Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 2) - Rốt ráo gỡ vướng
Hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công có tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh và việc huy động các nguồn lực xã hội khác để đầu tư cơ sở hạ tầng... Chính vì lẽ đó, rốt ráo gỡ vướng các bất cập phát sinh trong giải ngân nguồn vốn hết sức quan trọng này, là tiền đề để Thanh Hóa vươn lên top các tỉnh/thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Thi công dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ cầu Yên Hoành đến đường tránh phía Nam thị trấn Quán Lào. Ảnh: P.V
Vươn lên top đầu
Trong bối cảnh tình hình giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt thấp và áp lực giải ngân ngày càng lớn vào những tháng cuối năm (7 tháng năm 2024 chỉ đạt 34,68%; 8 tháng đạt 40,49%; 9 tháng đạt 47,29%) thì Thanh Hóa luôn đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) là 14.122,377 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính (tại Công văn số 7919/BTC-ĐT ngày 29/7/2024) ước đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch (KH) vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm vốn kéo dài các năm trước sang năm 2024) của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 63,31% tổng KH vốn năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ giao và 58,45% KH vốn do tỉnh giao. Với tỷ lệ này, Thanh Hóa đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố (sau tỉnh Nam Định).
Trên “đà” đó, trong các tháng tiếp theo, Thanh Hóa vẫn nằm trong top các tỉnh/thành có tỷ lệ giải ngân cao và cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Theo đó, ước giá trị giải ngân 9 tháng KH vốn năm 2024 của tỉnh (không bao gồm KH vốn năm 2022, 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) là 8.142,891 tỷ đồng, đạt 72,8% KH do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 66,64% KH tỉnh Thanh Hóa giao. Con số này cao gấp khoảng 1,5 lần so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (ước tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước đến hết 30/9/2024 đạt 42,96% so với tổng KH); đứng thứ 4 về tỷ lệ giải ngân (sau tỉnh Long An 71,5%, Hòa Bình 68,4%, Tiền Giang 67,9%); đứng thứ 5 về giá trị giải ngân tuyệt đối (sau TP Hà Nội 31.504,764 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 16.871,808 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 11.082,107 tỷ đồng, Hải Phòng 9.400 tỷ đồng) trong 63 tỉnh, thành phố.
Còn theo con số thống kê gần đây nhất, tính đến ngày 28/10/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 toàn tỉnh là 9.301,7 tỷ đồng, đạt 65,9% KH và cao hơn 10,8% so với cùng kỳ (55,1%). Nếu chỉ tính KH năm 2024, tỷ lệ giải ngân của cả tỉnh bằng 67,9% KH, cao hơn 15,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước (52,29%). Đặc biệt, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đạt 70,57% KH do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 64,59% KH do tỉnh Thanh Hóa giao, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh. Trong đó, nếu so với mốc thời gian đến ngày 30/9/2024 theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 26/1/2024 (trên 70% KH) và các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, có 19/56 chủ đầu tư, địa phương giải ngân bảo đảm yêu cầu.
Xác định, năm 2024 là năm thứ tư triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng là năm tăng tốc, bứt phá nhằm cán đích thành công các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội các cấp. Chính vì lẽ đó, Thanh Hóa xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, xuyên suốt để quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc, đổi mới phương thức, cách thức quản lý chương trình, dự án đầu tư công để tổ chức thực hiện có hiệu quả KH đầu tư công năm 2024. Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương hoàn thành phân bổ, giao KH chi tiết năm 2024 đến từng dự án đối với các nguồn vốn, chương trình, nhiệm vụ chưa được phân bổ, giao chi tiết. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân KH vốn đầu tư công.
Do đó có thể nói, con số 65,9% đã phản ánh sự quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và sự nỗ lực rất cao của các ngành, địa phương, đơn vị.
Gỡ các “điểm nghẽn”
Thực tế tìm hiểu tại một số địa phương, đơn vị cho thấy, có không ít vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đó có thể là vướng mắc về thể chế, hay cơ chế chính sách, các quy định liên quan chưa kịp thời, còn chồng chéo; hay “điểm nghẽn” về mặt bằng, vật liệu để triển khai các dự án... Các “điểm nghẽn” này nếu không kịp thời được tháo gỡ thì nguồn vốn sẽ khó có thể được khơi thông. Trước bối cảnh đó, để đạt được con số 65,9%, một bài học được rút ra là phải quyết tâm và rốt ráo để gỡ cho được các “điểm nghẽn”, các vướng mắc phát sinh này.
Dự án Đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa đã giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch năm 2024 và đang xin bổ sung kế hoạch vốn, với mục tiêu về đích trước thời hạn 6 tháng.
Theo đó, bên cạnh các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; UBND tỉnh đã thành lập 5 Tổ công tác chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các Tổ công tác của tỉnh đã tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường nhằm đôn đốc các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác GPMB, vật liệu xây dựng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Đồng thời, bảo đảm tính sẵn sàng của dự án để triển khai thực hiện ngay sau khi được giao vốn, khắc phục tình trạng “vốn chờ thủ tục”. Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân. Tuyệt đối không đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh KH vốn sau ngày 15/11/2024. Các chủ đầu tư có dự án bị điều chỉnh vốn do nguyên nhân chủ quan, dẫn đến thi công dở dang, phải tự chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án. Trong đó, đã tập trung rà soát các vướng mắc, bất cập trong các luật hiện hành và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ quy định pháp luật hiện hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công. Rà soát, tổng hợp đề xuất, kiến nghị giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc về thể chế thuộc thẩm quyền Trung ương. Rà soát, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh Luật Đầu tư công 2019...
Một “điểm nghẽn” lớn đã và đang kéo lùi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương là GPMB. Theo đó, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xác định nguồn gốc đất do thiếu hồ sơ minh chứng, dữ liệu. Việc đầu tư xây dựng một số khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của dự án. Công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan, thời gian giải quyết hồ sơ trong công tác bồi thường GPMB có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một số trường hợp người dân cố tình chây ỳ, không hợp tác với Hội đồng GPMB... Để “giải” nan đề này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 5/1/2024 về GPMB làm căn cứ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương trong GPMB thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Đồng thời, ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án với các chủ đầu tư, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả, lũy kế đến ngày 15/10/2024, toàn tỉnh đã chi trả bồi thường GPMB được 2.161,17/2.268,436ha, đạt 95,27% so với Kế hoạch số 06/KH-UBND và tăng 1,23 lần so với cùng kỳ năm 2023 (77,16%); nhiều địa phương có tỷ lệ GPMB rất cao, như: Thọ Xuân (192,05%), Nga Sơn (119,13%), Hà Trung (118,96%), Yên Định (118,8%)... Ngoài ra, việc GPMB cũng được tỉnh triển khai theo hướng chủ động, linh hoạt; làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó. Đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình theo tuyến, tránh trình GPMB theo phương thức “xôi đỗ”, có mặt bằng nhưng không thi công được...
Đặc biệt, để tháo gỡ kịp thời các “điểm nghẽn” phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến giữa UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố về đầu tư công; cũng như tổ chức các hội nghị làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư/nhà đầu tư. Điển hình trong đó phải kể đến Hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, công tác GPMB một số dự án trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Hội nghị giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trong lĩnh vực giao thông. Hội nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (dự án BOT); Tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình...
Tại Hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (diễn ra ngày 30/10), Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã khẳng định: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh 10 tháng qua là rất phấn khởi. Đó là thành quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, đó là việc tháo cho được “điểm nghẽn của điểm nghẽn” như công tác chuẩn bị đầu tư, vật liệu xây dựng, GPMB... Ngoài ra, đó là sự đổi mới trong công tác chỉ đạo triển khai các dự án.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa thuộc top đầu cả nước là rất đáng phấn khởi. Song, để cán đích các mục tiêu của cả năm 2024 trong bối cảnh thời gian còn lại của năm là rất eo hẹp, càng đòi hỏi tỉnh Thanh Hóa phải có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và khả thi hơn nữa cho chặng “nước rút”.
Nhóm PV
Bài 3: Giải “bài toán” vốn đối ứng
- 2024-11-05 15:44:00
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa với công tác an sinh xã hội
- 2024-11-05 11:49:00
Gấp rút tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa
- 2024-11-05 11:48:00
Nâng cao chuỗi giá trị nông sản trong các HTX
Dấu ấn khác biệt của Vinamilk với hành trình 16 năm liền là Thương hiệu quốc gia
Bản tin Tài chính ngày 5/11: Diễn biến ngược của giá vàng trong nước trước bầu cử Mỹ
VinFast và Công đoàn Tài xế Durango ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi xanh giao thông công cộng tại Mexico
Nhà đầu tư háo hức tìm cơ hội sở hữu nhà phố đẳng cấp của Sun Group tại Hà Nam
Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV khai trương hoạt động chi nhánh BIC Thanh Hóa
Ký kết thoả thuận cung cấp, tiêu thụ hàng hoá tại Hội chợ xúc tiến thương mại tỉnh Cao Bằng
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công