(Baothanhhoa.vn) - Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội (MXH) mang lại trong việc tìm kiếm thông tin, kiến thức, kết nối bạn bè, vui chơi, giải trí... Tuy nhiên, nếu sử dụng MXH không đúng cách hoặc quá lạm dụng, thì MXH lại trở thành “con dao hai lưỡi” gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ.

Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 2) - Con dao hai lưỡi!

Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội (MXH) mang lại trong việc tìm kiếm thông tin, kiến thức, kết nối bạn bè, vui chơi, giải trí... Tuy nhiên, nếu sử dụng MXH không đúng cách hoặc quá lạm dụng, thì MXH lại trở thành “con dao hai lưỡi” gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ.

Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 2) - Con dao hai lưỡi!Trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Từ những bất an...

Do tính chất công việc phải đi làm xa nhà thường xuyên, để “yên tâm” cho việc con cái ở nhà một mình và dễ dàng liên lạc với con, chị H.T.M. (TP Thanh Hóa) đã sắm cho con mình chiếc điện thoại thông minh. Vào ngày đi học chính trên trường thì việc sử dụng điện thoại thông minh với con chị M. dường như rất hạn chế, các cháu chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết là tra cứu thông tin phục vụ việc học tập. Thế nhưng, vào ngày cuối tuần, do không thể giám sát 24/24h nên các con chị đành “làm bạn” cả ngày với chiếc điện thoại thông minh. Điều này, gây ra không ít lo lắng cho gia đình chị M. Chị chia sẻ: Ở tuổi của các cháu do “sức đề kháng” trên MXH còn yếu, không phân biệt được thông tin tốt, xấu, nên dễ sa vào những trang MXH có nội dung thông tin xấu, độc, không phù hợp lứa tuổi. Nếu việc tiếp xúc diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được như các con có lối “sống ảo” tách rời khỏi thế giới thực; truy cập nội dung không lành mạnh ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý, dễ bị kẻ xấu lợi dụng; ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập... Do đó, gia đình tôi cũng rất lo lắng khi cho các con tiếp xúc với MXH mà không có người giám sát thường xuyên.

Trên thực tế, đã xảy ra tình trạng trẻ em lạm dụng quá nhiều MXH dẫn đến việc “nghiện” sử dụng điện thoại, ipad để xem các clip trên youtube, tiktok hay chơi game online... Điều này, gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe, tinh thần não bộ và hành vi ứng xử của các em. Thầy giáo Phạm Đức Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) cho biết: Nhà trường đã tăng cường kiểm soát học sinh mang điện thoại thông minh đến lớp học và khuyến cáo các em chỉ sử dụng điện thoại thông minh khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, do phụ huynh trong nhà trường có tới 30% là đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà. Do đó, việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại thông minh ở nhà cũng là cái khó cho nhà trường và phụ huynh. Vì thế, trong trường đã xảy ra một vài trường hợp học sinh “nghiện” MXH, thậm chí nghỉ học để ở nhà lướt MXH, dẫn đến chất lượng học tập của các em bị giảm sút".

Trưởng Phòng Quản lý công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Lê Xuân Lâm cho biết: MXH không có lỗi, đó là công cụ để trẻ em sử dụng, tùy thuộc vào mục đích của người dùng. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Một số trang MXH chạy theo mục đích giật gân, tăng lượt truy cập nên tập trung tổng hợp, chia sẻ, lan truyền những tin, bài có nội dung tiêu cực, thông tin về mặt trái của xã hội, thông tin phản cảm vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam... Do đó, nếu trẻ em sử dụng MXH không đúng mục đích, thì rất dễ bị nhiễm thông tin xấu, độc mang lại nhiều rủi ro và hiểm họa khó lường. Từ năm 2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện 41 trường hợp vi phạm trên không gian mạng; xử lý 15 trường hợp thông tin sai sự thật trên MXH, phạt tiền 230 triệu đồng, yêu cầu chủ tài khoản 25 facebook gỡ bỏ nội dung không phù hợp. Thực hiện giám định và kết luận 9 nội dung thông tin trên MXH có vi phạm chuyển cơ quan công an phục vụ công tác điều tra, truy tố theo Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, sở đã phối hợp với Trung tâm internet Việt Nam, các nhà mạng cung cấp dịch vụ xác minh 16 website, 66 địa chỉ IP, 7 tài khoản MXH, 28 số điện thoại vi phạm hình sự về hành vi lừa đảo, đánh bạc...

