(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông sau khi đã giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm dọc các tuyến giao thông vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những “chợ cóc” ven đường

Hiện nay, tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông sau khi đã giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm dọc các tuyến giao thông vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguy cơ mất an toàn giao thông từ những “chợ cóc” ven đườngHoạt động mua bán hàng hóa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên Quốc lộ 47 đoạn qua xã Đông Ninh (Đông Sơn). (ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 9/9/2024)

Hàng ngày vào giờ tan ca, trên tuyến Quốc lộ 47 dọc hai bên cổng Công ty TNHH Kinkyung Vina, xã Đông Ninh (Đông Sơn), người dân bày bán hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lòng lề đường. Vào thời gian cao điểm, khi công nhân tan tầm, đoạn đường này luôn trong tình trạng ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đáng nói, trên tuyến đường này, lưu lượng phương tiện lưu thông rất đông và có nhiều xe tải trọng lớn đi qua. Theo một số công nhân, thay vì chạy vòng qua chợ truyền thống, mua đồ ở các chợ cóc thuận đường, giá cả bình dân và rút ngắn thời gian về nấu cơm cho gia đình. Mặc dù, chính quyền xã Đông Ninh thường xuyên cử lực lượng chức năng ra nhắc nhở, dẹp bỏ những trường hợp lấn chiếm lòng đường, thế nhưng, ngay sau đó tình trạng này lại tái diễn. Khi lực lượng chức năng có mặt, những người buôn bán thu dọn vào trong, nhưng khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi lại bày hàng hóa ra ngoài. Nhiều người dân cũng có thói quen tiện đâu mua đấy khiến tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Dọc tuyến Quốc lộ 47 đi qua TP Sầm Sơn và các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Từ đó cũng hình thành nhiều điểm chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 1.300km; 67 tuyến đường tỉnh và hàng chục nghìn km đường huyện, đường đô thị, đường xã. Thời gian qua, ngành giao thông - vận tải và các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp dẹp bỏ hoạt động kinh doanh, buôn bán không đúng nơi quy định lấn chiếm hành lang an toàn các tuyến giao thông. Tuy nhiên, tình trạng chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông còn diễn ra ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm, làm mất mỹ quan, gây bức xúc cho người dân.

Để chấn chỉnh và nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giải tỏa, xóa bỏ, xử lý các chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, Ban An toàn Giao thông tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tiếp tục ra quân, cương quyết xóa bỏ dứt điểm tình trạng này. Các đơn vị liên quan cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, tạo chuyển biến trong ý thức mua bán hàng hóa của người tiêu dùng, hình thành thói quen mua sắm đúng nơi quy định, khuyến khích các hộ kinh doanh vào chợ dân sinh đã xây dựng. Người dân không nên mua bán hàng hóa tại các tụ điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; xây dựng văn hóa, văn minh thương mại tại địa phương...

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]