Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 3) - Giải “bài toán” vốn đối ứng
Để gắn trách nhiệm của địa phương, đơn vị, các dự án đầu tư công do tỉnh quản lý yêu cầu nguồn vốn đối ứng được UBND tỉnh, HĐND tỉnh quyết định tại chủ trương đầu tư. Trong điều kiện nguồn thu ngân sách chưa đa dạng và vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tiền thu sử dụng đất, thì “bài toán” vốn đối ứng là vấn đề khá nan giải, đòi hỏi các địa phương phải có nhiều giải pháp nhằm cân đối nguồn vốn, để sớm đưa dự án vào triển khai và phát huy hiệu quả.
Khu dân cư khu 3, thị trấn Quán Lào (Yên Định) được đầu tư hạ tầng hiện đại để tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách. Ảnh: PV
Trầy trật tiến độ vì thiếu nguồn vốn đối ứng giải phóng mặt bằng
Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 và điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2023, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 2.314 tỷ đồng; trong đó vốn tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB) là 1.199 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn là 1.115 tỷ đồng.
Với 8 hạng mục, trong đó có nhiều hạng mục công trình quan trọng, như: xây dựng 9,9km tuyến đường bộ ven biển đoạn từ xã Ninh Hải đến cầu Lạch Bạng; xây dựng 2,1km tuyến đường Bình Minh đi Sao Vàng; cải tạo 5,6km kênh Than từ đoạn cầu Mai đến cống Đò Bè..., dự án kỳ vọng mang lại “bộ mặt” mới để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối các khu vực trong Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tuy nhiên, theo Hiệp định tài trợ vốn đã ký với WB, thời gian đóng khoản vay là ngày 30/6/2025 nhưng phần việc giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện vẫn ngổn ngang.
Theo chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, khối lượng công tác GPMB và khối lượng xây lắp hạng mục đường giao thông còn lại rất lớn (5,7km tuyến số 1 và 1,1km tuyến số 2). Khó khăn trong GPMB cùng với việc chậm trễ triển khai thi công của một số nhà thầu suy giảm năng lực, dự án khó có thể hoàn thành trong thời gian theo hiệp định đã ký. Nhiều hạng mục công trình vẫn còn thi công dở dang và chưa thể kết nối với các tuyến đường hiện hữu. Lũy kế giải ngân dự án đến nay mới đạt 1.144,5 tỷ đồng, đạt 49,5% tổng vốn đầu tư. Trong đó, vốn vay WB mới giải ngân 693,7 tỷ đồng (đạt 57,8% tổng vốn ODA). Vốn đối ứng mới giải ngân 450,8 tỷ đồng (đạt 40,4% tổng vốn đối ứng). Năm 2024, dự án được giao số vốn hơn 295,7 tỷ đồng nhưng đến nay, chủ đầu tư mới thực hiện giải ngân được hơn 31,5 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% so với kế hoạch vốn giao.
Được biết, với dự án này, ngân sách thị xã Nghi Sơn tham gia đối ứng 537,8 tỷ đồng. Nguồn vốn này được HĐND tỉnh thống nhất phương án từ 2 nguồn là thu tiền sử dụng đất của dự án khu dân cư phường Nguyên Bình; giao đất và thu tiền sử dụng đất của các khu tái định cư. Tuy nhiên dự án khu dân cư phường Nguyên Bình tiếp tục gặp vướng mắc trong GPMB do chưa có đầy đủ cơ sở giao đất tái định cư và thu tiền sử dụng đất (Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2024 của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã hết hiệu lực từ 1/8/2024 khi Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực thi hành); vì vậy, việc tạo nguồn vốn đối ứng cho dự án rất khó khăn. Đến nay, thị xã Nghi Sơn mới thu được 15 tỷ đồng từ việc giao đất tái định cư và vay 60 tỷ đồng từ Quỹ phát triển đất tỉnh Thanh Hóa. Số tiền đã phê duyệt nhưng chưa có kinh phí để chi trả là 163,9 tỷ đồng/232 lượt hộ và tổ chức. Số tiền còn thiếu so với nhu cầu là 462,8 tỷ đồng.
Tại thị xã Bỉm Sơn, Dự án đường giao thông nối từ đường Trần Phú đến đường Nam Bỉm Sơn 6, thị xã Bỉm Sơn cũng đang gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn đối ứng. Với tổng mức đầu tư gần 336 tỷ đồng, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 117 tỷ đồng cho chi phí xây dựng; thị xã Bỉm Sơn cần đối ứng thêm 219 tỷ đồng, bao gồm 1 phần chi phí xây dựng và kinh phí GPMB. Tuy nhiên, công tác đấu giá quyền sử dụng đất 2 năm vừa qua chưa đạt kỳ vọng nên thị xã cũng chưa bố trí được nguồn kinh phí để hoàn thành công tác GPMB. Hiện nay, dự án mới bàn giao khoảng 70% diện tích cần GPMB; khối lượng thực hiện đạt khoảng 33% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 20% so với hợp đồng.