Theo khảo sát mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng MXH ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5 - 7 tiếng/ngày. Việc quá lạm dụng vào MXH dẫn đến tình trạng nghiện MXH đã gây ra những ảnh hưởng khá lớn về mặt thể chất và tinh thần cho các em. Nói về vấn đề này, bác sĩ CKI, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Tâm lý lâm sàng nhi, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa Lương Mỹ Linh cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho một số trẻ em có biểu hiện của “nghiện” MXH, nhất là nghiện game oline. Tình trạng nghiện game online gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của trẻ em. Trẻ được xác định nghiện game online khi trẻ nhập tâm vào trò chơi yêu thích trong game, không kiểm soát được bản thân khỏi game, chơi ở bất cứ đâu, không nghỉ trong nhiều giờ. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp suy kiệt sức khỏe, bỏ bê việc học hành, xa rời các quan hệ gia đình, xã hội và cũng đã có không ít hành vi vi phạm pháp luật, gây xung đột, thương vong... do trẻ em nghiện game gây ra.

... đến những hệ lụy

Là một trong những học sinh lạm dụng MXH dẫn đến sa sút trong học tập, T.T.C.T., học sinh tại một trường THCS trên địa bàn huyện Cẩm Thủy cho biết: Do bố mẹ đi làm ăn xa, em ở nhà với ông bà nội nên bố mẹ đã sắm cho em chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc. Ngoài việc sử dụng MXH phục vụ học tập, em cũng thường hay lên mạng để xem youtube, tiktok... dần dần do không kiểm soát được em đã dành khá nhiều thời gian lướt MXH, dẫn đến tình trạng học hành bị giảm sút. Tuy nhiên, được nhà trường tuyên truyền, khuyến cáo về những mặt trái do MXH gây ra em đã dần ý thức được, chỉ sử dụng điện thoại khi thật sự cần thiết.

Có lẽ đến nay, khi nghĩ lại vụ án giết người, cướp tài sản ngày 18/12/2023 do đối tượng L.N.H. (sinh năm 2008), thường trú tại thị xã Nghi Sơn gây ra, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Theo đó, do nghiện game online trên điện thoại di động và cần tiền để nạp vào chơi game nên L.N.H. đã nảy sinh ý định dùng vũ lực tấn công chị H. nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngày 18/12/2023, H. đến quán tạp hóa của chị H. mua hàng, lợi dụng lúc vắng khách, H. đã tấn công chị H. làm chị bất tỉnh. Khi H. đang lục tìm tiền trong quán thì bất ngờ chị H. tỉnh dậy hô hoán kêu cứu, sợ bị mọi người phát hiện nên H. đã dùng dao chém nhiều nhát vào vùng đầu, mặt làm chị H. tử vong rồi cướp 1 chiếc điện thoại đi động trị giá 1,2 triệu đồng và tiền mặt 1,377 triệu đồng để tiêu xài.

Việc nghiện MXH, nhất là nghiện game oline gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ em. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội để đảm bảo cho trẻ em sử dụng MXH một cách an toàn, hiệu quả.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Bài cuối: “Lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Tin liên quan:
  • Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 2) - Con dao hai lưỡi!
    Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài 1) - Lợi ích từ mạng xã hội

    Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội (MXH) để tra cứu thông tin phục vụ học tập, tăng cường kết nối, giao lưu bạn bè, giải trí... đã và đang trở thành xu hướng được đông đảo trẻ em lựa chọn. Không chỉ vậy, MXH cũng được các trường học trong tỉnh sử dụng một cách hiệu quả để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]