Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân cùng với sự thống nhất ý chí, hành động, quyết tâm cao của các thầy, cô giáo và các em học sinh (HS), những năm gần đây ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà đã thực thi nhiều giải pháp mang tính đột phá, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn trong toàn ngành.
Một giờ học của thầy, trò Trường Tiểu học Hà Long 2 (Hà Trung).
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Thanh cho biết: Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học... Đặc biệt, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và thực thi nhiều chương trình, kế hoạch, đề án góp phần củng cố vị thế của ngành GD&ĐT xứ Thanh trong giai đoạn hội nhập và phát triển, như: Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non; Đề án sắp xếp mạng lưới các trường THPT công lập hiện có đến năm 2025; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến 2025...
Trên cơ sở thực thi các chương trình, đề án, chính sách cùng với sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, HS, ngành giáo dục Thanh Hóa đã để lại nhiều dấu ấn cả trong giáo dục đại trà và mũi nhọn. Đánh giá của ngành chức năng trong những năm qua cho thấy, Thanh Hóa là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục với tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT bình quân hằng năm đạt 98% trở lên; thứ hạng điểm trung bình chung tốt nghiệp THPT tăng dần qua từng năm học. Đơn cử như trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trung bình đạt 6,47, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 23 bậc so với năm 2020 và tăng 6 bậc so với năm 2022. Cũng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp đạt 99,40%, tăng 0,47% so với năm 2022; có 936 lượt HS đạt điểm 10 ở các môn thi, đứng thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và có 1 HS thi khối B cao điểm nhất toàn quốc (29,8 điểm). Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục (PCGD) ở các cấp học, bậc học tiếp tục được giữ vững, trong đó: 100% các xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi; PCGD tiểu học đạt mức độ 3, là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ 3, mức độ cao nhất hiện nay; PCGD THCS đạt mức độ 2 và là tỉnh thứ 12 trong toàn quốc đạt chuẩn mức độ 2.
Cùng với giáo dục đại trà, từ sự nỗ lực vượt bậc và sáng tạo của cả thầy và trò, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước tại các kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, quốc tế. Theo thống kê, từ 2013 đến nay, Thanh Hóa có 801 HS đoạt giải HS giỏi quốc gia, trong đó có 48 giải Nhất; 225 giải Nhì; 290 giải Ba và 238 giải Khuyến khích. Có 20 HS đoạt giải quốc tế, trong đó có 7 HCV, 9 HCB, 4 HCĐ và 1 Bằng khen. Đặc biệt, trong năm 2023 có 1 HS đoạt giải Nhất cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 23. Đây là năm đầu tiên Thanh Hóa có HS giành ngôi vị quán quân tại “đấu trường tri thức” này.
Những kết quả đạt được đã khẳng định “thương hiệu” giáo dục xứ Thanh trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống “Đất Thanh - đất học”. Tuy nhiên, hiện nay, ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn gặp không ít khó khăn như: Chất lượng dạy học ngoại ngữ còn thấp, cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư, trang bị nhưng nhiều nơi vẫn thiếu phòng học, thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học; sự chênh lệch chất lượng toàn diện giữa các vùng miền vẫn còn cao; đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn...
Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Thanh, trước những khó khăn, thách thức nêu trên, ngành GD&ĐT Thanh Hóa quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn với nhiều giải pháp được xác định và tập trung triển khai thực hiện như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội đối với giáo dục. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng. Tăng cường đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học; không ngừng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học ở các cơ sở giáo dục, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội... Đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngành xác định tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng HS giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT, đặc biệt là Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi ngay từ cơ sở để tạo “hạt nhân” cho những kỳ thử sức ở các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đồng thời tập trung đổi mới công tác tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn; đổi mới kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, kỳ thi chọn vào đội tuyển tham dự thi HS giỏi quốc gia bảo đảm đánh giá đúng năng lực HS.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:02:00
Thủ tướng: Quyền con người là nội dung cốt lõi, quan điểm xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam
-
2024-12-11 06:35:00
Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng đại học thế giới QS
-
2024-02-27 08:33:00
Trường THPT Hậu Lộc 2 chú trọng phát triển đảng viên là học sinh
Trường Đại học Hồng Đức gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học
Khởi công xây dựng phòng học tại điểm trường mầm non bản Cơm, xã Pù Nhi (Mường Lát)
Đổi mới công tác dạy học, hướng nghiệp sau quy định thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Ngành học mới không đi vào “vết xe cũ”
Công bố Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2024
Đại học Sư phạm Hà Nội lần đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp
Hôm nay (21/2), ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế
Khó khăn của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía