm dưới lớp cây xanh rậm rạp bao phủ. Người ta cũng nhận thấy rằng Điện Biên Phủ là nơi mưa nhiều. Theo cơ quan khí tượng thủy văn Pháp, thung lũng này nhận được lượng nước gấp rưỡi các thung lũng khác ở Bắc Đông Dương. Từ tháng 3 đến tháng 8, lượng mưa trung bình ở đó là 150mm và trong phần lớn mùa ấy, thung lũng phủ đầy mây. Tất cả những thông tin đó được ghi trong hồ sơ 759. Trước mắt mưa không phải là khó khăn cho Bigeard - hiện đang là mùa khô - nhưng 6 tháng sau nó sẽ có vai trò của nó trong chảo lửa tập đoàn cứ điểm...”.

Tươi đẹp và trù phú là vậy, nhưng lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Điện Biên cũng có không ít những chương đau thương, đặc biệt là dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Sau khi cơ bản chiếm được Tây Bắc (cuối năm 1947), thực dân Pháp rắp tâm thành lập “Xứ Thái tự trị” giả hiệu, nhằm siết chặt hơn ách thống trị đối với Nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Chúng cấu kết chặt chẽ với thế lực phong kiến chúa đất địa phương tăng cường bóc lột Nhân dân các dân tộc trong khu vực Tây Bắc, trong đó có đồng bào các dân tộc Điện Biên. Chúng cũng đặt ra nhiều thứ thuế và nhiều tạp dịch hà khắc, nặng nề. Người dân bình thường nhận ruộng (nếu không có con đi lính, đi làm gái xòe...) phải nộp mỗi mẫu là 80 - 100 đồng Đông Dương. Đến năm 1951, thuế ruộng mỗi mẫu là 250 đồng và 180 - 300 kg thóc... Chưa hết, bọn phong kiến chúa đất và bọn tay sai còn mặc sức bóc lột Nhân dân, khiến đồng bào phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột. Nhằm chia rẽ khối đoàn kết của các dân tộc, Pháp còn đề cao chúa đất Thái Trắng, buộc tù trưởng các dân tộc khác phải phụ thuộc. Chúng còn xúi bẩy tay sai đốt hết các sách chữ Thái cũ, hòng xóa bỏ di sản văn hóa quý báu của dân tộc Thái...

Biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng!Diện mạo đổi mới của TP Điện Biên Phủ.

Cùng với xây dựng, củng cố bộ máy kìm kẹp, thống trị với chiêu bài “Xứ Thái tự trị”, thực dân Pháp còn ra sức tuyên truyền chống phá, xuyên tạc đường lối kháng chiến của Đảng, vu khống bộ đội là “thổ phỉ”... Ngược lại, chúng đề cao “công lao” của quân cướp nước và bọn Việt gian bán nước được chúng dựng lên và dung túng như Đèo Văn Long, Đào Văn An... Thực dân Pháp còn tiến hành rào làng bản, dồn dân, khủng bố đàn áp những người theo kháng chiến; khuyến khích lính Ngụy truy lùng cán bộ hoạt động xây dựng cơ sở... Song, hành động dã man, tàn ác của chúng càng khiến Nhân dân Tây Bắc căm phẫn và càng thêm đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng chính trong bối cảnh đó, đường lối kháng chiến của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) và chính sách dân tộc của Đảng đã trở thành ngọn cờ tập hợp, huy động sức mạnh của cả nước cho công cuộc kháng chiến, trong đó có đồng bào Tây Bắc, đồng bào Điện Biên.

Đặc biệt, vai trò của Điện Biên càng được khẳng định khi cả quân ta và thực dân Pháp quyết định chọn mảnh đất này là điểm quyết chiến chiến lược. Đồng thời, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh. Người Pháp cho rằng, Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với miền Đông Nam Á - một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc”. Và nắm được Điện Biên Phủ là nắm được “cái chìa khóa bảo vệ Thượng Lào”. Tuy nhiên, ý tưởng này từng bị chính người trong nội bộ quân Pháp phản đối. Đại tá Ba-xchi-a-ni, Tham mưu trưởng lục quân Bắc Bộ, đã phản đối chủ trương chiếm đóng Điện Biên Phủ, với lý do là Thượng Lào chưa có hiện tượng bị uy hiếp. Và đáng lẽ quân Pháp phải được sử dụng tập trung để bảo vệ miền đồng bằng đang bị đe dọa, thì lại bị tung lên miền rừng núi cách Hà Nội 300km để làm một việc không có tác dụng gì thiết thực cả. Cho nên “muốn hay không muốn, Điện Biên Phủ cũng sẽ trở thành một vực thẳm nuốt các tiểu đoàn của quân viễn chinh Pháp” mà thôi.

Và thực tế đã chứng minh nhận định trên là hoàn toàn đúng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”, cũng đồng thời đập tan tham vọng của Pháp ở Đông Dương. Để rồi, trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Trần Hằng

(Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn “Điện Biên Phủ - mốc vàng thời đại” - NXB Thông tin và Truyền thông).

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]