(Baothanhhoa.vn) - Tôi đã tập bước những bước chân đầu tiên trên nền sân gạch cũ ấy.

Mảnh sân xưa

Tôi đã tập bước những bước chân đầu tiên trên nền sân gạch cũ ấy.

Mảnh sân xưa

Trong tâm khảm mỗi đứa con sinh ra từ làng luôn có ký ức đẹp về mảnh sân xưa. Ảnh: Hương Thảo

Bố tôi kể lại, những viên gạch vuông lá nêm này do ông bà nội tự tay đóng rồi đốt bằng rơm. Để đốt được một mẻ gạch làm sân, ông bà phải tích đống rơm to chất giữa vườn, túc tắc đóng khuôn tay, phơi nắng, rồi rơm ấy đốt gạch. Mỗi năm một mẻ, hai năm thì đủ gạch lát sân, cổng. Ngày đó, dân làng đa số toàn nhà tranh vách đất, nhà ai mà có mảnh sân gạch như thế này là sang nhất nhì trong làng. Vụ mùa, vụ chiêm, thóc ngô tha hồ phơi được nắng.

Tuổi thơ tôi có biết bao trò chơi diễn ra trên chiếc sân gạch đó. Mà trò diễn ra nhiều nhất không bao giờ biết chán đó là chạy hết góc sân này đến góc sân kia dùng que bới lỗ cóc móc lỗ ngóe, khiến cho những lỗ mạch nối những viên gạch ngày càng hõm xuống, mặt nền gạch bong sần lên lồi lõm. Chơi chán thì rủ bạn bè chơi ô ăn quan, chơi thả đỉa ba ba, chơi chuyền... Bước chân trần nhỏ xíu của chúng tôi chạy rình rịch trên mặt sân tưởng cũng có thể làm cho cả mặt đất rung chuyển. Ngày đó, chúng tôi toàn đi chân đất, nên sân nóng, mát là chân cũng chuyển nhiệt theo, sân bong màu, gan bàn chân đứa nào đứa ấy nhuộm một màu hồng của gạch phai.

Lớn lên chút nữa, tôi đã biết quét sân, nhặt lá rụng. Cành bưởi sà vào sân rụng đầy hoa trắng và lá. Tôi ấp hai bàn tay vào cho hít hà hoa bưởi rồi đem bầy đồ hàng để bán. Thằng em nhỏ của tôi chưa biết đi, thấy xôn xao nơi góc sân cũng đòi ra chơi cùng. Chạy ào vào bế em chẳng khác gì con mèo cắp con chuột, tôi ôm được em ra khỏi bậu cửa bước chân xuống bậc hiên thì em rẫy rụa mạnh quá, chân bước hụt bậc khiến cả hai chị em ngã nhào xuống sân. Bà ở dưới bếp chạy vội ra đỡ em, thấy em mếu máo trực khóc, bà cầm chiếc que đời vụt xuống nền gạch: “Bà Mụ nâng cu, không sao. Chừa sân gạch này!” Em tôi chẳng bị làm sao thật, nó thôi khóc hẳn. Tôi lấy làm lạ lắm. Từ đó, mỗi lần em chạy ngã xuống sân gạch tôi lại nói câu của bà: “Bà Mụ nâng cu. Chừa sân gạch này!” Thế là em hết khóc, còn bố mẹ chẳng thể biết tôi đã đánh ngã em...

Bố là thanh niên xung phong lăn lộn với con đường Trường Sơn suốt 5 năm, đến giải phóng được cử đi học lái xe nhưng đang học phải nghỉ vì bố ốm nặng. Bố về làm xã viên HTX nông nghiệp. Nhà nhận thêm một góc con trâu để chăn. Lần đầu tiên được theo chân bố ra đồng chăn trâu tưởng như được đi một chuyến phiêu lưu thật xa. Chiều về, tranh xách giỏ đầy cua cá mà bố bắt suốt chiều đi vào sân, từng giọt bùn từ chiếc giỏ rơi trên nền gạch. Bước chân người, chân trâu lấm bùn in trên nền gạch. Gạch cứ thâm màu đất dần đi.

