Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Thanh Hoá: Thực trạng và giải pháp
Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, công tác dân số ở Thanh Hoá cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn ở mức cao. Trước những dự báo về hệ lụy của MCBGTKS, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.
Hội nghị tập huấn về GTKS, bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền - tư vấn về giới và GTKS cho đội ngũ cộng tác viên dân số.
Nỗ lực giảm thiểu MCBGTKS
Trước thực trạng MCBGTKS gia tăng, tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác dân số và phát triển. Các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa tỷ số GTKS trở lại mức cân bằng. Trong đó, công tác truyên truyền về dân số nói chung và tình trạng MCBGTKS được quan tâm chú trọng với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, sản xuất, nhân bản các sản phẩm truyền thông...
Tại Chi cục Dân số, trong giai đoạn từ 2016 - 2025 đã nhân bản gần 410.000 tờ rơi cấp cho đối tượng; 20.780 cuốn tài liệu hỏi đáp về MCBGTKS cấp cho cán bộ dân số tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên dân số. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, các chiến dịch, sự kiện truyền thông về MCBGTKS; tổ chức gần 3.900 cuộc nói chuyện chuyên đề tại xã cho những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn, phụ nữ không sinh con thứ 3. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thế nhân dân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng cấp tỉnh, huyện. Nội dung giới thiệu các văn bản quy định liên quan đến giới và GTKS; các yếu tố ảnh hưởng đến GTKS; nguyên nhân và hậu quả của MCBGTKS.
Giai đoạn 2016 - 2025 đề án đã tổ chức 7 cuộc cung cấp thông tin cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 80 cuộc hội thảo cho lãnh đạo ban, ngành cấp huyện; 46 cuộc hội nghị tuyên truyền cho các cán bộ truyền thông cấp huyện. Tại các địa phương đã xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ sinh 2 con một bề là gái và không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế, mỗi năm trung bình tổ chức sinh hoạt 1 lần/1 câu lạc bộ. Các nội dung sinh hoạt tập trung giới thiệu các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại của MCBGTKS, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính lồng ghép các nội dung về giới và GTKS trong hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ. Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau để phát triển sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ, ông bà người cao tuổi trong gia đình, kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế gia đình.
Một buổi nói chuyện chuyên đề về hậu quả của tình trạng MCBGTKS tại xã Nhi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Mường Lát là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhằm từng bước đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên, hàng năm, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, hệ lụy của MCBGTKS. Tại 3 xã triển khai đề án (Trung Lý, Tam Chung và Nhi Sơn) đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về hậu quả của tình trạng MCBGTKS đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng MCBGTKS. Bên cạnh đó, tại các xã thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế.... Trạm y tế các xã đã phối hợp với cán bộ văn hóa xã tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về thực trạng, hậu quả của MCBGTKS, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, từ đó tạo chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng MCBGTKS.
Bà Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Lát, cho biết: "Nhờ có đội ngũ làm công tác dân số tích cực tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là những hộ gia đình sinh con một bề là gái về thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số, cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, hệ lụy của MCBGTKS được thực hiện thường xuyên, liên tục nên nhận thức của người dân trên địa bàn huyện dần thay đổi, tỷ số GTKS giảm hàng năm, năm 2024 là 111,8 trẻ trai/100 trẻ gái".
Theo báo cáo của Chi cục Dân số tỉnh, qua 10 năm thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS trên toàn tỉnh, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi được nâng lên, góp phần tạo nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững, từng bước đưa tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 tại Thanh Hoá là 115 bé trai/100 bé gái; năm 2017 là 117 bé trai/100 bé gái; đến năm 2024 còn 113,1 bé trai/100 bé gái và năm 2025 ước thực hiện là 113 bé trai/100 bé gái.
Một buổi nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS cho đoàn viên thanh niên.
Còn nhiều khó khăn thách thức
MCBGTKS xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ. MCBGTKS sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và dư thừa nam giới, nhất là ở độ tuổi kết hôn. Tình trạng này có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số và kéo theo nhiều hệ lụy. Tại Thanh Hoá, mặc dù tỷ số GTKS có giảm nhưng vẫn đang ở mức cao so với cả nước (cả nước năm 2024 là 111,4 bé trai/100 bé gái). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của văn hóa phương Đông nên tư tưởng trọng nam vẫn còn rất nặng nề, tạo áp lực các cặp vợ chồng mong muốn có được con trai; một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của công việc kiểm soát MCBGTKS, nhiều địa phương thoả mãn với những kết quả ban đầu; công tác chỉ đạo chưa sát sao, thiếu kiên quyết. Việc xây dựng các chính sách khuyến khích kiểm soát tình trạng MCBGTKS, hỗ trợ trẻ em gái chưa được triển khai vì kinh phí hỗ trợ của tỉnh không nhiều, chưa đủ để thực hiện triển khai các hoạt động của đề án. Trong khi đó, điều kiện về khoa học công nghệ y học ngày càng phát triển tạo thuận lợi cho các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính thai nhi. Việc kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong lựa chọn giới tính thai nhi còn khó thực hiện và chưa thường xuyên; các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe...
Tại huyện Hoằng Hoá, mặc dù đã triển khai nhiều hình thức giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, trong đó chú trọng phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên dân số trong các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; đội ngũ làm công tác dân số đã không quản ngại khó khăn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm giúp người dân thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số/SKSS, đặc biệt là hiểu được hệ lụy của MCBGTKS... Tuy nhiên, đến nay tỷ số GTKS vẫn ở mức cao 117 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ông Phạm Công Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế Hoằng Hoá cho biết: "Nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người dân. Trên thực tế, nhiều gia đình có tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi và nam giới được coi là trụ cột, là người kiếm tiền chính trong gia đình. Cùng với đó là việc lạm dụng khoa học công nghệ; hệ thống an sinh xã hội chưa đảm bảo dẫn đến gây khó khăn, trở ngại trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về kiểm soát MCBGTKS.
Công tác truyền thông tác hại của MCBGTKS được tăng cường.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên, thì việc kiểm soát tình trạng MCBGTKS đã và đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cần có biện pháp lâu dài nhằm cân bằng sức ép tâm lý đối với những cặp vợ chồng chỉ sinh con gái, nâng cao vị thế trẻ gái: Xây dựng các biện pháp khuyến khích vật chất - tinh thần cho các gia đình, cặp vợ chồng, cá nhân thực hiện tốt chính sách dân số, không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam hơn nữ”; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển sản xuất. Thực hiện nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính và các hành vi liên quan, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật giúp tạo giới tính thai nhi, chẩn đoán giới tính thai nhi; tăng cường thực hiện kiểm tra các quy định về nạo phá thai, nghiêm cấm thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. Xây dựng một đội ngũ cán bộ truyền thông từ tỉnh đến thôn, bản, tổ dân phố đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Mới đây, Chi cục Dân số đã tổ chức Hội nghị tập huấn về GTKS, bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền - tư vấn về giới và GTKS cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới thay đổi nhận thức xã hội, giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vì định kiến giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ds.CKII Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số nhấn mạnh, MCBGTKS không chỉ là vấn đề dân số, mà còn là hệ lụy xã hội dài hạn. Để giải quyết tận gốc, cần thay đổi nhận thức từ mỗi gia đình, mỗi người dân. Và đội ngũ cộng tác viên dân số chính là cầu nối quan trọng, là người “truyền cảm hứng” về giá trị bình đẳng giữa các giới. Trong chương trình tập huấn, 90 học viên đã được tìm hiểu sâu về khái niệm giới, phân biệt giữa giới và giới tính sinh học, cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi. Các nội dung đề cập không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà được đặt trong bối cảnh thực tế tại cơ sở – nơi các quan niệm trọng nam hơn nữ, áp lực phải sinh con trai vẫn đang tồn tại âm thầm nhưng dai dẳng. Thông qua các bài giảng chuyên đề, tình huống minh họa và phân tích thực tiễn, cộng tác viên được nâng cao năng lực nhận diện định kiến giới, đồng thời tiếp cận các giải pháp truyền thông hiệu quả. Và những người “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” sẽ lan tỏa giá trị bình đẳng giới đến từng gia đình, từng khu dân cư, tạo niềm tin và đồng hành cùng người dân trong việc lựa chọn hành vi có lợi cho sức khỏe và tương lai cộng đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong giai đoạn đầu xuất hiện tình trạng MCBGTKS, mọi nỗ lực cũng chỉ có thể kìm chế tốc độ gia tăng GTKS. Điều đó cho thấy để kiểm soát được tốc độ gia tăng GTKS và đưa về mức cân bằng tự nhiên là một quá trình rất khó khăn, phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà cần có lộ trình, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội.
Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-07-03 20:56:00
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em
-
2025-07-03 20:37:00
Đa dạng các hoạt động cho thiếu nhi
-
2025-06-29 10:10:00
Cục Hàng không chỉ đạo nóng sau vụ hai máy bay va chạm tại Sân bay Nội Bài
“Phao cứu sinh” cho người hoàn lương (Bài 2): Quyết định số 22 - “điểm tựa” cho người tái hòa nhập cộng đồng
Hải quan dừng tiếp nhận tờ khai từ 22 giờ ngày 30/6 đến 5 giờ ngày 1/7
Phải có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để phục vụ dân và phát triển kinh tế
Địa chỉ, đường dây nóng của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 166 xã, phường mới
Cảnh báo thủ đoạn giả danh Cục Đăng kiểm Việt Nam
Tổ chức lại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thanh Hóa
Siết hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng, KOL trên mạng xã hội
“Phao cứu sinh” cho người hoàn lương (Bài 1): “Mở lối” cho người lầm lỗi
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó với đợt mưa lớn ở Bắc Bộ trong mấy ngày tới