Thứ trưởng Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp - thương mại
Ngày 6/11, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế và làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - thương mại.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các Khu Công nghiệp (KCN), đại diện các địa phương và một số doanh nghiệp cùng làm việc với đoàn.
Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo tình hình hoạt động công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh.
10 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 19,6% so với cùng kỳ và gần gấp đôi mức tăng bình quân cả nước. Trong đó, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng rất khá, như: Xăng các loại tăng 39% so cùng kỳ; dầu diesel tăng 49,2% so cùng kỳ; quần áo các loại tăng 17,7% so cùng kỳ; giày thể thao tăng 21,5% so cùng kỳ; xi măng tăng 76,7%; điện sản xuất tăng 24,6% so cùng kỳ.
Hiện nay, tại KKTNS có 7 phân khu KCN đã được lấp đầy, 4 phân khu KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, với tỷ lệ lấp đầy bình quân là 35%. Một số KCN ngoài KKTNS có kết quả thu hút đầu tư tốt như: Lễ Môn đạt 100%; Đình Hương - Tây Bắc Ga đạt 95%; Hoàng Long giai đoạn 1 đạt 100%; Bỉm Sơn 65%; Lam Sơn - Sao Vàng 5%; Thạch Quảng 6,6%.
Lũy kế đến nay, tại KKTNS và các KCN đã thu hút được 656 dự án đầu tư trong nước và 74 dự án đầu tư nước ngoài. Dự kiến đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ thu hút thêm các dự án lớn, như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN: Phú Quý; Giang Quang Thịnh; phía Tây Thanh Hóa; Hà Long; Nhà máy xi măng Đại Dương...
Thanh Hóa cũng đã được quy hoạch 115 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 5.267 ha. Đã có 44 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 1.557 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký 10.917 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 303 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 5,07 tỷ USD. Dự báo cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 6,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 6 tỷ USD).
Về phát triển nguồn điện, toàn tỉnh có 39 dự án nhà máy điện được quy hoạch với tổng công suất 5.486 MW; trong đó có 19 dự án đã đi vào vận hành, với tổng công suất 2.488,36 MW; 6 dự án đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 906MW và 14 dự án đã được phê duyệt quy hoạch, chưa đầu tư với tổng công suất 2091,5MW.
Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) Đỗ Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công Thương quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn; đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công để triển khai các danh mục dự án ưu tiên đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia như: dự án hạ tầng truyền tải điện; dự án dự trữ xăng dầu khí đốt; dự án thuộc các chương trình MTQG; dự án thuộc Chiến lược phát triển lĩnh vực dầu khí.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các tham tán thương mại hỗ trợ xúc tiến hoạt động xuất khẩu đối với hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa và hướng dẫn các thủ tục xuất nhập khẩu, giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế; quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí từ Chương trình khuyến công quốc gia theo đề nghị của tỉnh Thanh Hóa; đề xuất Quốc hội sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi kiến nghị, đề xuất các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp - thương mại.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: Theo mục tiêu của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị; Chiến lược phát triển ngành dầu khí quốc gia; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đều xác định: “Đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo trước năm 2030; hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế, trong đó có Thanh Hóa; xây dựng trung tâm điện khí LNG tại KKTNS”.
Để sớm hiện thực mục tiêu trên của Trung ương và của tỉnh, đồng thời tạo thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp - thương mại trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn mà các doanh nghiệp đã đề xuất cụ thể, như: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để làm cơ sở cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với dự án Nhiệt điện Công Thanh, tỉnh Thanh Hóa theo Văn bản 12927/UBND-CN ngày 04/9/2024 của UBDN tỉnh Thanh Hóa; sớm xem xét giải quyết đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa tại văn bản số 14737/UBND-THKH ngày 07/10/2024 về lựa chọn, bố trí quỹ đất xây dựng kho dự trữ quốc gia dầu thô và kho dự trữ LNG; hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1.500MW theo Nghị định 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ; phê duyệt điều chỉnh nguồn cung dầu thô, kế hoạch sản xuất năm 2025 và hỗ trợ cấp phép nhập khẩu LPG cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư các dự án truyền tải 220kV, 110kV theo Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tỉnh; đặc biệt các lộ tuyến cấp điện cho các khu đô thị lớn, các KCN, khu sản xuất công nghiệp quy mô lớn của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Phát biểu kết luận chương trình làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long ghi nhận, đánh giá cao công tác điều hành sản xuất công nghiệp - thương mại của tỉnh Thanh Hóa và nỗ lực của các doanh nghiệp đã đưa lại những kết quả đáng ghi nhận, tạo động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long kết luận hội nghị.
Từ các kiến nghị cụ thể của tỉnh Thanh Hóa và trao đổi, thảo luận của các Cục, Vụ trực thuộc; ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết sẽ giao các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sau chương trình làm việc và khảo sát thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề xuất tỉnh Thanh Hóa tổ chức giao ban thương vụ chuyên đề về lĩnh vực này. Tại chương trình, các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương nắm bắt sâu sắc hơn các khó khăn, vướng mắc cụ thể; bàn và hỗ trợ tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất.
Theo đề xuất của tỉnh, tới đây, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, phối hợp với ngành Công Thương Thanh Hóa tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức về công tác hội nhập thương mại quốc tế, quản lý hoạt động thương mại điện tử và các chính sách pháp luật mới thuộc ngành. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa chủ động nghiên cứu, tham gia vào các chương trình hợp tác phát triển khu, cụm công nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn; cụ thể hơn các định hướng trong chiến lược xây dựng trung tâm năng lượng quốc gia tại Thanh Hóa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tham gia vào các nhóm hợp tác về chuyển đổi năng lượng. Đây là cơ hội để Thanh Hóa tìm hiểu, tham gia vào các dự án tiết kiệm năng lượng, phát triển lưới điện thông minh; đồng thời có cơ hội đồng hành cùng các đối tác để hợp tác phát triển nguồn năng lượng với tư cách là trung tâm năng lượng quốc gia.
Trước đó, đoàn công tác đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và các kiến nghị, đề xuất của một số nhà máy sản xuất trọng điểm tại Khu Kinh tế Nghi Sơn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; các nhà máy nhiệt điện; Cảng PTSC Nghi Sơn; đồng thời khảo sát mặt bằng Dự án Nhiệt điện Công Thanh; mặt bằng đề xuất xây dựng kho dự trữ quốc gia đối với dầu thô, kho dự trữ LNG.
Một số hình ảnh khảo sát của đoàn công tác tại Khu Kinh tế Nghi Sơn:
Đoàn công tác khảo sát hoạt động sản xuất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và đoàn công tác khảo sát hoạt động sản xuất của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hoá.
Đoàn công tác khảo sát vị trí đề xuất xây dựng kho dự trữ quốc gia đối với dầu thô, kho dự trữ LNG.
Đoàn công tác khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Đoàn công tác khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Minh Hằng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-11-06 15:01:00
Con đường nào dẫn đến thành công cho tư vấn viên bảo hiểm?
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 3) - Giải “bài toán” vốn đối ứng
Ra mắt và trao vật tư cho Hợp tác xã trồng rau sạch Nhuận Thạch
Bản tin Tài chính 6/11: Giá vàng thế giới nhích nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà giảm
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 2) - Rốt ráo gỡ vướng
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa với công tác an sinh xã hội
Gấp rút tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa
Nâng cao chuỗi giá trị nông sản trong các HTX
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là Thương hiệu quốc gia
Bản tin Tài chính ngày 5/11: Diễn biến ngược của giá vàng trong nước trước bầu cử Mỹ