Ngược ngàn Hồi Xuân
Tôi nghe gió xuân man mác thổi từ những dòng sông bền bỉ bào mòn qua núi đồi, ghềnh thác rồi quy tụ ở nơi này trước lúc xuôi về biển cả. Một không gian mênh mang của núi non bời bời tươi tốt, ruộng đồng phì nhiêu trù mật, của thắng tích u tịch ngàn năm và cả những xôn xao của phố xá tấp nập rộn ràng. Đó là thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) - nơi quần sơn tụ thủy.
Một góc thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa). Ảnh: Đỗ Lưu
1. Trong ngôi nhà sàn khiêm tốn, thu mình ở khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân, Nghệ nhân dân gian Cao Bằng Nghĩa khư khư với những cổ vật mà mình điền dã ngược xuôi kiếm tìm mấy chục năm trời. Xuân thu nhị kỳ, ngoài những lúc việc làng việc bản, hiếu hỉ ma chay, sang Quan Sơn, ngược Mường Lát truyền dạy cách thổi khèn bè, sáo ôi, chữ viết dân tộc Thái,... về đến nhà ông lại lôi chúng ra để kỳ cọ, ngắm nghía. Với người đàn ông cận bát tuần này, đó như lẽ sống, niềm vui khó bề diễn tả. Ngồi trước tôi, ông vẫn thế, hồ hởi, ấm nóng như cách nói chuyện của người làm công tác tuyên giáo, chỉ khác ở những mặn mà, đằm thắm hơn của đúc rút, suy tư. Chuyện về vùng đất Hồi Xuân khiến ông say sưa, mải miết, cứ như kể bằng cả niềm đam mê, tỏ tường.
Ông Nghĩa dẫn từ Địa chí huyện Quan Hóa, cho đến trước tháng 4/1966, khi chưa chia tách xã, địa giới hành chính của Hồi Xuân trải dài ở 4 xã, thị trấn ngày nay, gồm thị trấn Hồi Xuân, các xã: Phú Xuân, Nam Xuân (Quan Hóa) và Trung Xuân (Quan Sơn). Đến năm 1987, thị trấn Quan Hóa được thành lập, từ một phần diện tích, dân số của xã Hồi Xuân, làm trung tâm huyện lỵ Quan Hóa. Sau chia tách Quan Hóa làm 3 huyện vào tháng 11/1996 (Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát), đến tháng 12/2019, thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, thị trấn Quan Hóa và xã Hồi Xuân được tái hợp, mang tên gọi thị trấn Hồi Xuân.
Tôi hỏi về gốc gác của tên gọi mỹ miều Hồi Xuân, ông nghệ nhân già lắc đầu: Mỗi người một cách giải thích, người nói được đặt từ thời Pháp, người nói do vùng đất này có nhiều người con gái đẹp đẽ... Theo Địa chí huyện Quan Hóa thì từ thời phong kiến, châu Quan Hóa đã có xã Hồi Xuân thuộc tổng Phú Lệ. Cách lý giải được nhiều người chấp nhận hơn theo ông Nghĩa là trong một lần hội xuân dưới chân Múng Mường, bản mường dập dìu vui ca trong tiếng chiêng, nhịp trống, điệu khặp ngân nga. Khi mà những thanh âm được cất lên phả vào không gian mênh mông, vào đá núi, rồi vọng lại khiến nó càng rộn ràng, hân hoan. Thấy lạ, thấy hay, như núi rừng góp bản nhạc vui chung cùng bản mường, dân bản đã thống nhất lấy hiện tượng ấy để đặt tên gọi mới cho vùng đất. Hồi Xuân là âm vang trong hội xuân hồi lại, vọng về.
Thắng tích hang Phi gần ngã ba sông Luồng, sông Mã. Ảnh: Đỗ Đức
Tôi đứng trên cầu Na Sài nghe mênh mang gió thổi từ dòng sông Mã in bóng Múng Mường ngăn ngắt màu xanh. Chẳng dễ tìm được vùng đất nào lắm sông nhiều núi đến thế. Hồi Xuân là một thung lũng tràn ngập sắc xanh giữa bốn về núi rừng che chắn. Phía xa có dãy Pù Luông cuồn cuộn trải dài, trước mặt có ngọn Múng Mường sừng sững uy nghiêm. Ở giữa thung lũng ấy, con sông Luồng, sông Lò bền bỉ từ thượng nguồn xa xôi bào qua bao núi non, ghềnh thác trước khi về xuôi đã kịp gặp dòng sông Mã tại nơi này để bồi đắp thêm phù sa gò bãi.
Ông Nghĩa cười đùa: “Ở đây tôm cá dồi dào, chế biến món nào cũng ngon, cũng lạ. Lạ là bởi nó bơi lội, ăn thức ăn ở 3 con sông. Vị con cá ba sông nó cũng khác”.
