Tháo điểm nghẽn để thu hút đầu tư
Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đã chỉ ra một số tồn tại, yếu kém trong năm 2023 cần phải khẩn trương khắc phục, trong đó có một vấn đề rất đáng quan tâm đó là công tác vận động, thu hút đầu tư.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đổi mới, hiệu quả thấp. Nhất là, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, các dự án công nghệ cao, hiện đại. Và đây là vấn đề tồn tại đã lâu, rất đáng lo lắng, không chỉ liên quan đến một ngành, mà là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cán bộ.
Còn nhớ, đề cập đến những “rào cản” làm hạn chế quá trình thu hút đầu tư mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, tham gia thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa đã chỉ ra rằng có những dự án đã thi công thậm chí đến 5 năm nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Đây là một “rào cản” rất lớn không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, không chỉ là trách nhiệm, tâm thế tham gia của ngành chức năng, còn là thái độ nhập cuộc của chính quyền sở tại. Chung quan điểm, Bí thư Huyện ủy Nông Cống thời điểm đó là ông Nguyễn Quốc Tiến cũng đã phát biểu cho biết có doanh nghiệp của Trung Quốc dự kiến đầu tư dự án đèn led trên địa bàn huyện, nhưng 6 lần sang vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ khiến doanh nghiệp định chuyển hướng đầu tư sang địa phương khác.
Nêu ra những “nút thắt” của tình trạng này, các đại biểu cho biết còn thiếu sự thống nhất trên dưới. Có những vấn đề tỉnh rất quyết liệt, nhưng cơ quan tham mưu “chưa thông”, vai trò thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhiều sở, ngành chưa được làm rõ và còn có tình trạng “sân ông sân tôi”.
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại trên, về chủ quan, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho rằng, công tác phân tích, dự báo, nắm bắt tình hình ở một số lĩnh vực chưa sát thực tế; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cấp ủy, chính quyền, ban, sở, ngành còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở địa phương, đơn vị. Công tác phối hợp giải quyết công việc giữa một số ngành, đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, trách nhiệm chưa cao.
Đáng lo ngại là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, địa phương năng lực hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, làm trì trệ, ách tắc công việc. Tình trạng này trong năm 2023 cũng đã được một số đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ rõ tại một số hội nghị do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cho đến nay việc khắc phục kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị vẫn rất chậm.
Chủ đề năm 2024 được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là: Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển. Theo đó, nhiều khâu đột phá, yêu cầu hành động khẩn trương đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, trong đó có yêu cầu tiếp tục hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển toàn diện, trọng tâm là thủ tục đầu tư kinh doanh, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng... Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trọng tâm, trọng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá và xúc tiến đầu tư; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nhất là về mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, quy hoạch... để thu hút đầu tư vào tỉnh; chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư, chú trọng thu hút các dự án lớn, hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa mạnh để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Cùng với đó tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn, đất đai, công nghệ...
Năm 2024 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2020-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Một trong những mục tiêu của năm 2024 là thành lập mới 3.000 doanh nghiệp; khởi công thêm nhiều dự án quan trọng, nhất là tăng cường dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu tăng thu ngân sách... Để thực hiện hiệu quả yêu cầu đó, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng, mỗi cán bộ liên quan phải quyết tâm, quyết liệt hơn, chấp nhận mọi trở lực để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “điểm tắc”, mới có thể “về đích”, trong đó có việc “về đích” thu hút đầu tư. Không nên để câu chuyện vướng mắc trong thu hút đầu tư phải đề cập từ năm này sang năm khác làm cản trở đến sự phát triển của tỉnh.
Thái Minh
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:28:00
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2023-12-08 08:36:00
Quan hệ Việt Nam - Italia: “Trân trọng - Hiểu biết - Hợp tác”
Hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh: Nâng tầm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp
Giá xăng RON95-III giảm gần 700 đồng mỗi lít
Ra mắt mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” tại TP Thanh Hóa
Hướng tới chuỗi sự kiện “Ngày Italia tại tỉnh Thanh Hoá”
Mùa thu hoạch sắn ở Mường Lát
Vinhomes công bố chiến lược nâng tầm chuẩn sống cho cư dân
Sản phẩm OCOP “chạy đua” dịp cuối năm
Chuyển đổi tư duy
Nông sản “cất cánh” nhờ xúc tiến thương mại