Làng tôi có nghề đan lát. Bố không chỉ là thợ cày, bố còn là thợ đan gầu tát nước lành nghề. Gầu dai bố đan hay có khách quen tìm đến tận nhà mua. Đan gầu dai phải tỉ mẩn từ khâu vót, phơi nan đến khâu cạp, nức. Những trưa nắng, tôi thích lau chau bên mẹ dải nan gầu ra phơi trên sân gạch. Phơi nan tre cũng như phơi thóc, sợ nhất là những trận mưa mùa hè đỏng đảnh thường bất ngờ ập đến không kịp chạy, lúc ấy chỉ có mà vừa chạy nan vừa khóc. Nan ướt sẽ bị mốc, ỉu, gầu sẽ mất màu óng, mất độ đanh quánh, chẳng ai muốn hỏi cùng. Tôi nhớ nhất những buổi chiều hè, gầu đan xong, bố bày gầu ra hong lần cuối như muốn ướp thêm hương sắc nắng. Nắng chiều vàng óng ánh trên sân gạch như biển vàng, từng chiếc gầu dai trông tựa những cánh buồm nhỏ đang lướt sóng ra khơi. Đến phiên chợ, gầu của bố bao giờ cũng bán chạy nhất vì người khen tát ngọt nước, đằm gầu. Nhưng có một buổi, tôi đi học chợt nhìn thấy bố phơi mấy chục chiếc gầu ra sân mặc dù sáng hôm ấy bố đi chợ. Vẻ mặt bố rầu rầu như gầu gác bếp cả vụ không hạ xuống tát nước. Bây giờ người ta ít dùng gầu tre để tát nước nữa mà họ dùng máy bơm điện bơm nước tới tận ruộng. Hệ thống mương máng đều đã đắp, xây, cũng mừng cho bà con nông dân không phải vất vả, giọng bố nhỏ dần. Những phiên chợ bố đi cũng thưa dần. Tiếng chẻ tre, vót nan, đan gầu cũng vơi đi.

Thời gian dài sau, sân gạch lại dãi mình nằm im lìm đón nắng, không có nan, gầu phơi cùng. Những chiếc lá vàng rơi trên nền gạch rêu phong cứ nằm im đấy chờ gió đến. Bố tôi hay dắt xe đạp đi từ sáng tới tối. Một hôm bố xách túi đồ nghề cắt tóc về nhà. Bố mang chiếc ghế gỗ cũ kỹ ra góc sân rồi gọi tất cả lũ trẻ trong xóm đến để cắt tóc. Hơn chục đứa lớn nhỏ, mặt mũi đứa nào cũng nhem nhuốc, chân đất, áo vá, chúng tranh nhau ngồi để được cắt trước. Sau mỗi nhát kéo, những túm tóc vàng hoe lại rơi xuống. Có quả đầu mới, mặt mũi đứa nào đứa ấy trông sáng sủa hẳn lên. Cắt tóc miễn phí cho hết trong xóm, bố đi đến các xóm khác. Giữa đường gặp bọn trẻ con đang chăn trâu hay đang chơi la cà, bố gọi chúng lại cắt tóc cho. Cứ như thế, bố luyện tay nghề. Đến khi tay kéo dẻo như tay đan thì bố mở quán cắt tóc. Góc sân gạch cạnh cầu ao, chiếc gương lớn được treo lên thân cây nhãn, cùng chiếc ghế gỗ mới đóng đã làm thành “tiệm” cắt tóc của bố. Những khách hàng đầu tiên là những ông già râu tóc trắng phơ, những đứa trẻ tóc tai vàng hoe trong xóm, ngồi cắt tóc vẫn còn ngọ nguậy nghịch trêu nhau.

Cuộc sống dù chật vật nhưng vẫn trôi như dòng sông lặng lẽ chảy. Chiều hoàng hôn, gió hây hẩy, mấy ông già sang cắt tóc rồi ngồi lại đánh ván cờ, uống ấm trà, còn lũ trẻ con cắt xong cũng nán lại chơi đùa trên sân cùng chị em chúng tôi, sân lại rộn tiếng nói cười.

Tôi lớn lên, sân gạch ngày càng mòn đi, càng nhiều những dấu lỗ chỗ, màu hồng gạch cứ phai dần nhường chỗ cho màu rêu phong, màu thâm đất. Góc sân, những khe rãnh nứt ra, cỏ ấu chui từ dưới đất lên, xanh lất mất. Mẹ quét sân lại lom khom nhổ đi. Nhiều viên gạch vuông lá nem bong lên, hoặc vỡ đi bố lại hòa xi măng gắn lại, có khi phải tìm gạch khác ken vào, trông như một miếng vá khéo. Khi chúng tôi trưởng thành, bố mẹ dành dụm được ít tiền, xây được ngôi nhà bốn gian lợp ngói đỏ. Mảnh sân gạch cũ bố vẫn giữ lại. Bố bảo đó là kỷ vật của các cụ để lại, mọi người trong gia đình đều đã bước đi từ chiếc sân này.

Bàn chân tôi giờ đây quen đi giày, đi dép nhưng mỗi khi trở về nhà, tôi lại để chân trần đi trên nền sân xưa sao mà thấy nó thật dễ chịu, tưởng như đang được về với những dịu ngọt tuổi thơ ngây.

Nguyễn Thu Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]