(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân hai nước láng giềng Việt - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn luôn dành cho nhau sự hợp tác, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa, trong sáng, thủy chung. Mối quan hệ đặc biệt của hai nước, hai tỉnh chính là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, mỗi tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa với Cách mạng Lào và tỉnh Hủa Phăn

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân hai nước láng giềng Việt - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn luôn dành cho nhau sự hợp tác, giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa, trong sáng, thủy chung. Mối quan hệ đặc biệt của hai nước, hai tỉnh chính là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, mỗi tỉnh.

Thanh Hóa với Cách mạng Lào và tỉnh Hủa PhănGiờ phút lưu luyến, tiễn quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào lên đường về nước năm 1961 (ảnh nhỏ). Tháp Ngọc, biểu tượng tình đoàn kết đặc biệt hai nước Việt – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn tại trung tâm thị xã Sầm Nưa (ảnh to).

Lật lại từng trang lịch sử ghi chép về những năm tháng trước khi có Đảng lãnh đạo mới thấy, Nhân dân hai nước Việt - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn luôn đoàn kết, nương tựa, kề vai sát cánh, cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Đầu thế kỷ XV, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào tình thế khó khăn, Lê Lợi và nghĩa quân đã phải dựa vào khu vực biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn để xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng, đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, thu non song Đại Việt về một mối. Đến cuộc trung hưng nhà Lê đầu thế kỷ XVI, Nguyễn Kim đã được vua Ai Lao giúp đỡ về nhiều mặt và “đem dân và đất đai Sầm Châu (Sầm Nưa ngày nay) cấp cho để xây dựng căn cứ khôi phục lại nhà Lê”.

