Những buổi mê mải bên dòng sông hoa cải đứa nào cũng lấm lem, và rồi hệ quả là những trận đòn đau, nhưng đến mai, và ngày kia vẫn thế. Chúng tôi chơi hồn nhiên, vô tư với những trò con trẻ trên cánh đồng hoa. Con bé Nương nhẹ tính nhất trong đám nên gần như hôm nào cũng phải vào vai cô dâu, để chúng tôi thay nhau làm chú rể. Nó cười một cách sung sướng với hàm răng sún bởi mình là người đẹp nhất, được chúng tôi thi nhau tìm hái những cành hoa cải ưng ý nhất cho nó cài đầu.
Tuổi thơ hồn nhiên cứ thế đùa vui với chúng tôi, để chúng tôi lớn lên, rồi mỗi đứa một phương trời. Bao nhiêu đứa từng làm chú rể rồi cũng được làm chồng đúng nghĩa khi ở nông thôn chuyện lập gia đình là rất sớm. Con bé Nương cũng thế, nó đã tìm được cho mình một chú rể, nhưng không phải trong đám chúng tôi. Năm thứ nhất đại học, tôi về làng, đi qua triền sống ấy, vẫn rực một màu vàng hoa cải, nhưng không còn con bé Nương, không còn “cô dâu” của tôi. Nó đã là cô dâu nhà khác, tận phương trời Nam xa lắm. Nghe đâu nhà chồng con bé Nương vào tận vùng kinh tế mới Sông Bé, và nó đã theo chồng. Số phận đưa đẩy, khiến những “chú rể, cô dâu” trên triền hoa cải đã không thành đôi lứa.
Tôi may mắn được theo học lên cao, nhưng không phải trong làng đứa trẻ nào cũng có cái may mắn ấy. Có những đứa học giỏi hơn tôi nhưng bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học giữa chừng để trở thành thợ đá. Đứa may mắn hơn sắm được những chiếc xe bò để chở đá từ núi Miễu, núi Chùa phía đầu làng đem ra bán cho dân vùng đồng cói xây nhà. Chẳng đứa nào còn thời gian xuống đồng hoa cải để thi nhau tìm những bông hoa đẹp nhất cài lên đầu cô dâu. Tuổi thơ hồn nhiên, nhưng cũng vội vã, chỉ có sự mưu sinh là hiện hữu dài lâu.
Hiện đại hóa nông thôn như cây đũa thần, thật diệu kỳ, nhưng cũng không kém phần tàn nhẫn. Nó khiến làng tôi, cả triền sông trở thành những bãi tập kết cát, thành nhà cao tầng, và công trình dân sinh khác. Những luống cải cứ ít dần đi, rồi hết. Người làng tôi phải ra chợ huyện để mua dưa ăn thay cho việc ra triền sông hái rau cải về phơi trong nắng đến khi héo quắt đi rồi thái ra cho vào vại muối. Mỗi nhà đều có một vại dưa cải làm món ăn hàng ngày. Những hôm đi học về chưa có cơm chúng tôi lại tìm đến vại dưa. Những cánh đồng hoa cải đã khiến tuổi thơ của chúng tôi trở nên thú vị hơn, còn những vại dưa cải đã làm chúng tôi no bụng hơn để theo đường bút sách.
Bây giờ cái gì cũng có, nhưng để được mê mải nơi triền sông vào mùa hoa cải với thứ trò chơi cô dâu, chú rể trên cánh đồng hoa, lại là chuyện hiếm. Cánh đồng hoa cải của chúng tôi đã “về trời” theo những thân phận từng mê mải nô đùa trên cánh đồng ấy theo một nghĩa nào đó. Một thời trẻ trung, hồn nhiên sẽ không bao giờ quay lại. Những cánh đồng cải trổ ngồng chỉ tồn tại trên những thân ruộng trong thời điểm mà ruộng đồng chưa bị quay vòng, người nông dân chưa biết trồng cấy nhiều cây, thu hoạch nhiều lứa như bây giờ. Đó là một ký ức vui vẻ và đẹp đẽ, khiến người ta tiếc nhớ một cách bất chợt…
Trên mạng xã hội thấy nhiều người đăng lên những khuôn hình với đủ tư thế sung sướng trên cánh đồng hoa cải, khiến tôi rưng rưng tiếc nhớ. Bây giờ muốn vào cánh đồng hoa cải phải mua vé, mà cũng chẳng rẻ chút nào. Người ta phải đi nhiều cây số mới đến được cánh đồng hoa chỉ để chụp ảnh đăng lên facebook khoe với bạn trên thế giới ảo. Tiện ích cuộc sống giúp con người vừa tạo dáng vừa chụp ảnh selfie, nhưng vẫn chỉ là sự khiên cưỡng, khó có nét hồn nhiên, sự vô tư của trò chơi cô dâu, chú rể trên cánh đồng hoa như lũ chúng tôi ngày nào.
Bên sông mùa hoa cải, ánh mắt nhìn mê mải… Tôi nhớ có bài hát với những ca từ na ná thế và tôi đã không cưỡng lại được mình. Tôi móc túi chìa ra tờ bạc để được quyền vào vườn hoa cải. Không phải để chụp ảnh như những người cùng vào, mà là để sống lại với ký ức một thời. Hình ảnh con bé Nương dường như đang ở phía kia với những bông hoa cải đẹp nhất cài trên đầu, lũ chúng tôi đi vòng quanh tán tụng, để được nó chọn làm chú rể.
Bất chợt tôi lẩm nhẩm câu ca: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” khi nghĩ về con bé ấy.