(Baothanhhoa.vn) - Chiếc đò của anh Phàng A Thầy tròng trành vượt sông Mã đưa chúng tôi vào bản Pá Búa - bản với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Đi cùng chúng tôi vào bản Pá Búa là Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Thiếu tá Cao Văn Lượng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Trung Lý. Họ là những người lính biên phòng đã có thâm niên công tác, gắn bó với mảnh đất biên cương, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây và được bà con quý mến.

Mường Lát: Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN

Chiếc đò của anh Phàng A Thầy tròng trành vượt sông Mã đưa chúng tôi vào bản Pá Búa - bản với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống thuộc xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Đi cùng chúng tôi vào bản Pá Búa là Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Thiếu tá Cao Văn Lượng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Trung Lý. Họ là những người lính biên phòng đã có thâm niên công tác, gắn bó với mảnh đất biên cương, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây và được bà con quý mến.

Mường Lát: Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MNTuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý (tháng 5/2024). Ảnh: T.H

Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn trong đồng bào Mông

Nằm dọc những sườn đồi, bản Pá Búa được chia thành 3 khu dân cư. Cả bản mới chỉ có đoạn đường đã được đổ bê tông vào khu chính, còn lại gập ghềnh đường đất pha cát dễ trơn trượt. Nắng vùng biên hanh hao. Những nóc nhà im lìm. Nhà văn hóa mở cửa là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi đến thăm Pá Búa. Bí thư chi bộ Giàng A Này (sinh năm 1993) và trưởng bản Sùng A Thể (sinh năm 1990) bắt tay chào đón cán bộ biên phòng và những vị khách nơi xa đến thăm bản. Bản Pá Búa có 120 hộ, 759 nhân khẩu, bà con chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, trong đó sắn là cây trồng chính.

Bên hiên nhà, chị Cứ Thị Giang đang thêu tấm vải với hoa văn nhiều màu sắc. Trong nhà, đứa con nhỏ say giấc nồng. Cứ Thị Giang, sinh năm 2000, năm 2019, sau khi học xong lớp 12 thì Giang ở nhà lấy chồng. Chồng kém Giang 2 tuổi và khi cưới, chồng của Giang chưa đủ tuổi kết hôn. Hiện nay, vợ chồng Giang đã có 2 đứa con. Suốt buổi trò chuyện cùng tôi, Giang e thẹn, ít nói, cặm cụi thêu tấm vải. Tôi không hỏi nhiều, nhưng nhìn vóc dáng, đôi mắt Giang, tôi tự hỏi, nếu không lấy chồng sớm biết đâu Giang sẽ đi đò sang bên kia bờ sông Mã, theo học cấp 3 rồi vào đại học. Chân trời mới sẽ mở ra trước mắt em...?!

Tôi hỏi trưởng bản Sùng A Thể về công tác tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) của bản. Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, vấn đề tảo hôn trong bản vẫn còn nhưng so với trước đây đã giảm đi rất nhiều. Chi bộ, ban quản lý bản thường xuyên tuyên truyền với bà con về việc con cái chưa đủ tuổi kết hôn, kết hôn sớm sẽ làm suy giảm giống nòi, con cái của người kết hôn sớm sinh ra không có giấy khai sinh, đi học sẽ không được hưởng chế độ, chính sách về giáo dục. Thời gian qua, nhờ vai trò của cán bộ huyện, xã, Đồn Biên phòng Trung Lý, các thầy cô giáo cắm bản và những người con của bản như Phó Chủ tịch UBND xã Giàng A Lâu, Sùng A Páo, cán bộ văn phòng - thống kê; người có uy tín của bản là Phàng A Lồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào Mông ở Pá Búa, còn HNCHT đã không còn diễn ra.

Trên hành trình đến với bà con các bản Mông ở Trung Lý, chúng tôi về bản Suối Hộc. Bản có 54 hộ, hơn 300 nhân khẩu, hầu hết đều là hộ nghèo, cận nghèo. Theo chân bí thư chi bộ Lù A Chu và cán bộ biên phòng Đồn Biên phòng Trung Lý, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lù A Dính, sinh năm 1983. Vợ chồng anh Dính sinh được 6 người con, đứa con út mới chỉ 2 tuổi. Anh Dính nhận ra, sinh đẻ nhiều và con cái đi lấy chồng, lấy vợ sớm sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, thất học. Anh Dính nhớ lại, vào năm 2016, khi con gái thứ 2 là Lù Thị Dung, mới 11 tuổi đã bị một thanh niên ở bản Khằm 1, xã Trung Lý vào bản chơi rồi cưỡng ép đưa Dung lên xe máy chở về nhà. Anh Dính đã thông báo với ban quản lý bản, cán bộ xã Trung Lý phối hợp chặn đường thanh niên để không đưa Lù Thị Dung về bản Khằm 1 làm vợ khi chưa đủ tuổi.

Trường hợp của Lù Thị Dung là may mắn. Ở Pá Búa hay Suối Hộc và những bản đồng bào Mông ở Trung Lý, Mường Lát vẫn còn nhiều em gái đã và đang làm vợ, làm mẹ ở độ tuổi “trăng tròn”.

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và HNCHT

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới có 6 dân tộc cùng sinh sống là: Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Kinh, Mường với hơn 8.800 hộ, trong đó đông nhất là đồng bào Mông, Thái. Thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025); Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” và Tiểu dự án 2 của Dự án 9 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, huyện Mường Lát đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện. UBND huyện Mường Lát giao phòng dân tộc chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, trung tâm y tế, công an huyện và UBND các xã, thị trấn, đồn biên phòng tổ chức các hoạt động tuyên truyền đa dạng, với nhiều hình thức.

Đồng chí Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, cho biết: Trong 2 năm 2022 và 2023, phòng đã phối hợp tổ chức 18 buổi tuyên truyền nói chuyện ngoại khóa về giảm thiểu tảo hôn và HNCHT tại các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS trên địa bàn huyện với gần 4.000 lượt em học sinh và phụ huynh tham gia. Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn và HNCHT với trên 1.000 lượt đại biểu tham gia là đại diện các tổ chức đoàn thể ở bản, khu phố. Tổ chức hội thi “Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn huyện Mường Lát năm 2023”; triển khai xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT” tại xã Nhi Sơn năm 2022 và Trung Lý năm 2023. Tiếp nhận và cấp phát 88 sổ tay tuyên truyền cho 88 bí thư chi bộ (trưởng bản), khu phố và trên 2.000 tờ rơi về tảo hôn và HNCHT cho các bản, khu phố trên địa huyện. Lắp đặt 8 pano tuyên truyền tại 8 xã, thị trấn, in và cấp phát 77 băng rôn truyền thông về tảo hôn và HNCHT cho các bản, khu phố. Tổ chức đợt tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và HNCHT” tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La...

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, ý thức của người dân được cải thiện, nâng cao nhận thức về tảo hôn và HNCHT, một số hủ tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn và HNCHT dần được xóa bỏ. Việc thành lập và triển khai thực hiện mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT” đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của các tổ tư vấn, can thiệp và mô hình điểm đã giúp đồng bào DTTS và người dân được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và HNCHT đối với cá nhân, gia đình và xã hội, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT ở địa phương. Năm 2021, tổng số cặp kết hôn trên địa bàn huyện là 545 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 105 cặp, chiếm tỷ lệ 19,2%, HNCHT 1 cặp, chiếm tỷ lệ 0,18%. Năm 2022, tổng số cặp kết hôn là 570 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 86 cặp, không còn HNCHT. Năm 2023, tổng số cặp kết hôn là 412 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 50 cặp (tảo hôn vợ hoặc chồng 29, tảo hôn cả vợ và chồng 21), chiếm tỷ lệ 12%, không còn HNCHT.

Mường Lát phấn đấu đến năm 2025 ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS và miền núi. Để đạt được mục tiêu nêu trên, huyện phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan, lực lượng chức năng như biên phòng, các đoàn thể chính trị - xã hội (hội phụ nữ, đoàn thanh niên) tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tảo hôn và HNCHT. Trong đó, tiếp tục biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn/bản. Duy trì và triển khai mô hình tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao. Các thôn/bản lồng ghép đưa vào hương ước, quy ước các chế tài xử lý vi phạm về tảo hôn và HNCHT phù hợp với quy định của pháp luật và phong tục, tập quán của địa phương; chính quyền xã thực hiện nghiêm và tổ chức xử phạt các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình theo quy định.

THẢO NGUYÊN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]