Dự án đường từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa cũng đang có nguy cơ trễ hẹn về đích tháng 12 năm nay. Giá trị thực hiện phần xây lắp của dự án đến nay mới giải ngân 295/536 tỷ đồng, đạt 55%. Nguyên do là công tác bồi thường, GPMB đoạn tuyến qua địa bàn huyện Nga Sơn gặp vướng mắc trên chiều dài 0,728km, ảnh hưởng tới 98 hộ dân có đất ở.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Nga Sơn, liên quan đến dự án này, huyện Nga Sơn có khối lượng công việc GPMB rất lớn, với chiều dài tuyến 16,442km, diện tích bị ảnh hưởng là 48,33ha, số hộ bị ảnh hưởng 626 hộ. Trong đó có 267 hộ ảnh hưởng đất ở với diện tích gần 4,3ha; số hộ phải bố trí tái định cư 77 hộ. Cùng với công tác xác minh nguồn gốc đất ở phức tạp, kéo dài, việc đấu giá các mặt bằng để thu tiền sử dụng đất trong năm nay cũng không đạt kế hoạch. Đây là khó khăn lớn nhất của địa phương, khiến việc huy động vốn đối ứng dành cho công tác GPMB không đáp ứng được yêu cầu.
Được biết, tổng kinh phí cho công tác GPMB dự án này qua địa bàn huyện Nga Sơn khoảng 370,647 tỷ đồng, tăng hơn 149 tỷ đồng so với dự toán trong tổng mức đầu tư. Đến nay, nguồn kinh phí GPMB mới bố trí được hơn 109 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện bố trí hơn 59,2 tỷ đồng và vay từ Quỹ phát triển đất tỉnh Thanh Hóa 50 tỷ đồng, còn thiếu so với dự toán phê duyệt 93,6 tỷ đồng và so với nhu cầu thực tế hiện nay là còn thiếu hơn 261,4 tỷ đồng. Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải đã lập điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó nguồn vốn tỉnh hỗ trợ cho huyện Nga Sơn là 200 tỷ đồng để hoàn thành GPMB dự án.
Giải quyết nguồn lực vốn đối ứng bằng cách nào?
Khảo sát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, do nguồn thu chưa đa dạng nên việc huy động vốn đối ứng của các dự án đầu tư đa phần được cân đối từ nguồn thu thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, vào các thời điểm thị trường không thuận lợi, bất động sản đóng băng, việc “trông chờ” vào nguồn thu này thường không đạt được kỳ vọng. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 10/10/2024, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất mới đạt gần 9.283 tỷ đồng/22.876,6 tỷ đồng, đạt 40,6% theo kế hoạch, dẫn đến đa phần các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí GPMB đối ứng cho các dự án.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 506B đoạn từ nút giao với Quốc lộ 45 đến nút giao với đường nối 3 quốc lộ (Quốc lộ 45 - Quốc lộ 217 - Quốc lộ 47) tại xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa) đang được đẩy nhanh tiến độ.
Tại thị xã Bỉm Sơn, dự toán thu nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024 do HĐND thị xã giao là hơn 397 tỷ đồng; trong đó sẽ thực hiện điều tiết về ngân sách tỉnh gần 163 tỷ đồng, điều tiết về ngân sách huyện, xã hơn 234 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng năm nay, kết quả thu tiền sử dụng đất mới đạt 201 tỷ đồng. Cùng với các nhiệm vụ khác phải chi theo dự toán; nguồn bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới đạt 43,4 tỷ đồng.
Đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Quảng Xương chia sẻ, năm 2024, số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn không đạt kế hoạch đề ra do thị trường bất động sản trên địa bàn huyện trầm lắng. Nhiều mặt bằng quy hoạch đưa ra đấu giá nhưng không có khách hàng tham gia. Theo đó, khi đưa ra đấu giá 16 mặt bằng quy hoạch thuộc 13 xã, với tổng số lô đất đưa ra đấu giá là 499 lô nhưng đến nay, mới có 151 lô (2,32ha) trúng đấu giá, đạt 30%, với số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 113,7 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Hầu hết các dự án sử dụng vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất là dự án trọng điểm của tỉnh hoặc đối ứng cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài, nên quy mô đầu tư, phạm vi GPMB rất lớn, cần nhiều thời gian để thực hiện; đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và nhà tài trợ nước ngoài, dễ phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, biến động của thị trường bất động sản trong những năm qua ảnh hưởng đến nguồn thu tiền sử dụng đất của các địa phương. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 với nhiều quy định, nội dung mới so với trước đây, chưa có các thông tư hướng dẫn, các quy định cụ thể của tỉnh để triển khai thực hiện cũng là một lý do khiến các địa phương, chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình thực hiện, dẫn tới chưa triển khai được các dự án để đưa vào đấu giá kịp thời”.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hướng dẫn, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô, khu đất đủ điều kiện; đôn đốc người trúng đấu giá nộp tiền sử dụng đất, bảo đảm thu ngân sách theo kế hoạch và kịp thời bố trí vốn GPMB, thúc đẩy tiến độ dự án. Thực tế thời gian qua, ngay trong thời điểm các địa phương khác gặp vướng mắc hoặc “chật vật” khi thực hiện đấu giá thì vẫn có những địa phương kịp thời và khai thác hiệu quả nguồn thu này.