2. Có lẽ bởi ở nơi quần sơn tụ thủy, cây cối tốt tươi, dồi dào tôm cá, mà vùng đất này đã sớm trở thành nơi cư ngụ của người xưa. Những câu chuyện về mường Ca Da mà nghệ nhân Cao Bằng Nghĩa kể lại như mờ mờ ảo ảo nhưng chất chứa nhiều thú vị.
Chuyện rằng: Thuở xưa, vùng đất này có tên gọi mường Húng, mường Hường (gọi theo tên của hai cô con gái người tạo mường), được vua thủy tề tặng hai con trâu, một con sừng đồng, một con sừng sắt. Hai con trâu kêu về hướng nào thì tất thảy trâu bò hướng đó chạy về. Chẳng mấy chốc mà ông tạo mường đã có con trâu chật rừng, con bò chật bãi, tiền tiêu không hết, áo quần vải vóc cho đi không xuể. Chán chường cuộc sống giàu sang, phú quý, ông tạo mường đã đi khắp mường trên mường dưới hỏi cách để nghèo đi.
Nghe theo lời mách bảo của người mường Chợ, ông tạo mường Húng, mường Hường đã về quăng chài lên bàn thờ rồi giả vờ mò như khi bắt cá. Tay ông bị dằm xóc, tấy đỏ sưng to vô cùng đau đớn, thuốc thang không khỏi. Ông đành phải nghe lời thầy bói, giết cả hai con trâu được vua thủy tề tặng để cúng ma nhà. Cũng từ hôm đó, trâu bò lúc trước kéo về bỗng chốc bỏ đi hết, vợ chồng ông mường Húng, mường Hường nghèo đi nhanh chóng, không có sắn để ăn, áo quần để mặc. Họ vạ vật, lang thang nơi xó rừng góc núi, ruộng nương vàng úa, bản làng xác xơ.
Nghệ nhân dân gian Cao Bằng Nghĩa bên những cổ vật được ông sưu tầm. Ảnh: Đỗ Đức
Thời gian sau, có một nhóm người gọi là quân ông Giới khổng lồ đến khai phá vùng đất hai ngã ba sông này. Được thiên nhiên ưu đãi, chẳng mấy chốc, ruộng nương tươi tốt, nhà cửa đông vui. Nhưng có mường mà không có tạo, thiếu người điều khiển việc chung, mọi sự trễ tràng, gián đoạn, trên dưới bất hòa, lục đục.
Một hôm, có xác người trôi trên sông Mã dạt về mường. Cùng lúc, có đàn quạ bay qua rồi sà xuống mổ vào thi thể. Lúc sau, người chết cựa quậy rồi tỉnh lại. Thấy chuyện lạ, dân mường hiếu kỳ đổ ra bờ sông Mã chứng kiến, thể hiện niềm tôn kính với người vừa sống lại, rồi rước về tôn làm tạo mường. Cũng từ đó, trên dưới hòa thuận khai khẩn ruộng nương, chung lưng chống lại thú hoang lũ lụt, cuộc sống ngày càng thêm no đủ, bản mường rộn ràng lời ca tiếng hát. Tên gọi mường Ca Da - mường quạ cứu bắt đầu từ ấy. Người Ca Da giỏi chài lưới trên sông, săn bắn trên rừng, nhưng luôn xem con quạ là ân nhân nên không bao giờ giết hại.
Đến thế kỷ XV, sau khi dẹp xong giặc Minh xâm lược, tướng quân Lò Khằm Ban đã được vua Lê đồng ý cho chọn vùng đất này để ở, vừa để trấn yên biên ải. Mường Ca Da từ đó mỗi ngày thêm đông đúc, rộn ràng. Mang ơn vị tướng, dân bản đã lập đền thờ quanh năm hương khói, rồi lấy tên ông làm tên bản, tên làng. Mà khu phố Khằm, khu phố Ban là một minh chứng.
Chuyện xưa huyễn hoặc đúng sai chưa rõ. Chỉ rằng, phải có một tình yêu đủ lớn người xưa mới phủ lên lớp hào quang huyền thoại, hình tượng hóa, kỳ vĩ hóa vùng đất và con người nơi đây. Còn với ông Cao Bằng Nghĩa, sự kỳ vĩ, giàu bản sắc ấy còn hội ngộ ở những lễ hội, nghi lễ, trong khung cửi thêu dệt, nhuộm chàm... Mà để giữ được những giá trị của tiền nhân, từ thời trai trẻ đến lúc tuổi già ông đã bao phen lận đận vượt đồi băng suối, điền dã sưu tầm.
3. Hơn 15 năm trước, tôi đã biết đến Cao Bằng Nghĩa tài hoa nhưng hoài cổ, khi ông còn làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa. Ở vùng đất này, ông là người am hiểu và có tâm với văn hóa truyền thống. Chẳng những thông thạo, am tường các hình thức diễn xướng dân gian bản địa, ông có thể chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như sáo ôi, sáo trúc, khèn bè, đến bài khặp, bài mo. Dăm ba năm trước, ông tham gia cùng những “đàn anh” gạo cội như: Hà Nam Ninh, Hà Văn Thương... thực hiện cụm công trình “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, xây dựng phông chữ và số hóa chữ Thái cổ Thanh Hóa; nghiên cứu biên soạn từ điển Thái - Việt Thanh Hóa”. Công trình sau đó đã được tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ Thanh Hóa năm 2020 và đang được áp dụng rộng rãi vào việc truyền dạy ở vùng đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh. Rồi nữa, ông tự tìm tòi, sưu tầm tư liệu cổ để tái hiện truyền thuyết, sự tích, bài mo ở vùng đất mường Ca Da xưa. Mà theo ông, đó là cả một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, chứa đựng giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, đời sống tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Thái xứ Thanh.
Nghi thức rước kiệu Thượng tướng thống lĩnh quân Lò Khằm Ban trong lễ hội mường Ca Da. Ảnh: Đỗ Đức
Như ông nói, chưa kể đến truyền thuyết, sự tích, các bài mo ở vùng đất mường Ca Da rất phong phú và đa dạng. Mỗi nghi lễ đều có mo riêng, như lễ làm vía có mo vía, đám tang có mo tang lễ, khi làm nhà có mo cất nóc, rồi mo thành hoàng, mo thổ địa... Mỗi bài mo thường có vần có nhịp, lúc khoan thai, lúc cao trào, trầm bổng, phù hợp với bối cảnh, không gian sự kiện, khiến người ta dễ nhớ, dễ hiểu như ca dao, tục ngữ của người Kinh. Mo như một lối đi riêng để tìm về quá khứ trong những nghi lễ, đình đám của người Thái mường Ca Da xưa, như lễ Xin mường, lễ hội Chá chiêng... “Mo là một phần hồn cốt, bản sắc của vùng đất mường Ca Da. Hiểu vậy, nên tôi bỏ công sức để làm. Mong sao lớp trẻ biết được chút ít”, ông Nghĩa bộc bạch.
Giờ đây, trong những lễ hội, đình đám, lớp học, người ta vẫn thấy người nghệ nhân già cần mẫn bài mo, nghi lễ, hay dạy sáo ôi, khèn bè, chữ viết dân tộc Thái cho lớp trẻ, những mong di sản không trở thành chuyện quá vãng. Cao Bằng Nghĩa vẫn thế, hào hứng và say xưa như có cả tình yêu bao la với vùng đất, con người quê hương.
Cuối xuân, nước thượng nguồn nhẹ nhàng như lụa. Tôi miên man trên con thuyền bồng bềnh trong sương sớm xuôi dòng Luồng, mắt ngước nhìn hang Phi u tịch nghìn năm nhũ đá, rồi ra ngã ba sông Mã mênh mang nước chảy. Từ ngã ba sông này, thuyền xuôi chừng một đoạn đã là nơi hợp về của dòng sông Lò hùng vĩ. Phía ven bờ là miên man phố xá tấp nập rộn ràng. Thảng một hồi chuông chùa vọng từ xa xăm, tôi trôi giữa những mường tượng vô hình về thời hồng hoang dựng bản lập mường. Ngấn nước nơi hai ngã ba sông đã bồi đắp bao phù sa trầm tích ngàn năm, tạc vào hang Phi, vào chùa Ông, động Bà, tạc vào bia ký thượng tướng thống lĩnh quân Lò Khằm Ban, cả trong những lễ hội rực rỡ sắc màu... Hồi Xuân.
Ghi chép của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2025-04-14 23:54:00
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Dã tâm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ
-
2025-04-14 19:04:00
Sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
-
2025-04-13 14:26:00
Thường Xuân: Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo
Mô hình “Mỗi công dân - Một danh tính số”
Khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư tại Thanh Hoá
Hoằng Hóa: Ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường bãi biển Hải Tiến
Cháy rừng liên tiếp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, hàng trăm người dập lửa trong đêm
50 năm và ẩn số trong bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập
Rủ nhau đi tắm hồ, 2 học sinh ở huyện Triệu Sơn đuối nước thương tâm
29 học sinh nghi ngờ ngộ độc ở TP.HCM
Nói không với nỗi buồn
Nhiều hộ dân ở Như Thanh thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách