Thanh Hóa quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
Với lợi thế là tỉnh có dân số đông, nguồn nhân lực dồi dào với gần 2,1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 56,1% tổng dân số của tỉnh, trong những năm qua, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong học tập. Ảnh: Minh Hiếu
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh đã cử 1.472 lượt cán bộ các cấp tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn; cử 3.605 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo về lý luận chính trị; tổ chức 1.009 lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 98.269 lượt cán bộ. Đặc biệt, để chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh, đại hội đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 cho 78 đồng chí; các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 27 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 cho gần 2.700 đồng chí. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh được bảo đảm đủ về số lượng; có tư duy, tầm nhìn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành khoa học, linh hoạt; có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, khả năng nắm bắt và xử lý tình huống; tỷ lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 95%.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn để lãnh đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ tại địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cơ bản có trình độ đại học trở lên; việc chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý công việc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của từng chuyên ngành, từ đó xác định rõ những ngành, nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; đồng thời, xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Trường Đại học Hồng Đức phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn có uy tín trong cả nước vào năm 2025. Cùng với đó, chỉ đạo cho các trường đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo, như: Trường Đại học Hồng Đức liên kết với Trường Đại học Soongsil, Hàn Quốc đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh; liên kết với Trường Đại học PolyTech Tours, Cộng hòa Pháp đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thông tin... Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch hợp tác với các trường đại học của Ba Lan, Philippines, Thái Lan... trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giảng viên, sinh viên. Hiện nay, trung bình mỗi năm, các trường đại học trên địa bàn tỉnh cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực khoảng trên 3.600 người. Các sinh viên tốt nghiệp đều cơ bản đáp ứng các điều kiện đào tạo theo chuẩn đầu ra do các trường quy định; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 60%.
Cùng với phát triển giáo dục đại học, công tác đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh được quan tâm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 146-KH/TU, ngày 5/7/2024 về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện và 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn 2020-2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho khoảng 452.000 lao động...
Cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, góp phần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho trên 283.000 lao động, trong đó có 46.517 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp được quan tâm; chế độ đãi ngộ, mức tiền lương của người lao động được bảo đảm tương xứng với năng lực, trình độ và kết quả công việc, góp phần động viên người lao động cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo.
Để đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Minh Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2024-09-12 14:24:00
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3: Nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên
Xu thế tất yếu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Bộ GD&ĐT: Ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn do mưa lũ
Hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập, năm học 2024-2025
Hợp tác và liên kết đào tạo ở Trường Đại học Hồng Đức
Kết nối với các vườn ươm, làng đổi mới sáng tạo, startup, SME, hợp tác xã, làng nghề trên cả nước
Mường Lát công bố các quyết định về công tác cán bộ ngành giáo dục
Rút ngắn đường đến trường
Trường Cao đẳng Nghề số 4 Bộ Quốc phòng - Phân hiệu Đào tạo Thanh Hóa khai giảng năm học mới
Lễ khai giảng đầu tiên với chủ đề “Trải nghiệm thế giới thông minh” của FPT School Thanh Hoá