(Baothanhhoa.vn) - Vàng A Lế người nhỏ thó, gồng mình, ghì chặt tay lái để giữ chiếc xe đang ngằn ngặt leo dốc. Sợ đến nỗi tôi “bấu” vào áo anh. A Lế cười nói: Từ 1 tháng tuổi tôi theo bố mẹ từ Sơn La sang đây, thế mà đến nay 33 tuổi vẫn còn chưa quen đường.

Mơ về Sài Khao

Vàng A Lế người nhỏ thó, gồng mình, ghì chặt tay lái để giữ chiếc xe đang ngằn ngặt leo dốc. Sợ đến nỗi tôi “bấu” vào áo anh. A Lế cười nói: Từ 1 tháng tuổi tôi theo bố mẹ từ Sơn La sang đây, thế mà đến nay 33 tuổi vẫn còn chưa quen đường.

Mơ về Sài KhaoĐường lên bản bao quanh là núi và rừng.

Quen sao được, một bên là núi, bên kia là vực, những nguy hiểm luôn chực chờ những ai sểnh tay. Bởi thế một thời gian dài người dưới xuôi không dám lên đây, người trên này thì ngại xuống núi.

Quê gốc của Vàng A Lế là bản Giàng A, xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Theo chân những người Mông di cư, từ khi đỏ hỏn đến khi lớn lên anh chỉ biết có mỗi tên bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Ở nơi này, A Lế cho biết đã phải cố học cái chữ để biết đọc, biết viết, biết đường, biết lối về quê gốc. Rồi cũng nhờ có chữ, có tri thức, anh đã được làm trưởng bản, bí thư chi bộ.

- Anh có biết bài Tây Tiến không? – Có chứ, nói xong, A Lế ngoặt xe đưa thẳng tôi đến nhà Giàng A Vàng, ngay trước bia tưởng niệm Đoàn binh Tây Tiến cùng đồng bào địa phương đã anh dũng chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp. Nhà Vàng kinh tế thuộc diện không nhất thì nhì ở đây, bởi anh có cửa hàng bán tạp hóa. “Phục vụ các thầy, cô giáo ở trường mầm non, tiểu học là chính, lâu lâu có đoàn khách vào đây thắp hương cũng mua ủng hộ để mang sang làm quà cho học sinh”, Vàng A Giàng nói. Tôi hỏi: thu nhập của nhà anh khoảng bao nhiêu một tháng. Anh đếm đếm một hồi rồi nói, cả gia đình 4 người khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng.

“Thu nhập trung bình của người dân trong bản à? Cùng lắm là 10 triệu đồng/năm”. Sao lại ít thế? Ít nhưng không đói. Bà con có buôn bán hay nguồn thu nhập nào đâu. Tất cả là tự túc hết. Gà, lợn tự nuôi rồi thịt, rau, quả trồng ở vườn, ở đồi ăn không hết thì chia nhau.

- Tại sao lại không mang bán? Ở đây có ai bán mua đâu cô...

Bản Sài Khao mà tôi đã đứng đây có lẽ rất nhiều người đã nghe đến tên, bởi bài thơ Tây Tiến nằm trong sách giáo khoa với nhịp điệu hùng hồn, thể hiện khí thế của binh đoàn Tây Tiến – đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông Dương. Trên hành trình ấy, để lên Sài Khao, đoàn quân Tây Tiến đã “cắm đầu xuống mà trèo, chỉ trông thấy mây và đá núi, chỉ nghe tiếng gió ù ù thổi”.

Sự khắc nghiệt ấy được trưởng bản Vàng A Lế kể lại: Tôi cùng một số người đã sang Sơn La tìm hiểu những cây có giá trị về trồng ở bản nhưng đều không được. Ở đây, đến cỏ còn khó mọc.

***

“Từ tỉnh, đến huyện, xuống xã đều đang nỗ lực để thay đổi đời sống của bà con ở Mường Lý nói chung và Sài Khao nói riêng”, ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý nói với chúng tôi.

Sài Khao nằm cách trung tâm xã 25km, là bản xa nhất của Mường Lý. Bản 100% người Mông này hiện là 97 hộ/592 khẩu, trong đó chỉ có 5 hộ thoát nghèo, 90 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.

“Có thể năm 2024 sẽ khác, bản đã được đóng điện lưới quốc gia từ ngày 29/8/2023. Có điện bà con mới nghĩ đến chuyện lên rừng, mua bán nông sản để sắm sanh vật dụng trong nhà. Đặc biệt năm 2023, trong bản đã có 5 hộ được hỗ trợ tiền xây nhà mới, 17 nhà được hỗ trợ sửa chữa theo đề án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, 2 nhà được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết theo chương trình của Bộ Quốc phòng. Thay đổi thói quen lấy nước lã chan cơm, xã đã vận động bà con mua máy lọc nước để đảm bảo vệ sinh”, ông Hà Văn Tuấn cho biết thêm.

