Một dải văn hóa - tâm linh về phía biển
Từ TP Thanh Hóa xuôi về phía cửa Hới (TP Sầm Sơn) là hành trình về miền văn hóa - tâm linh. Dọc hai bên đường, du khách dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa, đền thờ... linh thiêng với những câu chuyện đặc sắc, hấp dẫn tô điểm thêm cho vẻ đẹp đất và người nơi đây.
Đền Bà Triều (TP Sầm Sơn). Ảnh: Hoàng Linh
Đền Đề Lĩnh và câu chuyện về vị võ tướng tài đức Đường Công Quang Lộc
Trong hệ thống di tích đa dạng, phong phú trên vùng đất biển Sầm Sơn, đền Đề Lĩnh (làng Lương Trung, phường Trung Sơn) mang màu sắc, ấn tượng rất riêng. Phía sau vẻ đẹp kiến trúc, cảnh quan của di tích là câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp đáng trân trọng, ngợi ca của vị võ tướng nhà Lê trung hưng - Đường Công Quang Lộc.
Lần theo các tư liệu lịch sử ghi chép lại: Dải đất ven biển xứ Thanh là cửa ngõ xung yếu, có vị trí quan trọng với an ninh đất nước. Việc trấn giữ vùng trọng yếu này được giao cho võ quan Đường Công Quang Lộc (quê ở làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc ngày nay), vốn đang giữ chức “Tuần phòng kinh sư Quan tứ thành Đề Lĩnh”.
Tại làng Lương Trung, ngài cho lính tráng khai hoang mở đất; san lấp những cồn cát cao, chặt đốt những lùm gai chằng chịt; dọn dẹp, cải tạo những ruộng đất hoang lấy đất sản xuất. Khi có đủ điều kiện cho việc binh, ngài cho lính tráng đem người nhà đến khai hoang mở đất lập khu gia binh, động viên khuyến khích lính tráng lập gia đình với người dân bản địa. Từ đó, làng Lương Trung ngày càng đông đúc cư dân, đa dạng sinh kế, cuộc sống yên bình...
Ngài Đường Công Quang Lộc một mặt chăm chú việc quân như: chiêu mộ, tuyển chọn nhiều trai tráng khỏe mạnh trong vùng và các nơi gần, xa để bổ sung và thành lập nhiều phân đội lính mới. Ngày đêm các đội quân luyện tập võ nghệ, quân lệnh, lập được nhiều công trạng. Tuy nhiên, sự lớn mạnh cùng uy phong của ngài bị nhiều kẻ rèm pha, đố kỵ, buông lời xàm tấu với vua khiến triều đình nhiều lần gây khó dễ.
Nhằm năm nước ta mất mùa, đói kém, dịch bệnh tràn lan, dân tình hoang mang, giặc phương Bắc với lực lượng hùng mạnh bất ngờ ập tới. Chúng tràn vào khu vực Đường Công Quang Lộc đóng quân chém giết dân lành, cướp bóc tàn ác. Trong khi đó, quân binh của Đường Công Quang Lộc vốn đã quen với cuộc sống yên bình, số đông đã thành gia đình dân binh, chăm lo, chí thú làm ăn nên trở tay không kịp.
Không thể hội binh, chỉnh đốn quân trong chớp nhoáng, Đường Công Quang Lộc cùng hai cô con gái và số quân lính thường trực ít ỏi dũng cảm xông pha, trực tiếp tả xung hữu đột. Quân địch đông, trang bị vũ khí đầy đủ, hung hăng, hống hách nhưng nhiều phen nao núng trước tinh thần, ý chí và tài võ nghệ, thao lược của Đường Công Quang Lộc, giằng co quyết liệt suốt 2 ngày đêm.
Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá lớn, lại không có tiếp viện nên quân binh Đường Công Quang Lộc không thể cầm cự, dốc toàn lực quyết mở đường máu. Khi đã sức cùng lực kiệt, ngài cùng hai cô con gái và quân binh anh dũng hy sinh trong cuộc chiến. Dân làng Lương Trung đau xót mang thi hài của ngài và hai cô con gái về chôn cất tại khu đất cao nhất ở phía Tây của làng, phía trước là con sông quanh năm nước chảy hiền hòa, mát mẻ. Đây là vùng đất có phong thủy tốt, nơi tụ linh đức ít nơi nào có được, lại có cảnh trí sơn thủy hữu tình, thoáng đãng, hài hòa càng tăng thêm vẻ thâm nghiêm của chốn đền thiêng. Đường Công Quang Lộc được tôn thờ là ông tổ nghề vật làng Lương Trung.
