(Baothanhhoa.vn) - 6 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đón trên 16.300 lượt khách tham quan. Trong đó, đối tượng khách là học sinh chiếm số lượng lớn. Hành trình đưa bạn trẻ đến với bảo tàng tham quan, học tập, trải nghiệm đang đạt được những tín hiệu tích cực.

Bảo tàng và câu chuyện “định vị” trong bạn trẻ

6 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đón trên 16.300 lượt khách tham quan. Trong đó, đối tượng khách là học sinh chiếm số lượng lớn. Hành trình đưa bạn trẻ đến với bảo tàng tham quan, học tập, trải nghiệm đang đạt được những tín hiệu tích cực.

Bảo tàng và câu chuyện “định vị” trong bạn trẻ

Nhờ tích cực phối hợp với các đơn vị trường học và đổi mới cách tiếp cận, phục vụ phù hợp với từng đối tượng, thời gian qua Bảo tàng tỉnh đã thu hút được nhiều bạn trẻ đến tham quan, học tập, trải nghiệm.

Là một trong số ít bảo tàng cấp tỉnh trong cả nước, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện sở hữu trên 30.000 hiện vật gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của nhân loại và đất nước. Trong số đó, có 3 bảo vật quốc gia: kiếm ngắn núi Nưa; vạc đồng Cẩm Thủy và trống đồng Cẩm Giang... Đó thực sự là nguồn hiện vật - tư liệu quý phục vụ việc tham quan, tìm hiểu của người dân. Tuy nhiên thực tế, đã có những khoảng thời gian dài, cùng với nhiều bảo tàng trong cả nước, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa ở trong tình trạng trầm lắng, ít khách ghé thăm. Câu chuyện làm thế nào để “hút” khách tham quan, đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ đến với bảo tàng nhiều hơn vẫn là trăn trở của nhiều thế hệ người làm công tác bảo tàng.

Căn cứ Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cùng hướng dẫn, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông và gần đây nhất là Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 22-2-2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, tháng 5 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Ngoài việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, chương trình hướng đến mục đích đưa di sản văn hóa đến với học sinh, sinh viên theo hướng tiếp cận mới, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Qua đó, để các bạn trẻ hiểu và quý trọng những giá trị di sản của tiền nhân.

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Trước đây, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc thụ hưởng văn hóa, đến bảo tàng tham quan của người dân còn chưa được chú trọng. Nhưng hiện nay, đời sống vật chất - tinh thần của người dân đã được nâng lên về mọi mặt, việc đến bảo tàng cũng sẽ trở nên phổ biến, có thể xem như hoạt động văn hóa trải nghiệm thường xuyên. Ngoài việc lưu giữ hiện vật, bảo tàng cũng là một “kênh” giáo dục lịch sử - di sản, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của mọi tầng lớp Nhân dân. Vấn đề là làm thế nào để “khai mở” những giá trị hiện vật, từ đó đáp ứng trúng nhu cầu tìm kiếm của mọi người”.

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh chủ động đấu mối với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các đơn vị trường học về việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng. Bám sát nội dung giáo dục địa phương trong trường học, bảo tàng chủ động xây dựng các chuyên đề, chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi, cấp học, mỗi địa phương, đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng tham quan. Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh còn xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh trưng bày lưu động để đưa “hiện vật” đến với những đơn vị trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa không thể đến tham quan, học tập trực tiếp.

“Thay vì đi theo lối mòn phục vụ truyền thống, chúng ta (tức bảo tàng - PV) cho khách tham quan xem những gì mình có, bất kể khách có thích, có nhu cầu hay không; thì giờ đây hoạt động bảo tàng chủ động tiếp cận nhu cầu của từng đối tượng khách, trên cơ sở những hiện vật - tư liệu hiện có để phục vụ nhu cầu đúng và trúng nhất. Ví dụ, với đối tượng khách là học sinh đang học về giai đoạn lịch sử dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, những hiện vật, hình ảnh ở phòng trưng bày Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975 sẽ giúp các em có những liên tưởng chân thực, sinh động, gắn liền với nội dung chương trình học. Trước mắt, để đưa bạn trẻ đến với bảo tàng là thành công bước đầu, gắn việc tham quan với nội dung học tập sẽ giúp các em nhớ lâu, nhớ sâu hơn. Và khi đến bảo tàng không còn là điều xa lạ thì việc giáo dục để bạn trẻ hiểu và yêu di sản văn hóa cha ông có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Mỗi năm, chúng tôi kỳ vọng, chỉ cần 10% tổng số học sinh trên địa bàn tỉnh đến được với bảo tàng đã là thành công. Tuy vậy, có thể đạt được con số này hay không, sự nhiệt tình hưởng ứng của các đơn vị trường học là vô cùng cần thiết” - ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cùng với việc đổi mới trong việc tiếp cận phục vụ khách tham quan, câu chuyện làm thế nào tạo cảm xúc, gây ấn tượng cho khách đến bảo tàng cũng đang được đặt ra. Anh Trương Văn Long, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) - khách đến tham quan tại Bảo tàng tỉnh chia sẻ: “Sống trên địa bàn TP Thanh Hóa nhưng đây là lần đầu tiên tôi đưa các con đến thăm bảo tàng, thực sự rất thú vị. Tôi và các con đều ấn tượng khi được nghe thuyết minh viên kể về câu chuyện hiện vật “chiếc nồi cơm bị méo” do đạn bom chiến tranh. Cảm xúc như mình được xem một bộ phim về đề tài chiến tranh vậy, thực sự chân thực. Tôi mong, sẽ có thêm những “hiện vật kể chuyện” tại bảo tàng, chứ không đơn thuần chỉ là hiện vật trưng bày”.

Cùng với đó, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc số hóa hiện vật, tổ chức trưng bày ảo - trưng bày 3D nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan, trong đó hướng đến đối tượng khách là bạn trẻ - yêu thích công nghệ cũng là điều cần thiết. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Đình Dương nhìn nhận: “Chúng tôi đang đi những bước đầu tiên để đi tới mục tiêu xây dựng Bảo tàng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn. Thực sự còn rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Từ việc chú trọng môi trường cảnh quan bên ngoài đến đa dạng hóa hình thức, phương thức phục vu... Lợi thế của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là sở hữu số lượng hiện vật lớn, giàu giá trị. Song, làm thế nào để những giá trị đó được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ biết đến thì vẫn cần những thay đổi phù hợp”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]