Ai về nghe giọng làng tôi
Nhắc đến đất Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) là nhắc đến một thứ thổ ngữ vô cùng độc đáo với cách phát âm đặc sắc. Chính vì thế, “đi đâu thì đi, nhưng về đến cổng làng là phải nói tiếng làng mình”, ông Lưu Văn Bình, Trưởng ban văn hóa làng Sanh, xã Vĩnh Thịnh nói với chúng tôi.
Đình làng Sanh là nơi bà con thường đến bàn công việc của làng, trò chuyện, tâm tình với nhau.
Từ mảnh đất văn hóa
Theo tài liệu “Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh (1930-2015)” (NXB Thanh Hóa, 2015): Lớp cư dân Vĩnh Thịnh hiện nay bắt nguồn từ Kẻ Lừ, Kẻ Kẹm ở khu vực núi Lừ, núi Kẹm, núi Bầu có cách đây trên dưới 2.000 năm. Thuở ấy, làng được lập nên bên ven sườn núi, dọc chân núi có hón Bầu chảy qua theo hướng từ Bắc xuống Nam, tạo ra cảnh quan sơn thủy hữu tình. Trải rộng quanh làng quê ấy là những cánh đồng rộng, nước sâu do sông Mã đổ vào, có độ dốc thoai thoải từ Tây xuống phía Đông tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vừa khai thác tiềm năng trên núi như săn bắn, hái lượm, đồng thời đánh bắt thủy sản như tôm cá, cua, ốc... Những điều kiện ấy đã giúp đời sống cư dân phát triển. Sau này cư dân ở đây cũng đã khai phá đất đai trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp với nguồn lâm thổ sản của rừng núi, nguồn thủy sản ở đồng chiêm trũng nên đời sống về kinh tế, văn hóa của dân làng phát triển, trong đó phát triển mạnh nhất là Kẻ Kẹm. Từ đó, Kẻ Kẹm cùng với Kẻ Lừ, làng Mòi lập thành xã Khắc Kiệm. Điều này đã được Lưu Công Đạo biên soạn trong sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí”. Tương truyền, xã Khắc Kiệm xưa kia có một cái khe làm thành hồ thủy... chảy vòng hợp ở phía trước, dân cư vì thế mà thịnh vượng.
Cũng vì dân khang vật thịnh, địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều các bậc Thám hoa, Tiến sĩ mà nhân đó đổi thành xã Phú Thịnh. Sau những biến thiên, cư dân xã Phú Thịnh di cư về núi Hến lập nên Ngư Võng Phường khoảng giữa thế kỷ thứ XV. Vùng đất mới Ngư Võng Phường dồi dào về nguồn thủy sản, lại có nhiều đất đai bằng phẳng và phì nhiêu, cư dân ở đây không những làm nghề đánh bắt thủy sản mà còn khai phá đất hoang để trồng lúa và hoa màu. Do siêng năng cần cù, chăm chỉ làm ăn nên đời sống của người dân Ngư Võng Phường ngày một khấm khá, dân số ngày một tăng nhanh.
Ngư Võng Phường dần dần trở thành khu dân cư đông đúc, nên đã mở rộng địa bàn theo những xuộng (ngõ) dọc hai bên sông Kinh Xuyên, sau gọi là Kênh Thủy, rồi đổi là Bản Thủy. Tên xã Vĩnh Thịnh ra đời từ năm 1950, với 4 làng: Đoài, Trung, Đông và Sanh (còn gọi là San).
Đến đặc sắc giọng Vĩnh Thịnh
“Đến nay chưa có một nghiên cứu nào, một tư liệu nào ghi chép cụ thể về việc hình thành “tiếng Vĩnh Thịnh”. Các ông bà trong làng thì cho rằng, chính cái khe nước làm thành hồ thủy từ xã Khắc Kiệm xưa ảnh hưởng đến giọng nói, cách phát âm của cư dân”, bà Trần Thị Thuyết một người dân ở làng Sanh cho biết.
Dẫn chúng tôi đi từ đình làng vòng sang giếng làng, ông Lưu Văn Bình nói: Làng Sanh hiện có 680 hộ/2.250 nhân khẩu. Trong những năm gần đây, đời sống của bà con khá tốt. Đa số người trẻ đi công ty, làm đá mỹ nghệ và xây dựng; nông nghiệp là nghề chính nhưng nguồn thu lại là phụ, chủ yếu bà con giữ đất và lấy hạt lúa ăn. Thu nhập bình quân đầu người ở đây khá cao, trên 70 triệu đồng/người/năm. Số lượng bà con đi làm ăn xa không ít, nhưng cứ về đến đầu làng là phải nói tiếng làng mình.
Điều đặc biệt là trong khi rất nhiều đồng bào dân tộc đang dần ít sử dụng tiếng nói của chính dân tộc mình, thì ở Vĩnh Thịnh, sống kề cạnh cộng đồng dân cư hoàn toàn nói tiếng phổ thông, song từ trong bụng mẹ đến khi sinh ra, không cần ai dạy bảo phải nói thế này, thế kia, cứ thế cùng lúc họ nói tiếng phổ thông và tiếng làng mình.
“Nhiều người lập nghiệp ở rất xa, có khi dăm bảy năm mới về nhà, ấy thế nhưng về đây mà không nói tiếng địa phương là dân làng, hàng xóm không ưng đâu. Thậm chí còn dè bỉu: Mới có đi nấy mà đã bỏ tiếng cha ông. Còn ai đi xa lâu năm về vẫn giữ được tiếng nói thì được các ông các bà quý lắm”, bà Trần Thị Thuyết nói.
