(Baothanhhoa.vn) - Nỗ lực vượt qua chính mình, những người phụ nữ dân tộc Thái, Mường của huyện Bá Thước đã thay đổi bản thân để chạm đến ước mơ làm giàu, đồng thời khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng.

Phụ nữ huyện Bá Thước thay đổi nhận thức để làm chủ cuộc sống

Nỗ lực vượt qua chính mình, những người phụ nữ dân tộc Thái, Mường của huyện Bá Thước đã thay đổi bản thân để chạm đến ước mơ làm giàu, đồng thời khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng.

Phụ nữ huyện Bá Thước thay đổi nhận thức để làm chủ cuộc sốngNhiều chị em xã Lũng Niêm làm nghề dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch.

Dám nghĩ, dám làm

Trở lại bản Đôn, xã Thành Lâm trong những ngày tháng 4, gặp lại chị Cao Thị Lý, dân tộc Mường - một trong những phụ nữ dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh du lịch của bản Đôn. Hơn 6 năm về trước, chúng tôi gặp chị khi chị mới bắt đầu bước chân vào làm du lịch, mọi công việc đều mới mẻ, từ việc giao tiếp với du khách nước ngoài, sắp xếp chỗ ở đến chạy chợ, chế biến món ăn... chị cùng chồng đều tự xoay xở. Chị cười rồi chỉ tay về phía ngôi nhà sàn - nơi khởi đầu làm du lịch của gia đình: “Nhờ có cái nhà sàn này mà chị “rũ bùn” đứng dậy đó em. Lúc đó du khách nước ngoài tìm đến nhà chị chỉ xin được vào tham quan ngôi nhà của đồng bào dân tộc Thái, sau đó họ thấy mình cởi mở, niềm nở, họ đặt vấn đề ở lại để trải nghiệm cuộc sống của bà con dân bản, nấu cho họ ăn. Thời điểm đó trong bản chưa có các homestay, bungalow như bây giờ nên chị đã mạnh dạn bàn với chồng “biến” ngôi nhà sàn của gia đình thành nơi kinh doanh du lịch. Rất may, trong các đoàn khách quốc tế đến đều có các hướng dẫn viên du lịch đi cùng. Họ đã hỗ trợ gia đình phiên dịch, dạy cách phục vụ khách. Bản thân chị và các thành viên trong gia đình cũng phải cố gắng học một số từ tiếng Anh giao tiếp thông dụng để trao đổi với khách. Qua bao năm phục vụ khách du lịch, nhiều khi không có vốn làm ăn cũng phải xoay sở hết chỗ này, chỗ kia. Rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tưởng như không thể tồn tại, nhưng rồi cũng phải cố gắng vượt qua, tìm lối đi riêng để bản thân và gia đình đỡ vất vả. Giờ gia đình chị đã xây dựng được 2 khu nghỉ dưỡng, mỗi khu có 1 nhà sàn, 8 phòng nghỉ, 1 bể bơi, nhà nội bộ cho các đối tác thuê lại, mỗi tháng có thu nhập gần 60 triệu đồng”.

Cùng chung mong muốn thay đổi cuộc sống như chị Lý, năm 2017, sau khi huyện Bá Thước có chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng, gia chị Hà Thị Nghiềm, ở bản Đôn đầu tư xây dựng một ngôi nhà sàn để đón khách du lịch nghỉ tại nhà. Sau 1 năm làm du lịch và có thu nhập ổn định, gia đình chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 3 nhà sàn, 13 bungalow khép kín và một số công trình phụ trợ, với tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng gia đình chị Nghiềm đón khoảng 300 lượt khách, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Chị Hà Thị Nghiềm cho biết: Để níu chân du khách lưu trú tại khu nghỉ dưỡng của gia đình, chị đã phối hợp với đội văn nghệ tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, như: uống rượu cần, nhảy sạp, múa những tiết mục thể hiện nét văn hóa của đồng bào Thái; nấu các món ăn truyền thống của người dân bản địa để du khách thưởng thức... Quan trọng hơn hết đó là kinh doanh du lịch một cách có văn hóa, giá cả niêm yết rõ ràng.

Không có điều kiện đầu tư kinh doanh du lịch như chị Lý, chị Nghiềm nhưng để có thêm thu nhập chi tiêu trong gia đình, một số chị em ở xã Cổ Lũng đã “tậu” cho mình mỗi người một chiếc xe máy, ra ngã ba bản Hiêu chạy xe ôm cho du khách. Theo chị Lò Thị Tuyển, thu nhập bình quân từ công việc này khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Chủ yếu chị đón khách từ ngã ba vào thác Hiêu, bản Hiêu với mức 40.000 đồng/người/lần. Ngoài ra, chị chở khách theo yêu cầu đi quanh bản Hiêu. Vào thời gian cao điểm mùa du lịch có thể kiếm thêm 300.000 - 400.000 đồng/ngày. “Nghề chính của các chị là làm nông nghiệp, chạy xe ôm chỉ tranh thủ vào mùa du lịch kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống thôi. Thời buổi này, không quan niệm nam nữ nên làm nghề gì mà miễn làm sao nghề đó có thu nhập chính đáng là được em ạ” - chị Tuyển bộc bạch.

Tạo đòn bẩy để chị em vươn lên

“Chị Lý, chị Nghiềm, chị Tuyển chỉ là 3 trong rất nhiều chị em người dân tộc Thái, Mường đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vượt lên khó khăn, nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh thoát nghèo và làm giàu một cách chính đáng. Các chị cũng đã trở thành hình mẫu để chị em khác trong huyện học hỏi, làm theo” - chị Lê Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước nói với chúng tôi khi đề cập đến vấn đề phụ nữ người dân tộc dám nghĩ, dám làm để làm chủ cuộc sống.

Theo chị Lê Thị Hải Lý, Hội LHPN huyện Bá Thước hiện có 205 chi hội, với hơn 20 nghìn hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển và hội nhập, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam” các cấp hội trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nhiều chị em đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, mở rộng diện tích trồng các loại cây có thu nhập cao, như: luồng, ngô lai, lúa lai, mía nguyên liệu, cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, vịt Cổ Lũng, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm, đan lát... mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Có nhiều chị em đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh với cơ chế thị trường, phát triển các ngành nghề dịch vụ, như: kinh doanh vật liệu xây dựng, buôn bán hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng, mở các nhà hàng, homestay phục vụ khách du lịch, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có mức thu nhập từ 4 đến 10 triệu đồng/tháng.

Để hỗ trợ, tạo đòn bẩy cho chị em phát triển kinh tế, các cấp hội đã tích cực triển khai, phát huy hiệu quả các mô hình, như: CLB “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”; mô hình, tổ, nhóm “Phụ nữ làm du lịch”; nhóm “Phụ nữ trồng rau sạch”; tổ hợp tác “Chăn nuôi bò sinh sản”, xây dựng “Mái ấm tình thương”, tặng “Con giống niềm tin”... Xây dựng các mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, như: nuôi gà, trâu, bò ở các xã Thiết Ống, Điền Trung, Lương Ngoại; nuôi Vịt Cổ Lũng ở các xã Cổ Lũng, Thành Lâm; trồng mướp đắng ở xã Lũng Cao; trồng rau an toàn ở xã Điền Lư; trồng cam ở xã Lương Nội... Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã khai thác và quản lý có hiệu quả gần 150 tỷ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn 70 tỷ đồng nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên 4 tỷ đồng huy động từ vốn tiết kiệm tại chi/tổ hội, tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm làm theo lời Bác, tiết kiệm góp vốn xoay vòng. Đến nay, có trên 85% hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm và đã hỗ trợ cho 7.166 lượt hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.

5 năm qua, huyện hội cũng như các cơ sở hội đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể mở được 422 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 21.091 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Riêng huyện hội phối hợp với phòng lao động, thương binh và xã hội tổ chức 11 lớp dạy nghề cắt tóc, dệt thổ cẩm, thêu ren... cho 465 hội viên phụ nữ. Tổ chức tư vấn cho 250 phụ nữ đi xuất khẩu lao động, trong đó có 86 chị đang lao động tại nước ngoài với mức thu nhập ổn định.

Từ những hoạt động thiết thực trên, các cấp hội đã góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo. Trong 5 năm gần đây, đã có 415 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm 5% trở lên.

“Có thể nói, ngoài sự hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ thành lập các mô hình phát triển kinh tế... để giúp chị em tự tin đầu tư phát triển kinh tế, thì bản thân mỗi chị em, đặc biệt là chị em người dân tộc Thái, Mường trên địa bàn huyện Bá Thước đã tự thay đổi nhận thức, tiếp cận với cơ chế thị trường, phát triển kinh tế gia đình, làm chủ cuộc sống. Đây là bước tiến đột phá, mạnh dạn làm chủ cuộc sống để các chị phát huy được vai trò và khẳng định vị thế trong cộng đồng, xã hội hiện nay” - chị Lê Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước đánh giá.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]