Căn cứ vào các đạo sắc phong còn lưu giữ và một số tư liệu, hiện vật khác, đền Đề Lĩnh đã có lịch sử tồn tại suốt 500 năm. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đền vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống. Đền được thiết kế theo hình chữ Đinh; nghinh môn đưa áp vào khối kiến trúc mặt tiền tạo thành một cung bái đường thoáng, rộng. Tiến vào bái đường, du khách hòa mình vào không gian thờ tự của đền với 3 cung: Tiền đường - Trung đường - Hậu cung. Trong đó, hậu cung là chốn thâm nghiêm, ít khi được mở cửa. Nơi đây có một khám lớn, trong khám là linh ngai thần vị, mũ cánh chuồn với bộ cân đai và hòm sắc của ngài. Hiện trong đền còn lưu giữ được 7 sắc phong từ thời Lê và thời Nguyễn. Ngoài ra, không gian tín ngưỡng ở đây còn có sự hiện diện của chùa và phủ mẫu.
Ông Nguyễn Minh Hội, thủ từ đền Đề Lĩnh cho biết: “Đền Đề Lĩnh là không gian sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng không chỉ của người dân trong vùng mà thu hút đông đảo du khách thập phương mỗi khi có dịp ghé thăm vùng đất biển Sầm Sơn. Do đó, nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư trùng tu, tôn tạo đền Đề Lĩnh để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích”.
Linh thiêng đền Bà Triều
Tiếp tục hành trình xuôi về cửa Hới, nằm cách đền Đề Lĩnh không xa là ngôi đền Bà Triều (làng Triều, phường Trung Sơn). Tên của ngôi đền được gọi theo tên làng và cũng là tên vị thần được thờ phụng tại đây - “Hùng triều thánh tổ”, vị tổ sư nghề dệt xăm súc, dệt vải của làng. Được biết, trên vùng đất biển Sầm Sơn, ngoài phường Trung Sơn, Bà Triều cũng được xây dựng đền thờ, thờ phụng ở phường Quảng Cư.
Ngôi đền Đề Lĩnh - nơi lưu dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng Đường Công Quang Lộc.
Tương truyền, Bà Triều vốn là người cõi trên giáng xuống trần, muốn đem nghề tầm tang canh cửi truyền dạy cho người dân lấy kế sinh nhai, ổn định cuộc sống. Bà đã đi nhiều nơi, gặp gỡ, thử lòng nhiều người nhưng chưa tìm được người xứng đáng. Đến vùng biển Sầm Sơn, bà gặp người con gái hiền lành, tốt bụng, thường làm việc thiện giúp đỡ người khác nên yêu mến mà truyền nghề. Hằng ngày, bà lão và cô gái sống nương tựa vào nhau, đem các sản phẩm xăm súc dệt được đem bán. Dần dà, nhiều người trong làng cũng tìm đến rôm rả học nghề. Kể từ khi có nghề dệt xăm súc, dệt vải, cuộc sống của người dân trong làng được no ấm hơn nên người người, nhà nhà mừng vui, hăng say lao động. Sau ba năm gắn bó với dân làng, một buổi sáng trời trong xanh, người dân thấy bà lướt nhẹ trên đầu con sóng và dần khuất bóng. Để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công đức của bà, người dân đã lập đền thờ.
Kiến trúc ngôi đền Bà Triều, phường Trung Sơn được thiết kế theo hình chữ Đinh với tiền đường gồm 5 gian, chồng diêm 8 mái, đầu đao uốn cong. Bước qua trung đường rộng 3 gian là đến khu vực cung cấm, không gian thờ cúng bày biện theo 3 cấp. Trên cùng là “Hùng Triều thánh tổ”, tiếp đến tam tòa thánh mẫu, sau là Tứ vị Thánh nương. Trong ngôi đền hiện còn lưu giữ được bài vị cổ, 12 sắc phong của các triều đại...
Một dải văn hóa - tâm linh đưa du khách về với cửa biển. Đền Đề Lĩnh, đền Bà Triều, chùa Khải Nam, đền Cá Lập, đền làng Hới... gắn với các lễ hội truyền thống tựa như những mảng ghép sinh động, đặc sắc, sản phẩm du lịch độc đáo làm tăng thêm sức hấp dẫn của vùng đất biển Sầm Sơn.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-12-14 15:23:00
VTV Awards 2024: Hình ảnh em bé Điện Biên dưới mưa dẫn đầu tuần bình chọn đầu tiên
-
2024-12-14 14:12:00
Xã Cẩm Lương nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
-
2024-01-05 19:00:00
[E-Magazine] – Hoa cải còn đây, người xưa nơi đâu?
Báo Italy: “Cầu Hôn là nơi có cảnh hoàng hôn gợi cảm nhất thế giới”
Tổ chức Cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng hiện vật, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam trong những năm tháng trên đất Bắc
Phát hành bộ tem bưu chính “Tết Giáp Thìn” 2024
Phú Quốc - Thiên đường “luxury” đầy kỳ vọng
[Podcast] - Tản văn: Màu của mùa đông
Hàng trăm nghìn người dân và du khách đổ về các TTTM Vincom chào đón năm mới 2024
Phú Quốc: Hàng chục ngàn người đổ về Sunset Town ngắm pháo hoa, “đi chợ” đầu năm mới
Gần 900 nghìn người đổ về “Vũ trụ Vin” từ Bắc chí Nam countdown đón năm mới
Rực rỡ dạ tiệc countdown tại các quần thể du lịch Vinpearl