Hành trình của một người lính
Ngoài 6 cuốn sách in trước đó, Dấu chân chiến sĩ (NXB Thanh Hóa, 2021) là hồi ký ghi lại cuộc đời của một người lính trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. 40 năm đời chiến sĩ ấy với nhà văn, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Bảo Thông là những gian khó, nhọc nhằn và hy sinh nhưng đầy niềm vui, tự hào và vinh quang.
1. Sinh năm 1935, CCB Hoàng Bảo Thông, quê quán ở làng Hội Hiền, xã Tây Hồ (Thọ Xuân). Đến nay, gần 90 tuổi, ông là minh chứng cho sự rèn luyện, dẻo dai và minh mẫn.
“Dấu chân chiến sĩ” gồm 34 chương, chia làm 3 phần gói trọn trong gần 350 trang sách là miền ký ức cũng là những cảm xúc được ông giữ gìn, chắt chiu. Với lời giới thiệu rất nhẹ nhàng: “Cha mẹ sinh ra giữa mùa giáp hạt, cuối năm Ất Hợi (1935) đặt tên là Thông, họ Hoàng. Lớn lên đi bộ đội, làm thơ, viết báo, bút danh Hoàng Hà. Sau này vào Hội Văn học Lai Châu (hội đặt tên cho tôi là Hoàng Bảo Thông). Ngoài ra, tôi còn có tên gọi khác trong các tác phẩm được xuất bản là: Hoàng”. Nhân vật có tên Hoàng là chàng trai sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, có tuổi thơ “chẹt” giữa những năm 40 của thế kỷ XX, giai đoạn nước mất, nhà không yên, chứng kiến và căm giận chế độ bất công, chế độ “thừa tự” cướp không của cải người khác.
Bắt đầu bằng những tháng ngày đi tìm việc với mong muốn “san sẻ miệng ăn trong nhà”, nhưng vào cơ quan nào họ cũng bảo còn quá nhỏ tuổi. “Về sau mẹ đành cho Hoàng sang ở bên dì Thoại, hằng ngày cắt cỏ, chăn trâu, tối về đi học bình dân học vụ, tham gia sinh hoạt đoàn thể thiếu niên cứu quốc trong thôn”.
Nhà văn Hoàng Bảo Thông đã dành gần 3 chương trong cuốn sách để viết về tình yêu của ông với làng Hội Hiền, ngôi làng khởi nghĩa và làng kháng chiến.
2. Bước ngoặt đầu tiên của Hoàng là thời điểm năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, Hoàng được gọi lên đường nhập ngũ. Bỏ lại sau lưng hương vị ngày tết còn phảng phất nơi xóm nghèo, cây nêu, cành đào, mảnh đất sân nhà, Hoàng đeo túi dết lên ngang người, tình nguyện lên đường. “Ngày đi một mình trên con đường cũ, men theo lối mòn của đôi bờ sông nhỏ, xuống Quán Giắt tập trung, chân bước mà lòng say sưa khấp khởi”.
Đi kháng chiến, Hoàng được phân về Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 44. Gần 2 tháng huấn luyện, Hoàng cũng như các tân binh khác, “dày dặn nắng mưa”, khoác lên mình “một màu da ngăm ngăm” và “gọi nhau bằng đồng chí”, “họ nhắc nhau ghi nhớ 10 lời thề của chiến sĩ vệ quốc đoàn. Học thuộc và thực hiện đúng 12 điều kỷ luật, nhất là kỷ luật dân vận”.
Một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất trên hành trình ra trận của Hoàng, đó là 2 tháng chiến đấu trên đất bạn Lào. Hoàng tham gia các trận đánh ở Noọng Hét, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phông Xa Lỳ... Còn nhớ bức thư Hoàng gửi mẹ: “Mẹ ơi, con được phát súng, phát thắt lưng da và hai quả lựu đạn, một cái xẻng cán gấp, một bi đông đựng nước”. Tâm trạng hào hứng ấy khiến đường hành quân ra trận của những người lính trẻ gần hơn. Họ hát vang vọng núi rừng. Họ hát như lời kêu gọi: Hỡi các mẹ, các chị, các em! Hỡi bà con xóm núi!
