Vai trò của con giống trong phát triển chăn nuôi
Trong chăn nuôi, con giống được xem là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đầu tư xây dựng trang trại giống hạt nhân, du nhập giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để sản xuất con giống cung cấp cho thị trường. Qua đó, từng bước kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người chăn nuôi đầu tư máy ấp trứng để chủ động nguồn giống chất lượng cao.
Hiện nay, tỉnh ta có tổng đàn lợn khoảng 1,2 triệu con, đàn gia cầm 26,9 triệu con và tổng đàn trâu, bò gần 400 nghìn con. Để duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần có khoảng 7,2 triệu con giống gia cầm, gần 300 nghìn con lợn giống để đưa vào nuôi gối đàn. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được 70% số lợn giống và khoảng 60% con giống gia cầm. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong lai tạo giống đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi nhưng vẫn còn nhiều “khoảng trống”. Các cơ sở sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Mặt khác, tình trạng người chăn nuôi thiếu kinh nghiệm, ham rẻ nên sử dụng con giống kém chất lượng đã ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.
Thực tế đó đã chứng minh vai trò quyết định của con giống trong phát triển chăn nuôi và đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương cần có các giải pháp để người chăn nuôi được tiếp cận với nguồn giống có chất lượng cao; nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi cũng chủ động sản xuất con giống đem lại hiệu quả kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giảm chi phí sản xuất và đạt lợi nhuận cao hơn.
Để nâng cao tầm vóc đàn gia súc, các địa phương có tổng đàn gia súc lớn như: Như Thanh, Bá Thước, Cẩm Thủy... đã áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật, như: Sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc; sử dụng tinh bò BBB phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt; sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái... Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gia súc đã hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng, nguồn con giống được kiểm soát, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 đến 30%... Hiện nay, tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 63%, 85% gà, vịt siêu trứng, du nhập giống bò BBB, Droughtmaster, RedAgus... có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để quản lý, nhân giống, phát triển bền vững giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa, như vịt Cổ Lũng, lợn mán, vịt bầu cổ xanh...
Anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà cho biết: "Hiện nay, có một số cơ sở ấp trứng gia cầm giống trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, thu gom trứng không có sự kiểm soát về chất lượng và dịch bệnh nên tôi đã sử dụng con giống từ cơ sở giống uy tín ở ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tôi cũng lựa chọn cơ sở được chứng nhận về an toàn dịch bệnh, con giống nhập về có giấy kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan chuyên môn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn".
Có thể khẳng định, con giống luôn giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi, cũng là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cần căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp bố mẹ, đàn bò cái đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống thương phẩm phục vụ sản xuất. Đối với những hộ chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp sinh học, tiêm phòng vắc-xin định kỳ... Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển con giống ra, vào địa bàn tỉnh; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương cần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chủ động từ con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh: Kim Ngọc
{name} - {time}
-
2024-12-15 10:05:00
Chuyên gia: Đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam “vẫn được duy trì”
-
2024-12-15 07:00:00
Bản tin Tài chính 15/12: Giá vàng sụt giảm, rủi ro tiềm ẩn
-
2024-03-10 14:30:00
Để thị trường trở nên minh bạch, an toàn hơn
Bản tin tài chính 10/3/2024: Chuỗi ngày tăng kỷ lục, mua vàng lãi đậm
Công nhận 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Hội LHPN Lang Chánh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Cẩm Thủy chủ động nguồn nước tưới phục vụ cây trồng vụ chiêm xuân
Chú trọng phát triển nguyên liệu phục vụ chế biến
Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường tìm kiếm đơn hàng
Sản xuất công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
Bản tin tài chính 9/3/2024: Vàng tiếp tục đà tăng, chờ kỷ lục mới
Nỗ lực giải phóng mặt bằng để Dự án 500kV mạch 3 về đích