Tin liên quan
Đọc nhiều
Hội nghị trực tuyến diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020
Ngày 22-7, Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành và đại biểu địa phương. Diễn đàn được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu địa phương và 30 điểm cầu quốc tế với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ban, sở, ngành; đại diện Thường trực các huyện: Nghi Sơn, Yên Định, Thường Xuân, Cẩm Thủy; Công ty Điện lực Thanh Hóa tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, hội nghị là cơ hội để kịp thời tháo gỡ khó khăn, trao đổi đề xuất những vấn đề lớn để phát triển các dự án năng lượng. Đồng thời, làm rõ các kinh nghiệm quốc tế về mô hình cơ chế chính sách và giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng, nhất là trong chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển bền vững.
Hội nghị cũng nhằm đánh giá sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương; mối quan hệ tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đến các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước. Từ đó đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách. Đồng thời, kịp thời triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55).
Theo Nghị quyết 55, Việt Nam định hướng phát triển bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhằm cung cấp đầy đủ, ổn định nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng. Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước…
Trong khuôn khổ diễn đàn, hội nghị đã được nghe tham luận của các bộ, ngành Trung ương về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam. Các ý kiến cho rằng, để phát triển năng lượng quốc gia cần xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; chú trọng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Diễn đàn cũng quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia trong ngành năng lượng; các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham dự và có các ý kiến trao đổi tìm giải pháp tối ưu thực hiện trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các nhà đầu tư và chính quyền địa phương, các ngân hàng đã ký kết một số dự án tiêu biểu về năng lượng, thể hiện sự cụ thể hóa Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống, như: Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Cà Ná giữa Công ty CP Tập đoạn Trung Nam và tỉnh Bình Thuận; Hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển Dự án Nhà máy điện khí tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô giữa Công ty CP Chân Mây LNG và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Hợp tác nghiên cứu đầu tư Điện gió ngoài khơi Lagan Bình Thuận…
Ký kết hợp tác tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao các ý kiến, tham luận chất lượng tại diễn đàn đã đóng góp, đúc rút, định hướng nhiều kinh nghiệm đối với mục tiêu phát triển nền năng lượng lượng tại Việt Nam. Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, các ý kiến tại hội nghị sẽ giúp Nhà nước hoàn chỉnh về thể chế để xây dựng được thị trường năng lượng đồng bộ, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng, giá năng lượng phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển thị trường năng lượng.
Minh Hằng
{name} - {time}
- 2023-03-24 16:26:00
Hiệu quả từ mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu ở Như Thanh
- 2023-03-24 15:39:00
Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 tại Công ty Điện lực Thanh Hóa
- 2020-07-22 09:15:00
Vinamilk liên tiếp được đánh giá thuộc TOP công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng
Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Thực hiện nghiêm túc các bước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án
Khởi công Cụm công nghiệp Xuân Hòa
Giải pháp phát triển con nuôi chủ lực
Phát huy hiệu quả chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ vừa mới thoát nghèo
Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hà Long, huyện Hà Trung đến năm 2040
Bảo đảm mực nước trên sông Mã phục vụ sản xuất vụ thu mùa 2020
Hỗ trợ các hộ có đất ở khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án Đại lộ Đông Tây, TP Thanh Hóa