(Baothanhhoa.vn) - Hòa vào không khí ngày hội non sông rộn ràng trong cả nước, hôm nay (23-5), hơn 2,6 triệu cử tri trong tỉnh đi bầu cử, gửi trọn niềm tin và kỳ vọng vào lá phiếu của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lá phiếu – niềm tin

Hòa vào không khí ngày hội non sông rộn ràng trong cả nước, hôm nay (23-5), hơn 2,6 triệu cử tri trong tỉnh đi bầu cử, gửi trọn niềm tin và kỳ vọng vào lá phiếu của mình.

Lá phiếu – niềm tin

Cử tri huyện Lang Chánh xem danh sách tóm tắt tiểu sử, quá trình công tác của các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Quốc Hương

Lá phiếu nhỏ nhưng trách nhiệm lớn, bởi để có ngày hôm nay đã có biết bao máu đào của ông cha ta đổ xuống, đấu tranh giành quyền dân chủ, quyền của người dân một nước tự do, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1946, trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Về mặt chính trị, thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, để “tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”. Từ lá phiếu nhỏ của mỗi cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm ấy đã bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tham gia Quốc hội, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức, xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Lá phiếu nhỏ nhưng trách nhiệm lớn, bởi chứa đựng trong đó là mạch nguồn chiều sâu của lịch sử, của chiều dài cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, nhưng kiên cường, bất khuất, anh hùng của toàn dân ta để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Nhân dân Nam bộ đã bất chấp bom đạn giặc, nhiều người phải đổi cả xương máu để đi bỏ phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ. Và trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới mưa bom bão đạn, cử tri vẫn hăng hái đi bỏ phiếu, để khẳng định quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân, khẳng định niềm tin vào Quốc hội, vào Nhà nước của dân, do dân, vì dân, vào Chính phủ phục vụ Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đến nay trải qua 75 năm. Hiến pháp năm 1946 ra đời đã chế định quyền con người, quyền của công dân Việt Nam, quyền làm chủ của Nhân dân và ngày càng được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng, quy định rõ ràng và hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp sau này. Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc thành lập cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, cũng là thực hiện trách nhiệm thiêng liêng với sự hy sinh của những người đi trước đã xả thân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự khẳng định trách nhiệm đối với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền nhân vì một nền độc lập, tự do của dân tộc, chủ quyền toàn vẹn của lãnh thổ, vì quyền làm chủ của Nhân dân ta.

Những thành tựu to lớn, vẻ vang đất nước ta đạt được trong suốt 76 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nhất là sau 35 năm đổi mới là kết tinh lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần đổi mới, sức sáng tạo không ngừng và khát vọng phát triển đất nước của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta. Vượt qua những thách thức, gian khó, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta ngày càng tỏa sáng, tính ưu việt của chế độ ta ngày càng được khẳng định, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nhân lên. Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đời sống của Nhân dân ta, quyền làm chủ của Nhân dân ta ngày càng được nâng cao, được phát huy sâu rộng. Bởi vậy, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là nơi để cử tri tiếp tục phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn để bầu ra những người thật sự tiêu biểu, thật sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đất nước đang đứng trước những vận hội mới đan xen với những thách thức mới, vì vậy cử tri ngày càng đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào những người đại diện cho lợi ích chính đáng của mình, thay mặt cho Nhân dân tham gia vào hệ thống các cơ quan lập pháp, kiến tạo những chiến lược, chính sách phát triển đất nước để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cử tri mong muốn đại biểu dân cử luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân để kịp thời lắng nghe chính xác, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn... từ đó phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Qua mỗi lá phiếu, cử tri đặt niềm tin của mình vào mỗi ứng cử viên trúng cử phải ra sức thực hiện đúng như lời căn dặn của Bác: “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.

Hồng Hạnh


Hồng Hạnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]