Điển hình như tại huyện Yên Định, năm 2024, huyện tổ chức đấu giá 10 mặt bằng, đấu giá thành công 427/603 lô đất, với số tiền thu gần 542 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, cân đối ngân sách địa phương không chỉ đối ứng đủ cho các dự án trọng điểm do tỉnh quản lý đang triển khai mà địa phương còn tổ chức thi công nhiều dự án trong kế hoạch đầu tư công của huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện Yên Định đã khởi công mới được 34 dự án, với tổng mức đầu tư 422,3 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án trong lĩnh vực giao thông; 5 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; 8 dự án lĩnh vực giáo dục; 9 dự án lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật...
Tại huyện Thiệu Hóa, năm 2024, thu tiền sử dụng đất đối với 19 dự án đấu giá đạt hơn 720 tỷ đồng, trong đó điều tiết ngân sách huyện là 220 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã thực hiện đối ứng hơn 399 tỷ đồng/534 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch giai đoạn 2020-2025. Riêng trong năm 2024, nguồn vốn này đạt hơn 163 tỷ đồng.
Đồng chí Trịnh Đình Tùng, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tập trung cao độ cho công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch chi tiết 1/500 mặt bằng dân cư mới nói riêng. Đến nay, địa phương đã thực hiện hơn 100 đồ án quy hoạch bao gồm: quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết 1/500 các khu dân cư, khu thương mại, quy hoạch 1/500 cụm công nghiệp... Việc “phủ kín” và công khai các quy hoạch đã giúp địa phương tăng khả năng cạnh tranh với các địa phương khác khi mời gọi các nhà đầu tư; đồng thời thúc đẩy việc khai thác quỹ đất, đặc biệt là đất ở để hình thành các khu dân cư mới, khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ. Cùng với đó, địa phương cũng triển khai hiệu quả công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới để đưa vào đấu giá cấp quyền sử dụng đất, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng cao như thị trấn Thiệu Hóa. Công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, thi công hạ tầng khu dân cư cũng được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, sớm đưa các dự án vào đấu giá đất để tạo nguồn thu; từ đó có nguồn lực bố trí cho chi đầu tư, nhất là đối ứng các dự án trọng điểm trên địa bàn”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công cân đối ngân sách địa phương năm nay là 9.539,746 tỷ đồng, có gần 7.924,981 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Đến ngày 16/10, toàn tỉnh giải ngân được gần 5.715,7 tỷ đồng nguồn vốn này, tuy cao hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh nhưng mới đạt 72,1% kế hoạch. |
Tại hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức ngày 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tham mưu báo cáo UBND tỉnh về chỉ đạo công tác thanh tra trên lĩnh vực xây dựng; trong đó tập trung vào các nội dung như chất lượng hồ sơ mời thầu, chất lượng công trình, mà đặc biệt là hoạt động tư vấn còn yếu kém. Thực tế thời gian qua, tiến độ một số dự án trọng điểm của tỉnh gặp khó khăn, có lúc “bế tắc” có một phần nguyên nhân lớn từ công tác lập dự án đầu tư của đơn vị tư vấn chưa sát thực tiễn. Nhiều dự án khi đi vào triển khai đã bị “đội vốn” GPMB, gây bị động và “nặng gánh” cho nhiều địa phương khi phải “cáng đáng” một nguồn vốn đối ứng lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp thật tích cực để hoàn thành bổ sung giá đất đối với các đường, phố chưa có tên trong bảng giá đất theo Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 10/4/2024 của UBND tỉnh; điều chỉnh bảng giá đất theo chủ trương đã được UBND tỉnh đồng ý, làm cơ sở pháp lý cho các địa phương giải quyết căn bản một số khó khăn trong việc giao đất tái định cư, thu tiền sử dụng đất; thúc đẩy GPMB các dự án sử dụng đất để tổ chức đấu giá, đấu thầu, tạo nguồn thu thuế sử dụng đất phục vụ chi đầu tư phát triển.
Nhóm PV
Bài cuối: Tăng tốc về đích
{name} - {time}
-
2025-01-21 13:33:00
Phường Xuân Lâm phát triển thương mại, dịch vụ
-
2025-01-21 10:32:00
Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu
-
2024-11-06 12:15:00
Ra mắt và trao vật tư cho Hợp tác xã trồng rau sạch Nhuận Thạch
Bản tin Tài chính 6/11: Giá vàng thế giới nhích nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà giảm
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 2) - Rốt ráo gỡ vướng
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa với công tác an sinh xã hội
Gấp rút tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa
Nâng cao chuỗi giá trị nông sản trong các HTX
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là Thương hiệu quốc gia
Bản tin Tài chính ngày 5/11: Diễn biến ngược của giá vàng trong nước trước bầu cử Mỹ
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam