Thấp thỏm cây trồng chủ lực
Bên cạnh cây luồng, thì nứa, vầu là những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Quan Sơn. Tuy nhiên, từ sau khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nay thị trường bị thu hẹp, chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc thu mua nguyên liệu nứa, vầu của các cơ sở chế biến lâm sản giảm mạnh, phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trên địa bàn.
Giá cây nứa, vầu bấp bênh khiến người dân trên địa bàn huyện Quan Sơn lo lắng.
Đi dọc Quốc lộ 217 qua các xã Sơn Điện, Mường Mìn, Na Mèo... không khó để bắt gặp cảnh bà con chẻ nan để nhập cho các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn. Anh Hà Văn Thủy ở bản Ngàm, xã Sơn Điện, cho biết: “Năm nay mưa nhiều nên sản lượng khai thác nứa, vầu của bà con giảm đi đáng kể so với năm 2023. Bên cạnh đó, giá nứa, vầu không chỉ thấp, mà còn thường xuyên biến động khiến tâm lý người dân bị ảnh hưởng”.
Hiện tại, giá thu mua nan thanh nứa, vầu trên địa bàn huyện Quan Sơn dao động từ 140.000 đến 180.000 đồng/tạ và thấp hơn nhiều so với năm ngoài. Còn nhớ thời điểm trước khi ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá thu mua nan thanh nứa, vầu có thời điểm lên đến 250.000 đồng/tạ. Khi giá “đạt đỉnh”, cây nứa, vầu khai thác đến đâu thì thương lái, chủ cơ sở chế biến lâm sản đến đặt hàng thu mua đến đó.
Không giấu được sự lo lắng, anh Hà Văn Bưởi ở bản Ngàm, xã Sơn Điện, cho biết: “Giá thu mua nan thanh xuống thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều hộ gia đình trong xã Sơn Điện nói riêng và huyện Quan Sơn nói chung. Nhất là, chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều khiến người dân không còn mặn mà với cây nứa, vầu, dẫn đến nhiều diện tích có nguy cơ thoái hóa”.
Anh Lê Đức Thiện, chủ cơ sở sản xuất tăm hương Thiện Hảo (xã Sơn Điện), cho biết: Hiện tại, các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ nứa, vầu trên địa bàn chủ yếu liên kết thu mua nguyên liệu từ người dân để sơ chế, sau đó xuất bán cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục chế biến tinh rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, giá nứa, vầu có phần tăng hơn so với hồi đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với thời kỳ trước dịch COVID-19. Nguyên nhân dẫn tới giá các loại sản phẩm từ nứa, vầu bấp bênh là do thị trường bị thu hẹp cũng như bất ổn về chính trị ở châu Âu...
Chủ tịch UBND xã Sơn Điện Phạm Nhật Quang cho biết, nhiều cơ sở chế biến nứa, vầu trên địa bàn buộc phải giảm quy mô hoạt động, chỉ sản xuất cầm chừng với hy vọng giá cả sẽ phục hồi, trong khi các xưởng nhỏ, xưởng mang tính chất hộ gia đình thì dừng hoạt động hoặc chuyển sang các nghề khác đảm bảo thu nhập.
Theo thống kê, huyện Quan Sơn có khoảng 54.000ha rừng trồng nứa, vầu, luồng và tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có khoảng 60 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây luồng, cây nứa, vầu. Hằng năm, người dân trong huyện khai thác tiêu thụ từ 5.000 đến 7.000 tấn nứa, vầu dạng nan thanh bán cho các cơ sở sản xuất tăm, đũa, chân hương...
Trước những biến động về giá cả khiến cho người trồng nứa, vầu gặp nhiều khó khăn, người dân mong muốn có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân để cây trồng chủ lực được phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ huyện trong thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây luồng, nứa, vầu.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-01-21 13:33:00
Phường Xuân Lâm phát triển thương mại, dịch vụ
-
2025-01-21 10:32:00
Phát triển vùng chè nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu
-
2024-11-07 09:35:00
Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, vì sao giá Bitcoin tăng vọt?
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá những tháng cuối năm 2024
Thứ trưởng Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp - thương mại
Con đường nào dẫn đến thành công cho tư vấn viên bảo hiểm?
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 3) - Giải “bài toán” vốn đối ứng
Ra mắt và trao vật tư cho Hợp tác xã trồng rau sạch Nhuận Thạch
Bản tin Tài chính 6/11: Giá vàng thế giới nhích nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà giảm
Giải ngân vốn đầu tư công: Quyết tâm giữ vị thế top đầu (Bài 2) - Rốt ráo gỡ vướng
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa với công tác an sinh xã hội
Gấp rút tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa