Yên Định nỗ lực cải thiện môi trường khu vực khai thác, chế biến đá
Yên Định hiện có 38 mỏ đá với 38 doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến đá. Thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về môi trường luôn được chính quyền các cấp, ban, ngành trong huyện quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, môi trường khu vực khai thác, chế biến đá được cải thiện rõ rệt.
Chế biến đá tại Công ty TNHH Chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn.
Thị trấn Yên Lâm được xem là trung tâm khai thác, chế biến đá trên địa bàn huyện Yên Định với 34 mỏ đá và có 34 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Vì vậy, ô nhiễm môi trường do tiếng ồn, bụi đá, bụi đất... luôn khiến người dân địa phương quan tâm, lo lắng và bức xúc.
Bà Lê Thị Hào, người dân sinh sống tại thị trấn Yên Lâm cho biết: Do nhà tôi ở gần với làng nghề nên ngoài hứng chịu tiếng ồn, bụi từ các cơ sở khai thác, chế biến đá, mỗi lần có xe ô tô vận chuyển đá chạy qua, bụi bay cả vào nhà, bàn ghế lau buổi sáng đến trưa lại trắng bụi. Bởi vậy, tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri vấn đề môi trường luôn là vấn đề nóng được đưa ra thảo luận, kiến nghị có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá đảm bảo vệ sinh môi trường nên ô nhiễm môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Được biết, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác, chế biến đá, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Yên Định, cuối năm 2022, thị trấn Yên Lâm đã kiện toàn lại tổ quản lý môi trường cụm công nghiệp Yên Lâm do ông Đoàn Quang Phi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn làm tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở trong hoạt động khai thác, chế biến đá trên địa bàn thị trấn.
Ông Đoàn Quang Phí cho biết: Năm 2021, UBND thị trấn đã ban hành Đề án đảm bảo vệ sinh môi trường khu dân cư và làng nghề. Đề án có những quy định riêng về môi trường cụm công nghiệp khai thác, chế biến đá. Theo đó, ngoài hợp đồng với đơn vị môi trường định kỳ thu gom rác thải sinh hoạt 5 ngày/lần và rác thải công nghiệp thu gom thường xuyên, việc tưới nước giảm bụi tại các tuyến đường liên quan đến xe vận tải chở đá được các doanh nghiệp hợp đồng với HTX môi trường Yên Lâm thực hiện tưới nước 2 lần/ngày. Địa phương cũng quán triệt đến các doanh nghiệp khi vận chuyển đá không chở quá đầy và phải che chắn, đảm bảo không rơi vãi ra đường. Khi nghiền đá phải sử dụng bạt, tôn che chắn bụi, hạn chế đến mức thấp nhất bụi, bột đá ra ngoài môi trường...
Cũng theo ông Phi, hiện 100% doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến đá trên địa bàn đã thực hiện khai thác bằng phương pháp cắt dây, giúp giảm thiểu bụi và tiếng ồn, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường khu vực khai thác, chế biến đá.
Thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định cho biết: Trên địa bàn huyện có 38 mỏ đá với 38 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá. Trong đó, thị trấn Yên Lâm có 34 mỏ với 34 doanh nghiệp, cơ sở tham gia khai thác, chế biến đá. Nhằm đảm bảo môi trường khu vực khai thác, chế biến đá, thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương có mỏ đá được cấp phép hoạt động khai thác, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến pháp luật về môi trường, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến đá tuân thủ, chấp hành nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến đá đã áp dụng phương pháp cắt dây, hạn chế sử dụng nổ mìn nên đã giảm thiểu bụi và tiếng ồn trong quá trình khai thác đá.
Để giảm bụi, hầu hết cơ sở chế biến đá đã lắp đặt giàn phun nước tại các trạm nghiền sàng, máy xe, cắt... và xây dựng hố lắng thu gom, xử lý nước thải bột đá và bố trí bãi chứa để chứa bột đá. Ngoài ra, việc phun nước 2 lần/ngày trên các tuyến đường vào khu làng nghề và trục đường chính của thị trấn được thực hiện thường xuyên và đi vào nền nếp nên đã hạn chế lượng bụi mỗi lần xe vận tải đi qua... Qua đó, môi trường khu vực khai thác, chế biến đá hiện nay đã được cải thiện rõ rệt. Đến nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế bến khoáng sản được cấp phép đã có các biện pháp bảo vệ môi trường... Song, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường như Công ty TNHH Chế biến đá tự nhiên Nam Thái Sơn với lỗi vi phạm là thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo tác động môi trường theo quy định; không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định.
Để đảm bảo môi trường khu vực khai thác, chế biến đá ngày càng tốt hơn, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường, huyện Yên Định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về môi trường của doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến đá đang hoạt động trên địa bàn.
Bài và ảnh: Minh Lý
- 2024-11-04 06:25:00
Thời tiết ngày 4/11: Thanh Hóa đón không khí lạnh tăng cường
- 2024-11-03 14:54:00
COP16 thiết lập quỹ chia sẻ lợi nhuận từ sử dụng tài nguyên di truyền
- 2024-02-20 07:13:00
Nắng bao trùm cả nước, nhiệt độ ở Bắc Bộ lên tới 31 độ C
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 20/2: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 19/2: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết hôm nay 18/2: Dự báo thời tiết cả nước và Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 17/2: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 16/2: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết hôm nay 15/2: Dự báo thời tiết cả nước và Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết Thanh Hóa 14/2: Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết
Dự báo thời tiết toàn vùng Thanh Hóa chi tiết ngày 13/2
Dự báo thời tiết mùng 3 Tết: Dự báo thời tiết cả nước và Thanh Hóa chi tiết