Cùng sống chung trên núi rừng biên giới, nhiều nhóm cư dân hai tỉnh có chung nguồn gốc, tiếng nói, vì thế đã tạo ra mối quan hệ mật thiết “như anh em ruột thịt sinh ra dưới một mái nhà”. Trong thời kỳ hoạt động bí mật của Đảng, nhiều chiến sĩ cộng sản là người con ưu tú của quê hương Thanh Hóa đã được Trung ương Đảng điều động sang Lào giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng Đảng bộ Ai Lao; tổ chức vận động quần chúng Nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuối năm 1930, đồng chí Lương Hồng Minh, quê ở huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) được cử đến 3 chi bộ Xanavan, Thakhet, Xavanakhet giữ liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Trị và các cơ sở cách mạng ở Thái Lan. Ở vùng Trung - Hạ Lào, đồng chí Lương Hồng Minh đã tích cực tham gia xây dựng các chi bộ, tuyên truyền cách mạng đến giai cấp công nhân ở một số hầm mỏ. Sau khi dập tắt được phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, truy lùng đảng viên cộng sản, những người yêu nước ở Việt Nam và Lào. Nhằm tiếp tục củng cố vững chắc các tổ chức cơ sở đảng và phong trào cách mạng, Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương đã triệu tập hội nghị đại biểu các chi bộ ở Lào để thành lập Xứ ủy Ai Lao, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Mạnh Trinh, quê ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Bí thư Xứ ủy Đông Bắc Thái Lan. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, với sự nhạy bén về chính trị, tại hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Việt Nam và Lào. Từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9-1945, phong trào khởi nghĩa lan rộng khắp đất nước Lào. Với vai trò phụ trách Hội Việt kiều Thái Lan - Lào, đồng chí Lê Mạnh Trinh đã trực tiếp vận động quần chúng và tham gia chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Xavanakhet diễn ra vào ngày 23-8 giành thắng lợi. Còn tại tỉnh Thakhet, đồng chí Lương Đức Dương, quê ở TP Thanh Hóa được Hội Việt kiều Thái Lan - Lào giác ngộ, đã đưa cả đội lính khố đỏ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25-8. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa buộc triều đình Luông Pha Băng phải tỏ thái độ dứt khoát. Ngày 15-9-1945, Phó vương Phét Xa Rạt đã tuyên bố nước Lào thống nhất từ Bắc tới Nam.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Thanh Hóa vừa tích cực phục vụ, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, vừa là hậu phương của cách mạng Việt Nam, cách mạng Lào. Sau khi khởi nghĩa thành công đúng 1 năm, thực dân Pháp lần lượt chiếm đóng các thành phố, thị xã lớn của Lào. Vì vậy, bạn quyết định chuyển lực lượng cách mạng từ phía Tây về phía Đông và dựa vào Việt Nam. Thời gian này, Đoàn vũ trang Tây Tiến được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng vùng biên giới Thanh Hóa – Sầm Nưa. Tại địa bàn hoạt động, đoàn đã phối hợp với các đơn vị vũ trang của tỉnh ta như: Trung đoàn 77, Đại đội Hà Văn Mao và Cầm Bá Thước tiến xuống các huyện Mường Xôi, Sầm Tớ, Xiềng Khọ xây dựng cơ sở cách mạng và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Thực hiện nhiệm vụ chi viện cho giải phóng Xiềng Khọ – Mường Xôi – Sầm Tớ và lực lượng cách mạng ở Sầm Nưa, Nhân dân 6 huyện miền núi của tỉnh ta đã đóng góp lương thực, thực phẩm tổ chức vận chuyển đến các căn cứ cách mạng.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng Lào bước vào giai đoạn mới. Trong giai đoạn từ 1955-1975, một lần nữa tỉnh Thanh Hóa lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ kháng chiến Lào. Đồng thời, là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực Pa Thét Lào. Một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Lào là từ ngày 22-3 đến 5-5-1955, tại xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Giữa năm 1955, chính quyền tay sai Mỹ huy động lực lượng tấn công lực lượng kháng chiến tại Sầm Nưa và Phong Xa lỳ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng Lào. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và giúp bạn, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp các chiến sĩ cách mạng Lào tại xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Sau đó trạm tập kết các chiến sĩ cách mạng Lào chuyển về Đồng Tâm (Bá Thước). Vào những năm 1959 – 1960, chính quyền phản động Phủi - Xa na - Ni - con đã ra lệnh bắt tạm giam Hoàng thân Xu - pha Nu – vông và cán bộ trong Neo Lao Hắc Xạt. Để đối phó với tình hình, Trung ương Đảng và Chính phủ Lào quyết định chuyển trụ sở làm việc về Nông trường Lam Sơn (Thanh Hóa). Tại đây, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta đã chăm sóc, bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ Lào chu đáo, cẩn mật. Đồng thời, nỗ lực xây dựng hậu phương vững chắc, bảo đảm đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường Việt Nam và chiến trường Lào. Tỉnh ta đã vận chuyển, cung cấp trên 70% lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng cho lực lượng kháng chiến 10 tỉnh của Lào tập kết về Sầm Nưa và Phong Xa lỳ, Nhân dân vùng giải phóng, các chiến dịch lớn. Đáng nói hơn trong những năm tháng khó khăn của chiến tranh, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng trăm cán bộ, kỹ sư, dân công, thanh niên xung phong không quản ngày đêm làm tuyến đường 217A và 217B nối liền giữa miền xuôi với vùng rộng lớn miền ngược, nối hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, kết nối từ Na Mèo đến Sầm Nưa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có hàng vạn con em tham gia các đơn vị: Đoàn 81, Đoàn 82, Đoàn 83, Đoàn 95, Đoàn 100, Đoàn 959, Đoàn 335, Đoàn 280, Đoàn 766, Đoàn 866... chiến đấu, công tác tại chiến trường Lào. Riêng lực lượng vũ trang địa phương, Thanh Hóa đã tăng cường cho bạn Tiểu đoàn 923 và Trung đoàn 217, chiến đấu, bảo vệ an toàn khu của Trung ương Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào, bảo vệ Thủ đô kháng chiến của bạn thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1965 - 1985, tỉnh Thanh Hóa đã cử nhiều đoàn chuyên gia tham gia hợp tác giúp đỡ bạn khảo sát tình hình thực tế ở tỉnh Hủa Phăn, làm thí điểm về nông nghiệp, thủy lợi, y tế. Ngày 27-10-1966, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc tổ chức giúp tỉnh Sầm Nưa. Hướng chủ yếu là giúp bạn khắc phục khó khăn trước mắt, nâng cao sức chiến đấu; tập trung phát triển kinh tế, tăng cường đoàn kết dân tộc. Tháng 6-1967, tỉnh ta đã cử đoàn cán bộ đầu tiên gồm 151 đồng chí là chuyên gia đầu ngành trên tất cả các lĩnh vực sang giúp bạn nghiên cứu, hoạch định phương án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng giải phóng. Với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”, trong những năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa đã giúp Lào đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương, chỗ dựa vững chắc của cách mạng Lào.

Sau chiến tranh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa tiếp tục dành cho tỉnh Hủa Phăn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình. Nhất là từ năm 1986 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư không hoàn lại cho tỉnh Hủa Phăn hàng chục công trình để nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, nổi bật là các công trình Trường Chính trị - Hành chính, Nhà tiếp khách, Công viên hữu nghị Hủa Phăn - Thanh Hóa, kè sông Nậm Săn. Cùng với đó là các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ gia đình chính sách. Các chương trình hợp tác, viện trợ đầy nghĩa tình của Thanh Hóa đã góp phần tạo nên bước phát triển toàn diện về mọi mặt của tỉnh Hủa Phăn.

Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và toàn diện giữa hai nước Việt – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn đã tôi luyện qua bao gian nan, thử thách bằng sự hy sinh, phấn đấu của nhiều thế hệ. Đây là tài sản vô giá mà hai Đảng, hai Nhà nước Việt – Lào, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn nâng niu, gìn giữ, phát huy trong chặng đường phát triển mới.

Bài và ảnh: Trần Thanh

(Bài viết sử dụng tài liệu “Thanh Hóa với cách mạng Lào và tỉnh Hủa Phăn”; “Truyền thống 70 năm quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào”).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]