Nói thêm về nguồn nước, chị Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Nếu có cố mà học thì cũng chỉ nói lơ lớ, phát âm không chuẩn như người dân bản địa. Trường hợp của tôi là ví dụ. Mẹ tôi là người gốc Vĩnh Thịnh, sinh tôi ra là ở Minh Tân. Nghe mọi người nói, tôi hiểu hết, nhưng khi nói thì lơ lớ, không thuận tai, nghe là biết không phải người Vĩnh Thịnh”. Chị Huyền còn chia sẻ thêm: Mới đầu nghe sẽ khó vì phát âm nhanh, nhưng nghe quen thì thấy giọng điệu, ngữ điệu mềm mại, dễ thấm, dễ thu hút, cứ như muốn nghe mãi. Có lẽ vì thế mà dân Vĩnh Thịnh hát khá hay, phát âm chuẩn tiếng phổ thông, học tiếng Anh nhanh. Giọng quê mà không quê chút nào là thế”.
Trong một nghiên cứu “Giọng Vĩnh Thịnh trên báo chí và sự thật từ tư liệu", tác giả Andrea Hoa Pham đã chỉ ra rằng cần phân biệt “từ địa phương” và “phát âm địa phương”. Bà khẳng định: Phát âm mới là cái phân loại giọng địa phương. Đồng thời bà chỉ ra những nét độc đáo trong giọng Vĩnh Thịnh mà dường như chưa thấy đâu nhắc, là nguyên âm ơ phát âm thành o (ví dụ thờ thành “tho”, mỡ thành “mỏ”, trời thành “tròi”), và các phụ âm viết bằng “ph” trong chữ Quốc ngữ được người Vĩnh Thịnh nói thành một phụ âm xát, môi-môi, vô thanh, không có trong chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, trong giọng Vĩnh Thịnh, thanh sắc thường “mất dấu” nghe như thanh ngang hoặc huyền: số tám nghe như sô tam, khế như khê, lá như là, máy như mày. Thanh nặng nghe như thanh ngang, ví dụ mạ thành ma, chợ thành cho, mặt nạ nghe như mặt na. Thanh ngã nhập với thanh hỏi thành thanh hỏi, giống như trong giọng Thanh Hóa nói chung. Ngoài ra, bà cũng cho biết một lý do để nghi ngờ giọng Vĩnh Thịnh không phải là “tiếng Việt” là có thể giọng nói này ảnh hưởng từ cộng đồng cư dân nào đó nói một thứ tiếng không có thanh điệu, bởi Thanh Hóa là vùng đất có 7 tộc người sinh sống.
Rõ ràng, đã có những nghiên cứu nhỏ về tiếng nói Vĩnh Thịnh, nhưng để khẳng định về nguồn gốc và sự hình thành thì đến nay vẫn là những mơ hồ, phỏng đoán.
Sách “Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thịnh” cũng đã trích một đoạn hội thoại của người mẹ sai bảo đứa con gái: “Té, chặn vô lày phẳn đặn trách cá lậy không thiêng mọ đi đá, xoong đẩn lả vô cấy chá”. Con gái phụng phịu vì mải chơi, nói lại “rầy rẩy cấy, té đẳng bắt con bà bịm”. Người mẹ liền quát nạt con “Hooc không chìu hooc, mằn không mằn, răng mi đi bắt bà bịm mải rứa? Không lày phẳn đặn trách cá lậy, thiêng mọ đi lày chi hốc?”.
Dịch theo tiếng phổ thông là: Người mẹ sai bảo đứa con gái: “Bé, chạy vào lấy vung đậy nồi cá kho lại, kẻo chuột mò vào ăn mất đấy, xong rồi gài củi vào bếp lửa cái nhé”. Đứa con gái đang mải chơi, nên phụng phịu nói lại: “Từ từ chút, con đang bắt con chuồn chuồn”. Người mẹ quát nạt con “học không chịu học, làm không làm, sao mày đi bắt con chuồn chuồn mãi thế? Không lấy vung đậy nồi cá lại, chuột ăn mất, lấy gì mà ăn?”.
Không chỉ được sử dụng trong đời sống hằng ngày, mà ngay tại các cuộc họp thôn làng, tiếng Vĩnh Thịnh cũng được sử dụng như tiếng phổ thông. Vì thế, “cuộc họp nào mà phải nói tiếng phổ thông là nhiều người thấy ngại”, ông Lưu Văn Bình cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh khẳng định: "Là một miền quê có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước. Trải qua hàng ngàn năm lao động, sáng tạo, xây dựng và phát triển đã hun đúc nên một vùng đất Vĩnh Thịnh với những giá trị văn hóa giàu bản sắc. Chúng tôi tự hào cụm di tích quốc gia chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân, là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Nhưng chúng tôi còn tự hào hơn bởi ai về... nghe giọng làng tôi đều thấy lạ và đáng yêu".
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-01-04 11:33:00
Tạp chí Mỹ xếp Vịnh Hạ Long là điểm đến đầu tiên cho 12 con giáp năm 2025
-
2025-01-04 11:25:00
Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược góp phần xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thành trọng điểm du lịch
-
2024-01-06 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Chiếc nhẫn hoa mai
Nhiều hoạt động đặc sắc tại “Tết xưa làng cổ”
Khôi phục và tái hiện nghi lễ tế Nam Giao vương triều Hồ
Một dải văn hóa - tâm linh về phía biển
[E-Magazine] – Hoa cải còn đây, người xưa nơi đâu?
Báo Italy: “Cầu Hôn là nơi có cảnh hoàng hôn gợi cảm nhất thế giới”
Tổ chức Cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng hiện vật, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam trong những năm tháng trên đất Bắc
Phát hành bộ tem bưu chính “Tết Giáp Thìn” 2024
Phú Quốc - Thiên đường “luxury” đầy kỳ vọng
[Podcast] - Tản văn: Màu của mùa đông