(Baothanhhoa.vn) - Nhu cầu sử dụng nước sạch là cấp thiết và hợp xu thế phát triển, nhưng nhiều nơi vẫn chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước. Bởi trên thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang hoạt động với nhiều bất cập, khó khăn...

Vì nhiệm vụ đưa nước sạch đến với người dân

Nhu cầu sử dụng nước sạch là cấp thiết và hợp xu thế phát triển, nhưng nhiều nơi vẫn chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước. Bởi trên thực tế, nhiều nhà máy vẫn đang hoạt động với nhiều bất cập, khó khăn...

Vì nhiệm vụ đưa nước sạch đến với người dânHệ thống vận hành cấp nước của Công ty CP Cấp nước Miền Trung ở xã Quảng Lưu góp phần đưa nước sinh hoạt cho 9 xã vùng biển huyện Quảng Xương. Ảnh: Lê Đồng

Đơn vị cấp nước sạch tập trung lớn nhất ở Thanh Hóa hiện nay là Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) với 3 nhà máy chính, trong đó nhà máy Mật Sơn có công suất 70.000m3/ngày đêm, nhà máy Hàm Rồng đang cung cấp khoảng 35.000m3/ngày đêm và nhà máy Quảng Thịnh đạt công suất 20.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, công ty phát triển một số hệ thống cấp nước tại các huyện vì nhiệm vụ phát triển an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cần, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa, hiện công ty đang có 250.000 khách hàng mua nước là các hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp mua nước sạch với tổng số hơn 1 triệu người đang sử dụng nước hằng ngày. Trung bình mỗi tháng, công ty cấp từ 3,5 đến 3,8 triệu m3 nước. Hiện tại, vùng cấp nước của công ty bao trùm TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các thị xã Bỉm Sơn và Nghi Sơn, các huyện: Đông Sơn, Quảng Xương, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Yên Định, Nông Cống và Triệu Sơn. Dù là nước cấp cho sản xuất hay phòng cháy chữa cháy, hiện vẫn được công ty cung ứng nước tiêu chuẩn sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc phân vùng cấp nước hiện nay chưa khoa học, dẫn đến có huyện 3 - 4 nhà máy nước nên mỗi nhà máy chỉ cấp được 5 - 7 xã, nhiều nơi chưa đủ kinh phí vận hành. Đáng nói, nhiều xã có hàng nghìn hộ dân nhưng tỷ lệ đăng ký dùng nước sạch từ hệ thống nước máy tập trung rất ít, họ vẫn dùng nước giếng, nước mưa và các nguồn truyền thống để tiết kiệm chi phí. “12 năm phát triển cấp nước cho các huyện vùng nông thôn, đến nay ở nhiều địa phương, chúng tôi vẫn chịu lỗ. Nhiều nơi, mật độ dân cư thưa nên đầu tư hàng trăm mét đường ống cấp nước mới được dăm bảy nhà dùng. Đáng nói, nhiều hộ vẫn dùng nhiều nguồn nước nên nước máy chỉ để nấu ăn nên mỗi tháng chỉ hết vài ba m3. Ở nhiều vùng, thu tiền nước mới đủ trả công cho nhân viên thu tiền hằng tháng, chưa đủ cho các chi phí khác. Từ nhiều năm qua, hằng tháng công ty đều lấy một phần lợi nhuận từ TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và một số địa phương có tỷ lệ dùng cao để bù vào” – ông Nguyễn Ngọc Cần chia sẻ thêm.

Dù vận hành hệ thống nước sạch ở nhiều nơi vẫn không có lợi nhuận, nhưng theo vị lãnh đạo công ty, cũng không thể dừng vì đây là nhiệm vụ an sinh, vì sự phát triển chung của xã hội. Trong khi, giá nước của công ty trong 6 năm qua vẫn chưa tăng lần nào, các hàng hóa khác đều tăng.

Tại xã Quảng Lưu (Quảng Xương), nhà máy nước của Công ty CP Cấp nước Miền Trung được xây dựng với công suất 2.500m3/ngày đêm. Tuy nhiều năm qua, nhà máy chỉ vận hành khoảng 30% công suất do tỷ lệ người dân ở 9 xã trên toàn huyện Quảng Xương chưa cao nên thu nhập của nhà máy hàng tháng vẫn cầm chừng. Tuy vậy, vì nhiệm vụ đưa nước sạch đến với người dân cũng như đồng hành với các xã trong thực hiện chỉ tiêu nước sạch tập trung trong XDNTM, nhà máy vẫn không ngừng đổi mới. Doanh nghiệp đã áp dụng phần mềm City Work trong quá trình chăm sóc khách hàng qua điện thoại thông minh với hệ thống điện toán đám mây. Ngoài khâu quản lý, các hóa đơn, giấy tờ hàng tháng đều được điện tử hóa để có độ chính xác tuyệt đối. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nhân viên thu tiền nước của công ty áp dụng rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đến nay, công tác đưa nước về tận các hộ gia đình được phía nhà máy duy trì ổn định từ nhiều năm nay. Thông tin từ đại diện lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Miền Trung cho biết, hiện nhà máy nước ở xã Quảng Lưu đang duy trì cung cấp nước sạch đến với hơn 1.000 hộ gia đình vùng biển huyện Quảng Xương với lượng nước tiêu thụ trung bình khoảng 2.500m3/ngày đêm.

Trong quá trình đưa nước sạch đến với người dân, các doanh nghiệp cung cấp nước trên địa bàn tỉnh hiện nay còn liên tục phải khắc phục những trở ngại, khó khăn. Đầu tiên là việc quản lý nguồn nước thô trên địa bàn tỉnh chưa tốt nên có tình trạng xả rác, chất bẩn bừa bãi vào các kênh mương, sông hồ. Khi các công ty lấy nước xử lý, việc ngăn chặn rác, rồi xử lý nước mất nhiều chi phí. Quá trình chỉnh trang đô thị ở các trung tâm huyện, các thành phố, thị xã, liên tục đào bới, xê dịch rồi làm hỏng đường ống khiến các doanh nghiệp kinh doanh nước phải bỏ chi phí sửa chữa, cải dịch.

Nhiều năm gần đây, các địa phương vùng nông thôn khắp nơi XDNTM, những tuyến đường ban đầu 3 - 4m đã được lắp ống nước chạy dọc, được 2 - 3 năm lại hiến đất mở rộng lên, phải đầu tư lại đường ống. Rồi khi XDNTM các mức độ cao hơn như nâng cao, kiểu mẫu, đường lại được mở rộng thêm, thêm một lần nữa các công ty cấp nước lại phải đồng hành thay đổi đường ống, mà kinh phí thay đổi chủ yếu doanh nghiệp tự bỏ để ủng hộ các địa phương.

Theo tiêu chí được quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia của xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, các xã phải có tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch (tùy từng cấp độ đạt chuẩn) từ hệ thống nước tập trung. Thanh Hóa cũng vạch ra mục tiêu đến 2025, toàn tỉnh phấn đấu có từ 65% dân số nông thôn, miền núi được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Những nỗ lực vượt khó từ các doanh nghiệp, nhà máy cung cấp nước có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép cho cả phát triển đời sống dân sinh, XDNTM...

Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]