“Vui nhất đây là năm đầu tiên đưa sắn vào trồng nhiều ở Sài Khao. Toàn xã Mường Lý có hơn 300 ha trồng sắn chất lượng cao, trong đó Sài Khao là 60 ha. Cây sắn năm nay được mùa. Tính sơ sơ bà con cũng bắt đầu có thu nhập, có tiền đó”, trưởng bản Vàng A Lế nói.

Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sài Khao là 1 trong vài bản trên địa bàn huyện Mường Lát được lựa chọn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng.

Nhà thơ Quang Dũng từ cách đây hơn 75 năm đã bất tử hóa địa danh Sài Khao bằng văn chương. Tại sao chúng ta không thể tin tưởng rằng sẽ có những đổi thay?. Vùng đất này đến nay vẫn lưu giữ những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến dừng chân, lập căn cứ. Đó là những vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang và bờ đá kè suối để lấy nước sinh hoạt, tránh muông thú. Lên với Sài Khao, ngoài thăm lại những địa danh gắn với những tháng ngày gian khó của binh đoàn Tây Tiến năm xưa, du khách còn được đắm mình trong cảnh nguyên sơ của núi rừng. Đứng trên đỉnh Sài Khao, đại ngàn Pha Luông ẩn hiện mờ xa trong làn mây, trong cây rừng ngút ngàn xanh.

***

Để thay đổi cuộc sống, người Mông ở Sài Khao không chỉ giữ nét văn hóa đặc sắc mà còn phải cải tiến, giản tiện để bớt đói, bớt nghèo. Ông Vàng A Sỷ, một cao niên trong bản thều thào nói: “Trước đây, đồng bào Mông thường “ăn tết” cả tháng, cả làng uống rượu, giết lợn, mổ trâu. Tết vừa xong cũng là lúc trong nhà không còn hạt gạo nào, phải đi vay nấu cháo ăn. Còn hiện nay tết diễn ra trong 3 ngày, nhà nào có điều kiện thì thịt lợn, không có thì chỉ con gà cúng thần linh. Điều đặc biệt là người Mông không có đêm giao thừa như các dân tộc khác”. Khi nào con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên trong ngày mùng 1, chính là thời điểm bắt đầu năm mới. Ngày tết, mọi người nghỉ ngơi, các dụng cụ lao động sản xuất cũng được nghỉ ngơi. Người ta dán giấy vào các dụng cụ và thờ cúng chúng với mong muốn một năm cây lúa trĩu bông, cây ngô dày hạt.

Mơ về Sài KhaoNhà sàn ở bản Sài Khao.

Nam nữ thanh niên không còn ngủ quên bên chai rượu, họ rủ nhau qua khoảnh đất rộng của bản, cùng chơi ném pao, tung còn, múa khèn, đẩy gậy... Tiếng nói cười của những cô gái, tiếng khèn của chàng trai Mông du dương và tình tràn hơn bên tà váy sặc sỡ sắc màu. Và ngày xuân vui hơn.

Bà con cũng không bỏ đất, bỏ rừng tìm kiếm vùng đất mới. Họ định canh, định cư trên mảnh đất này để an tâm làm ăn, trẻ con ổn định việc học hành. Những năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền của địa phương và chính sách mỗi cháu đi học được hỗ trợ 150 ngàn đồng/tháng nên gia đình nào cũng động viên con đến trường đầy đủ.

Quả thật, dấu tích của một thời “oai hùng” đã mờ dần theo thời gian, Sài Khao cũng không còn nguyên sơ như ngày nào. Những nếp nhà sàn mới, còn bóng sơn đã xuất hiện; đàn trâu đã nhiều hơn về số lượng. Và gần 15 ha đào 1 năm tuổi đời đang vươn mình để phát triển. “Vài năm nữa khi cô trở lại đây, chắc chắn những cây đào đã nở. Những chuyến xe chở sắn xuống núi sẽ nhiều hơn. Và những đứa trẻ mặt nhem nhuốc không phải lấm lét nhìn khách đến bản, rồi thèm thuồng được xuống chợ thị trấn mua vài ba thỏi son, mấy cái kẹp tóc..., tôi nói thật đấy”, Vàng A Lế khẳng định với tôi.

Không riêng gì tôi, còn biết bao người khác đã từng yêu bài thơ “Tây Tiến”, đã đặt chân đến mảnh đất này, vẫn luôn hy vọng rằng, cùng với sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tập trung các nguồn lực hỗ trợ, sự gắng sức vươn lên của người dân, Sài Khao không lâu nữa sẽ thực sự là một địa chỉ du lịch để ai đến Mường Lát cùng phải làm chuyến “ngàn thước lên mây ngàn thước xuống”.

KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]