Vì mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU (Bài 1): Thẻ vàng - cảnh báo... đỏ
Dự kiến tháng 6/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để xem xét gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Thanh Hóa được dự báo là một trong những địa phương trọng điểm tại đợt thanh tra này.
Để khắc phục hạn chế sau lần thanh tra thứ 4 của EC, ngày 8/3/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 04/CĐ-2024 về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa tuần tra, kiểm soát vừa tuyên truyền cho ngư dân quy định về khai thác IUU.
Năm 2017 rất ám ảnh với ngành thuỷ sản Việt Nam khi EC đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hơn 6 năm qua, từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương trong đó có Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực để khắc phục. Song, nỗi lo đổi màu sang cảnh báo đỏ vẫn “lơ lửng” khi các khuyến nghị vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Video: Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh vừa tuần tra, kiểm soát vừa tuyên truyền cho ngư dân quy định về khai thác IUU.
Chương trình chống khai thác IUU được EC ban hành năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá trái quy định IUU sẽ bị phạt “thẻ vàng” cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp các quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm dài hạn việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.
Ngày 23/10/2017, EC đã quyết định rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong Chương trình chống khai thác IUU. Tuy nhiên, đã 4 lần đoàn công tác của EC sang làm việc để kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn).
Cảng cá Lạch Bạng, thuộc phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) vào buổi sáng sớm, nhiều tàu thu mua và đánh bắt hải sản đang chờ cập bến sau chuyến đi biển dài ngày. Thời tiết những ngày đầu năm thuận lợi nên sản lượng hải sản đánh bắt nhiều, niềm vui của những chuyến tàu “no” cá đã khiến không khí trên cảng càng trở nên rộn ràng hơn.
Qua câu chuyện nhanh với ngư dân tại đây, chúng tôi được biết, hàng nghìn lao động địa phương theo nghề biển một cách tự phát, khai thác tự do theo kinh nghiệm nên luôn tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, sản lượng khai thác bấp bênh; thường xuyên khai thác sai vùng quy định dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn lợi hải sản. Cùng với đó, sau những ngày lênh đênh trên biển, tàu khai thác thường cập bến truyền thống, tự phát ở bất cứ nơi đâu, mặc dù tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng song việc tiếp cận với các dịch vụ hậu cần lại hạn chế, chi phí cao. Chưa kể tại các bến tự phát không có nhiều doanh nghiệp, thương lái có năng lực thu mua sản lượng lớn nên hiệu quả kinh tế không cao.
Ngay từ sáng sớm nhiều tàu đánh cá của ngư dân cập Cảng cá Lạch Bạng để bán sản phẩm.
Gắn bó với biển đã hàng chục năm, mỗi khi nhắc đến nghề truyền thống của cha ông, ánh mắt ông Lê Hoàng Phương, chủ tàu, thuyền trưởng tàu TH-91591-TS, thị xã Nghi Sơn lại chùng xuống. Ông cho biết: “Người dân phường Hải Bình nói riêng và nhiều xã, phường ven biển của thị xã Nghi Sơn nói chung chủ yếu sống bằng nghề biển và nhờ biển. Nhiều năm trước, tàu thuyền khai thác tự do dẫn đến sản lượng đánh bắt giảm mạnh, nhiều tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ phải trở về tay không, không đủ chi phí nhân công, nguyên liệu. Đã có nhiều chủ tàu không muốn hoặc không thể vươn khơi, nhưng cũng có nhiều người bất chấp nguy hiểm, đánh liều đi xa hơn để tìm nguồn hải sản với hy vọng cải thiện sản lượng. Việc đi đến những vùng biển xa hơn luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhất là với tàu công suất nhỏ”.
Cảnh tấp nập mua bán hải sản tại cảng cá Lạch Hới.
Chủ tịch UBND phường Hải Bình Trần Văn Sơn cho biết: "Những năm gần đây các luồng cá lớn không xuất hiện thường xuyên, sản phẩm đánh bắt của ngư dân chủ yếu là các loài cá tạp, cá nhỏ... dẫn đến sản lượng hải sản khai thác hằng năm không như kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tập quán và ý thức khai thác của ngư dân dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên. Do đó, bên cạnh những tàu giải bản thì cũng có hàng chục tàu của địa phương đã đăng ký cải hoán, tăng công suất để vươn khơi, mở rộng vùng khai thác".
Tình trạng khai thác theo kinh nghiệm, thói quen, không theo quy định của ngư dân tại các vùng biển không chỉ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm quy định trong Luật Thuỷ sản và chống khai thác IUU. Đơn cử như tàu mang số hiệu TH-91744-TS của ông Đỗ Văn Tiếp, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đã từng bị cán bộ Văn phòng đại diện Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hoá tại Cảng Lạch Hới nhắc nhở vì không ghi nhật ký khai thác theo quy định. Theo giải thích của chủ tàu và các thuyền viên, do nhận thức còn hạn chế cho rằng quá trình khai thác đã được lưu trên thiết bị giám sát hành trình. Hơn nữa, những ngày lênh đênh trên biển, cả đoàn chỉ chú trọng đến khai thác, tìm kiếm nguồn hải sản mà chưa ý thức được “sự cần thiết” của việc ghi chép nhật ký khai thác.
Nhiều tàu, thuyền nhỏ thường khai thác theo kinh nghiệm, truyền thống vô tình vi phạm quy định khai thác IUU.
Hay tình trạng một số tàu xuất bến đi khai thác khi chưa có đẩy đủ thủ thục và báo cáo đội trực ban tại cảng cá theo quy định; tình trạng các tàu, thuyền cập bến tự phát, bến cá truyền thống gần khu dân cư để trao đổi, bán sản phẩm... là những hành vi dù vô tình hay cố ý của ngư dân nhưng đang dẫn đến những vi phạm đáng báo động trong nhiệm vụ chống khai thác IUU của tỉnh.
Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây ở nhiều tỉnh vẫn còn tình trạng ngư dân cố tình khai thác ra vùng biển nước ngoài, khai thác bằng xung điện, chất nổ, thiếu các thiết bị an toàn... vi phạm IUU cần dẹp bỏ ngay. Trên thực tế, thị trường EU giống như tín chỉ để chứng minh giá trị, uy tín nông, thủy sản Việt, cũng là cơ sở để một số thị trường khác áp dụng hình thức kiểm soát với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn.
Do đó, đợt kiểm tra thứ 5 của EC sắp tới chính là cơ hội để Việt Nam gỡ "thẻ vàng” IUU, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt. Nếu vẫn còn tình trạng vi phạm dưới nhiều hình thức, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ bị rút “thẻ đỏ”, cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu. Điều này gây thiệt hại về kinh tế cho ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu, không thể nâng cao giá trị thủy sản, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người dân ven biển cả nước. Đặc biệt, việc bị “cấm cửa” xuất khẩu vào thị trường tiềm năng và rộng lớn này còn ảnh hưởng lâu dài đến xuất khẩu hàng hóa, ảnh hưởng uy tín và danh dự quốc gia trên trường quốc tế.
Chính vì vậy, từ nay đến tháng 6/2024 là thời điểm vàng để tỉnh Thanh Hoá nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU.
Nhóm Phóng viên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-03-20 09:46:00
Ngọc Lặc khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN: Bá Thước phát huy tiềm năng, thế mạnh để xây dựng các sản phẩm đặc sản địa phương
Tín hiệu tích cực và biện pháp nuôi dưỡng
Thêm đường bay mới từ Hà Nội đến Sydney, Melbourne, bay Australia dễ dàng cùng Vietjet
VPI dự báo giá xăng tăng trên 2% trong kỳ điều hành ngày 21/3
Mở rộng triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Thủ tướng: Việt Nam cam kết “3 bảo đảm”, đẩy mạnh “3 đột phá” và thực hiện “3 tăng cường” với nhà đầu tư
Bộ GTVT lên tiếng về đề nghị nâng cấp Cảng Thọ Xuân lên sân bay quốc tế
Thu gần 4 nghìn tỷ đồng từ hoạt động hải quan
Bản tin tài chính 19/3/2024: Giá vàng thế giới tăng nhẹ, vàng SJC tăng sát 82 triệu đồng