“Vua đồi” đất Bỉm Sơn
Thị xã Bỉm Sơn có một vùng đất còn khá hẻo lánh với núi đồi trùng điệp giáp tỉnh Ninh Bình. Cách trung tâm thị xã cả chục cây số, đến tận năm 2023 này, nơi đây mới có hệ thống điện lưới được Nhà nước đầu tư bài bản, nhưng giao thông vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tích tụ đất đai, phát triển những thung lũng thành các trang trại trù phú, mà quy mô lớn và hiệu quả nhất phải kể đến trang trại cam, quýt, nhãn chín muộn của gia đình bà Nguyễn Thị Sanh.
Khu trang trại vườn đồi của bà Nguyễn Thị Sanh được hình thành trên vùng đất đá và cằn.
Để đến được khu đất này, chúng tôi phải ngược Quốc lộ 1A, qua hầm Dốc Xây, qua một phần thị xã Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình rồi mới vòng lại. Theo các cán bộ Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Bỉm Sơn, vòng qua tỉnh bạn chính là cung đường thuận lợi và dễ đi nhất để đến được vùng đồi Ba Dội trùng điệp. Vùng đất thuộc khu phố 12, phường Bắc Sơn này là hệ thống núi đá xen lẫn những ngọn đồi bát úp nối tiếp nhau, tạo nên những thung lũng nhỏ, được nhiều hộ dân phát triển kinh tế vườn đồi và trang trại tổng hợp. Theo cách gọi quen thuộc của người dân Bỉm Sơn, nơi đây được định danh với cái tên “Thung Cớn”.
Đứng trên phía đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng lượn sóng, hàng chục nghìn cây ăn quả trồng theo hàng lối trải dài tít tắp. Một vùng chuyên canh cây có múi quá rộng lớn nên chủ vườn đồi Nguyễn Thị Sanh phải điều người chở các vị khách đi tham quan bằng xe máy. Trên mỗi thân cây, hàng trăm trái cam Canh, trái quýt trĩu xuống ven đường đi càng nói lên sự trù phú của vùng đất dốc vốn đỗi khô cằn.
Đáng nói là tại khu đồi cao, nhưng hệ thống tưới nước bán tự động đã phủ đến cả vạn gốc cây ăn quả. Đó cũng là cách duy nhất để cây cam, cây quýt, nhãn chín muộn ở nơi đây phát triển xanh tốt quanh năm như những nơi đất đai màu mỡ khác. Theo nữ chủ vườn 68 tuổi, chỉ riêng đầu tư hệ thống tưới đã tốn cả tỷ đồng, bởi đây là vùng đồi khá cao, phải dùng máy bơm công suất lớn mới đẩy được nước dẫn theo hệ thống đường ống lên tận đỉnh đồi.
Cũng theo bà Sanh, trước đây gia đình bà chỉ có 1 ha đất, vừa sản xuất vừa làm nơi ở. Đến năm 2009, mới vay mượn đấu thầu thêm 14 ha đất đồi hoang hóa để cải tạo thành khu sản xuất tập trung. Tuy nhiên, những năm đầu, khu đồi chủ yếu trồng dứa và mía, đất lại cằn cỗi, nhiều năm dứa ế ẩm nên “càng làm càng nghèo”. Lấy ngắn nuôi dài, tiền tích góp được hàng năm, từ năm 2015, bà quyết định đầu tư trồng cây ăn quả. Ban đầu, bà phát triển nhiều bưởi Diễn, nhưng loại cây ăn quả này ngày càng mất giá do quá nhiều người trồng. Những năm gần đây, bà đã mạnh dạn phá bỏ để thay thế bằng những cây ăn quả có giá trị cao hơn. Mỗi khu một loại cây theo hướng chuyên canh nên thuận lợi cho chăm bón và thu hoạch gọn theo đợt. Đến nay, khu sản xuất “cò bay thẳng cánh” 15 ha này đang phát triển gần 5 ha cam canh, 1,5 ha bưởi đường và bưởi da xanh, 2 ha mít, gần 1,5 ha nhãn chín muộn... Tất cả đều đã cho thu hoạch với tổng sản lượng hàng trăm tấn quả mỗi năm. Phần còn lại phía dưới chân đồi đất khá bằng phẳng được gia đình trồng dứa theo hướng cơ giới hóa.