Nếu lần đầu xa nhà ai cũng xao xuyến, thì trong công việc nhà binh, người lính mới ra trận cũng “sợ lắm, hồi hộp lắm”. Chỉ đến khi các cỡ súng trường, trung liên, tiểu liên, cối, DKZ, lựu đạn, mìn AT nổ inh trời rồi kèn lệnh xung phong mới khích lệ tinh thần chiến sĩ, khiến họ bình tĩnh hơn, thậm chí còn thích thú là đằng khác.
...Xuôi dòng Mã giang, Hoàng trở về đại đội nhận nhiệm vụ. Tại khu rừng già Mường Phăng, trung đội của Hoàng được phân công tổ chức một toán ngược núi Pú Hồng Mèo tìm địa điểm đặt đài quan sát. “Trên đồi quan sát mặt trận phía Đông, độ cao 566m, Hoàng đếm từng loạt đạn pháo của ta bắn tung lô cốt boongke của địch, đất đá tung, khói lửa mù mịt, tung cả thằng Tây lên cao quá mái nhà, rồi lại rơi xuống... Tháng 4/1954, chiến trường đầy nước, lầy lội, khó khăn gian khổ lại chồng chất lên vai những người lính”.
Trực tiếp tham gia chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ, tham gia chiến đấu 17 trận từ chiến thuật phục kích, truy kích đến công đồn phòng ngự, bao vây, chia cắt, thọc sâu, đánh lấn, đuổi giặc trên đường dài... Dấu chân của Hoàng đã đi từ Noọng Hét, Bản Ban, Khăng Khay, Cang Na, Sen Đồn, cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, sang Bun Nưa, Hát Sa, Mường Sài, Nậm Bạc, dọc sông Nậm U trên đất Thượng Lào rồi trở về Tây Bắc, giải phóng Điện Biên Phủ.
Sau khi ở Điện Biên Phủ hơn nửa năm trời, tương đương 185 ngày đêm, tháng 9/1954, Hoàng cùng đơn vị hành quân về miền xuôi nhận nhiệm vụ mới - xuống tỉnh Thái Bình cùng với lực lượng vũ trang hợp pháp của tỉnh tham gia đấu tranh chống cưỡng ép di cư. Sau này, ông còn tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới. Cuộc đời binh nghiệp của ông thật dài nhưng thật đáng tự hào.
3. “Dấu chân chiến sĩ” còn là những cảm xúc rất mộc mạc của nhân vật Hoàng. Anh nhớ mãi những gương mặt đồng đội như Đội trưởng Tạ Quốc Luật, Vinh, Nho, hay anh Đoàn Bổng. Đoàn Bổng lớn hơn Hoàng 21 tuổi, quê ở Phủ Cừ, Hưng Yên, vào bộ đội từ năm 1947, là cán bộ chỉ huy mẫu mực, người chỉ bảo Hoàng làm những việc tốt, dìu dắt, hướng dẫn cách quan sát ẩn nấp tránh hỏa lực địch, nắm chắc thời cơ tiến công. Nhưng rồi chính anh bị thương trong trận địa phục kích, một mảnh moochiê đã găm vào bụng bên phải. Anh tắt thở trong cơn mưa rào chiều tháng 8. Chàng trai 22 tuổi không ít lần chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, nhưng trước cái chết của Đoàn Bổng, nỗi đau của Hoàng càng lớn hơn nhiều.
Hay niềm vui đơn giản khi nhận tin gia đình được xuống thành phần trung nông. Lên phú nông, gia đình bị tịch thu mất con bò, nhưng mất bò không đau đớn bằng những ánh mắt của người dân trong làng. “Thương mẹ, trong cuộc đời đều phải lo hai bữa ăn cho chồng, cho con, nước mắt mẹ đã nhiều lần cạn khô vì chế độ phong kiến, đế quốc áp bức, bóc lột dân nghèo”.
Rồi mỗi lần nhớ đến chuyện riêng tư, Hoàng không ít lần phải chạnh lòng. Năm Hoàng lên 4 tuổi, mẹ đã hỏi chị Như cho Hoàng. Năm ấy chị lên 8 tuổi. “18 năm nay, mỗi năm 3 lần Hoàng đi tết bố vợ ngày 5/5, ngày 10/10 và tết âm lịch, ít là con cá thu to, chục bánh khô, cơi trầu, riêng Tết Nguyên đán là phải có thủ lợn và mâm xôi. 18 năm gọi là yêu nhau mà chưa một lần được nhìn rõ mặt nhau, chưa hề được nắm tay, chưa đối diện nói với nhau câu nào, kể cả ngày đi bộ đội”.
