(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, du lịch Thanh Hóa đã có sự chuyển mình, “thăng hạng” mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc gia. Minh chứng sinh động, thuyết phục nhất là những con số thống kê về số lượng du khách “đổ về” xứ Thanh và doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” mang lại. Trong đó, việc thúc đẩy du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng đã và đang là hướng đi đúng đắn, góp phần lan tỏa và kết nối các giá trị, nhanh chóng “bắt nhịp” xu hướng, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững

Thời gian qua, du lịch Thanh Hóa đã có sự chuyển mình, “thăng hạng” mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc gia. Minh chứng sinh động, thuyết phục nhất là những con số thống kê về số lượng du khách “đổ về” xứ Thanh và doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” mang lại. Trong đó, việc thúc đẩy du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng đã và đang là hướng đi đúng đắn, góp phần lan tỏa và kết nối các giá trị, nhanh chóng “bắt nhịp” xu hướng, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân).

Bản Mạ (Thường Xuân) cách TP Thanh Hóa khoảng 60km, là cung đường rất phù hợp cho chuyến du lịch trong ngày, tìm một nơi cảnh sắc thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, yên tĩnh để tận hưởng cảm giác thư giãn, vui vẻ bên gia đình, bạn bè, người thân. Nguyễn Thành Tuấn (Hoằng Hóa) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên gia đình mình ghé thăm bản Mạ nên cảm thấy mọi điều rất mới mẻ, thú vị. Ấn tượng nhất đối với mình là cảnh sắc thiên nhiên trữ tình, thơ mộng cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái được bảo tồn, phát huy trong nhịp sống thanh bình của bà con nơi đây. Cây cầu treo nổi bật trên dòng nước sông Chu trong xanh kết nối du khách với bản Mạ cũng là một trong những điểm nhấn, tạo nên sự khác biệt rõ nét trong lòng du khách”.

Là một người ưa xê dịch, Tuấn thích tham quan, khám phá các địa điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngoài bản Mạ, Tuấn cũng từng đặt chân đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng về cảnh sắc thiên nhiên, độc đáo văn hóa như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), thác Mây (Thạch Thành)... Tuấn bộc bạch: “Trước thực trạng trái đất ngày càng nóng lên; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, lãng phí tài nguyên... ngày càng đáng báo động thì việc xây dựng và thúc đẩy phát triển những địa điểm du lịch xanh như vậy rất đáng để lưu tâm và cần được lan tỏa, ủng hộ nhiều hơn nữa”.

Du lịch trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần chỉ xoay quanh câu chuyện “ăn gì – chơi gì”. Du khách hiện nay dành sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sinh thái, có ý thức cao hơn về vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và có nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa sâu hơn. Chính điều đó đã góp phần hình thành xu hướng du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa, cộng đồng, hướng đến các giá trị bền vững.

Thanh Hóa là một trong các địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Nơi đây có diện tích rộng lớn, đủ 3 vùng địa lý: Vùng núi và trung du, ven biển, đồng bằng, được tạo hóa ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hệ thống di tích thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa. Những năm gần đây, Thanh Hóa đã, đang huy động nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch xanh với quan điểm nhất quán là “không đánh đổi môi trường”, thu hút đầu tư du lịch phải hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội, gìn giữ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, du lịch Thanh Hóa dần khẳng định và nâng tầm vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia với nhiều khu, điểm du lịch xanh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Du lịch biển có: Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Bãi Đông, Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... Du lịch sinh thái, cộng đồng có: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Mạ, Vườn quốc gia Xuân Liên (Thường Xuân), Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Bút (Quan Hóa); Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh)... Du lịch văn hóa - tâm linh có: Đền Nưa - Am Tiên; Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Hậu Lộc), đền Cô Bơ (Hà Trung); đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Khu di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh Cửa Đặt (Thường Xuân)...

Trong đó, Pù Luông là một trong những điển hình trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa. Nơi này không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước mà thu hút đông đảo du khách nước ngoài. 5 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đón khoảng 65.100 lượt khách, trong đó có khoảng 15.550 lượt khách quốc tế, góp phần quan trọng đưa tổng thu du lịch của huyện Bá Thước trong dịp này đạt con số 110 tỷ đồng.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, việc phát triển du lịch xanh ở Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, đầu tư và thu hút đầu tư, nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị quản lý, khai thác du lịch và du khách... Nhìn sâu hơn vào nội hàm của khái niệm du lịch xanh, những mảng đối lập giữa các mệnh đề: “tăng trưởng nóng” – tăng trưởng bền vững, lượng và chất... đặt ra nhiều mối bận tâm, trăn trở. Làm thế nào để cân bằng giữa việc “tăng tưởng nhanh”, “phát triển nóng” với “tăng trưởng xanh”, “tăng trưởng bền vững” khi sự tăng lên, tập trung đông của con người ở bất kỳ nơi nào cũng luôn đi kèm với sức ép về môi trường, cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học. Và khi chịu sức ép về lượng thì vấn đề quản lý, vận hành, khai thác du lịch tại các địa phương, các điểm đến có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư quy mô, đồng bộ; các sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú, thiếu tính trải nghiệm và kết nối chặt chẽ với bối cảnh, không gian văn hóa cơ sở; chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo...

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định rõ: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc...

Để du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch; bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng xây dựng uy tín, thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch Thanh Hóa với các thông điệp ấn tượng: “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; các đề án phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... tại một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, từ đó phát triển các điểm đến xanh. Tăng cường liên kết với các địa phương, các thị trường trọng điểm trong công tác quảng bá tiếp thị, xúc tiến du lịch...

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch xanh không còn là sự lựa chọn, đó là xu hướng, yêu cầu tất yếu. Bởi vậy, việc thúc đẩy du lịch xanh, từ du lịch xanh tạo ra giá trị bền vững cho sự phát triển phải xuyên suốt, đồng bộ từ nhận thức đến hành động, ở tất cả các cấp, từ các nhà nghiên cứu, hoạch định chiến lược, quản lý, khai thác du lịch đến từng du khách, từng người dân.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]