(Baothanhhoa.vn) - Sau thời gian dài gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, cùng với các giải pháp định vị lại sản phẩm, thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN), ngành nghề đã chú trọng đầu tư phát triển theo hướng “xanh hóa” nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

“Xanh hóa” sản xuất để phát triển bền vững

Sau thời gian dài gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, cùng với các giải pháp định vị lại sản phẩm, thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN), ngành nghề đã chú trọng đầu tư phát triển theo hướng “xanh hóa” nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

“Xanh hóa” sản xuất để phát triển bền vữngSản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May 888 (Quảng Xương).

Công ty TNHH May 888 (Quảng Xương) có 2 nhà xưởng quy mô hơn 1.100 công nhân. Sản phẩm chủ đạo của công ty là jacket, áo blazer và trang phục chơi golf xuất khẩu, chủ yếu xuất đi thị trường Mỹ, EU và một số thị trường châu Á. Cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến số lượng và giá đơn hàng như các DN trong ngành, nhưng DN này vẫn duy trì sản lượng và doanh thu ổn định, đồng thời mở rộng thêm một số thị trường mới trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Được biết, ngoài thương hiệu, uy tín trong sản xuất, thì một trong những ưu thế của DN này là nhờ tiêu chuẩn sản xuất “xanh” luôn được chú trọng. Ngoài hệ thống điện mặt trời mái nhà được duy trì nhiều năm nay, DN còn đầu tư thay thế công nghệ đốt điện cho lò đốt vải vụn thay cho công nghệ nồi hơi truyền thống để giảm phát thải ra môi trường.

Giám đốc điều hành Công ty TNHH May 888 Lê Văn Bắc chia sẻ: “Mỗi khách hàng có những tiêu chuẩn khác nhau nhưng đều ngày càng khắt khe hơn từ nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra tới môi trường làm việc của công nhân cả trong và ngoài khu vực xưởng. Đặc biệt, khách hàng ở thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản luôn yêu cầu một số đánh giá như việc xây dựng nhà máy đáp ứng tiêu chí nhà máy “xanh”, nhà máy tuần hoàn. Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư thay thế hệ thống đèn chiếu sáng từng khu vực cho công nhân làm việc; đồng thời chú trọng cải tạo môi trường làm việc, khuôn viên ngày càng xanh, sạch, đẹp”.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, “xanh hóa” và sản xuất tuần hoàn là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... luôn đề cao khi khảo sát hợp tác, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Yêu cầu này nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm đầu ra thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người, cũng như điều kiện sản xuất bảo đảm cho người lao động. Do đó, cùng với chú trọng đẩy mạnh tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu, tận dụng và tối ưu hóa đầu vào thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu tái tạo, chúng tôi đang tuyên truyền cho các DN trong ngành nỗ lực thúc đẩy sản xuất sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sản xuất giấy, bột giấy cũng là ngành phát thải khá nhiều chất thải, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do quá trình ngâm ủ bột giấy. Thời gian qua, cùng với hướng dẫn của các ngành chức năng, một số cơ sở sản xuất đã tập trung xây dựng các công trình xử lý nước thải ra môi trường đúng quy chuẩn và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật. Điển hình như tại HTX Chế biến lâm sản Hợp Phát, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo chu trình tuần hoàn 100% với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Công nghệ xử lý này chỉ sử dụng một số hóa chất đặc trưng như phèn, VAC, nhưng có thể tái sử dụng nước thải hoàn toàn.

Giám đốc HTX Chế biến lâm sản Hợp Phát Nguyễn Duy Chính cho biết: “Suất đầu tư ban đầu của công nghệ khá lớn đối với quy mô của 1 HTX còn nhỏ bé. Tuy nhiên, sau khi đưa vào vận hành một thời gian ngắn, công nghệ này đã thể hiện rõ hiệu quả đối với vấn đề môi trường và tuần hoàn sản xuất. Ngoài tiết kiệm chi phí hóa chất, lao động vận hành, công nghệ này còn đồng thời thu hồi khoảng 10% nguyên liệu mịn sau quá trình lắng lọc đưa vào tái sản xuất”.

Được biết, một số DN khác tại huyện Quan Hóa và các huyện miền núi cũng đã chủ động đầu tư các hạng mục như máy ép bùn, sân phơi, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn khép kín; hệ thống bể lắng lọc trước khi đưa vào xử lý nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật cũng như giúp DN yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và ổn định việc làm cho người lao động.

Theo Sở Công Thương, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với các thỏa thuận về hợp tác tiêu thụ, ưu đãi thuế quan, các hiệp định cũng đặt ra nhiều quy tắc, cam kết về sản xuất “xanh”, sản xuất tuần hoàn gắn liền với bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các DN cần tiếp tục thay đổi tư duy, chủ động đầu tư công nghệ và xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]