Đặc biệt, một lần gặp Bác Hồ năm 1958 khiến Hoàng nhớ mãi. Bác nói: Trước đây, những năm còn kháng chiến, chúng ta lên Tây Bắc đánh giặc có hứa với đồng bào Tây Bắc rằng: Bộ đội Cụ Hồ lên đánh đuổi giặc Tây, giải phóng đồng bào, xây dựng chính quyền cách mạng, giúp đồng bào tăng gia sản xuất bảo vệ mùa màng. Như vậy chúng ta mới làm được một việc còn hai việc nữa lần này sư đoàn các chú hành quân trở lại Tây Bắc, trở lại Điện Biên Phủ cố gắng hoàn thành, các chú có đồng ý không? Tiếng hô “có” thể hiện sự quyết tâm của các chiến sĩ, niềm mong mỏi của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Hoàng là người đã góp phần giải phóng và xây dựng TP Điện Biên Phủ như ngày hôm nay.
Xen lẫn từ chương 1 đến chương 15 là những tâm tư, cảm xúc của một chàng trai trẻ. Ở đó có cả việc “quốc gia đại sự” nhưng cũng có không ít “chuyện nhà quê” mà lúc nào Hoàng cũng đón nhận với thái độ tích cực.
4. Mảnh đất Điện Biên Phủ níu chân chàng trai xứ Thanh suốt vài chục năm nhưng trong dằng dặc nghĩ suy của Hoàng là nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ người con gái tên Lý quê Tân Thọ, Nông Cống có đôi mắt sáng lung linh, cái miệng hay cười thật duyên dáng... khiến anh vương vấn trong lòng.
Ở tuổi 62, sau khi có 3 cháu nội, 2 cháu ngoại, ông Hoàng - bà Lý quyết định về với cội nguồn, với làng Hội Hiền. Cuộc đời con người như một vòng tròn, điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc. Về với quê nhà, ông bà chiều chiều rủ nhau đi bộ quanh xóm làng, thăm hỏi bạn bè đồng niên, các gia đình anh em thân thuộc.
Đi trên những cánh đồng lúa trĩu bông, niềm vui tuổi già cũng là lúc lo toan trước sự chia xa. Những câu chuyện, những dòng hồi ký của nhà văn Hoàng Bảo Thông như một thước phim tài liệu ghi lại cuộc đời một cá nhân để biểu lộ dòng thời gian của lịch sử dân tộc. Dù thể hiện có phần thô mộc, ngô nghê nhưng những trang viết của nhà văn Hoàng Bảo Thông đã dựng nên bức chân dung người lính, đời lính; chạm đến cảm xúc người đọc.
Tôi chưa một lần được gặp CCB, nhà văn Hoàng Bảo Thông, nhưng chỉ qua cuốn hồi ký “Dấu chân chiến sĩ” tôi có thể hình dung ra được gương mặt nhân hậu của ông nhà văn; nét rắn rỏi, đôi mắt sâu, cương trực của một người lính. Ông đã có một cuộc đời đáng để tự hào. 350 trang sách có thể đã nói được nhiều chuyện, kể được nhiều chiến công, nhưng chắc chắn chưa thể đầy đủ về những gian nan và hy sinh của đời người lính. Bởi, để có những ngày hòa bình của mọi người, họ đã gửi gắm tuổi thanh xuân trong mùi thuốc súng, tiếng gầm rú của bom đạn và sự chia ly vĩnh viễn những người đồng đội.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-12-20 15:45:00
Mở Đường (Bài 1): Thênh thang đường về quê Thanh...
Những cựu chiến binh xông pha trong thời chiến, cống hiến giữa thời bình
Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”
Ông Hoàng Trọng Cường, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị văn minh trên nền tảng của sự đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững”
Chiến tranh và nỗi ám ảnh
Những người giữ hồn di sản
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”
Dưới chân núi Chiếu Bạch