Nhờ hệ thống tưới bán tự động đến từng gốc cây trên đồi cao và phương pháp sản xuất hữu cơ nên trái cây vườn đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Sanh luôn có chất lượng tốt.
Sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt chính là cách mà chủ vườn đồi sinh năm 1955 đã lựa chọn. Ngoài bón phân theo thời vụ, dưới mỗi gốc cây là những bao phân chuồng hoai mục để rỉ nước cung cấp dinh dưỡng cho cây quanh năm. Đó cũng là hướng sản xuất bền vững, cho trái ngọt nên sản phẩm của vườn đồi được thương lái các tỉnh phía Bắc và trong vùng tìm đến tận vườn thu gom sản phẩm.
Cùng với đó, những đàn gà đồi thả bán hoang dã hàng trăm con mỗi lứa cũng cho gia đình có thêm nguồn thu nhập. Chỉ tay lên phía dãy núi đá Tam Điệp hùng vĩ - nơi giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Ninh Bình, bà Sanh cho biết đang triển khai nuôi lợn lai lòi và dê theo hình thức bán hoang dã nơi thung lũng gần đỉnh núi. Ở địa phương, nhiều mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã đã thành công, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
34 năm gắn bó với bao công sức cải tạo vùng đồi hoang hóa, nhiều lần thay đổi các đối tượng cây trồng, đến nay gia đình bà Sanh đã có một trang trại mà theo bà là đã tối ưu về sự lựa chọn cây - con. Từ vùng đồi hoang vu đến vườn cây đầy hoa thơm trái ngọt là hơn nửa đời người phấn đấu không ngơi nghỉ. Nói về những nỗ lực của bản thân, người phụ nữ dáng gầy gò nhưng cần mẫn, tỏ ra hài hước: “Quanh năm ngày tháng, cứ sáng ra là tôi lên đồi chăm sóc cây. Ngày nào không lên lao động được thì thấy người bứt rứt, mệt mỏi như muốn ốm”.
Vì mô hình sản xuất quá lớn nên từ nhiều năm qua, bà Sanh đã thuê thêm 6 lao động quanh năm với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Vào mỗi đợt thu hoạch chính vụ và cắt tỉa cây, khu trang trại trồng trọt này còn giải quyết thêm việc làm cho hàng chục lao động thời vụ. Mỗi lần thu hái cam hay các loại trái cây đều có nhiều xe tải của thương lái về tận khu đồi để chuyên chở. Nhiều tỷ đồng doanh thu và khoảng 1,5 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm chính là thành quả của những năm tháng cần mẫn vun trồng, chăm sóc và gây dựng trang trại của “vua đồi” đất Bỉm Sơn này.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-11-20 14:29:00
Học Bác để trở thành người giáo viên mẫu mực
-
2024-11-19 15:04:00
Dấu ấn cựu chiến binh trong xây dựng nông thôn mới
-
2023-12-04 09:33:00
Thu nhập cao từ nuôi con “đặc sản”
Tỏa sáng nghị lực của những “vầng trăng khuyết”
Cựu chiến binh Hoằng Hóa giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi
Khen thưởng 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chủ tịch ủy ban MTTQ xã gương mẫu, trách nhiệm
Vườn mẫu sinh thái gắn phát triển kinh tế hộ của người thương binh 2/4
Những đảng viên cao tuổi nêu gương sáng
Thầy giáo khiếm thị truyền cảm hứng
Hà Trung phát huy vai trò đội ngũ bí thư chi bộ thôn, tiểu khu
Gương cựu chiến binh nỗ lực vượt khó, làm kinh tế giỏi