Hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục lạc hậu hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ luỵ đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số.
Những hệ lụy
Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ (là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau); giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, bác, cô, cậu, dì là đời thứ ba). Phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con rất dễ tử vong, bệnh tật. Kết hôn cận huyết cũng làm hạn chế cơ hội học tập của phụ nữ.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh... cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, tan máu bẩm sinh, thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, mù màu, bạch tạng...
Dược sỹ CKII. Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu; còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình; việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe...
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra những hậu quả xấu, làm suy thoái giống nòi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số. Trong số những trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia (hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, người bệnh cần phải điều trị suốt đời, với chi phí rất tốn kém). Những bệnh này sẽ di truyền tiếp cho đời sau, làm suy thoái giống nòi, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Trung tâm Y tế huyện Mường Lát phối hợp với xã Quang Chiểu tuyên truyền các chính sách pháp luật và công tác chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn xã.
Nỗ lực ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” (sau đây viết tắt là Đề án 498), thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có bước tiến triển tích cực.
Trong giai đoạn II của Đề án 498, đặc biệt là khi triển khai thực hiện Tiểu Dự án 9.2 Chương trình 1719, đã được các ngành, các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, mang lại những chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã tổ chức 258 hội nghị tuyên truyền/hơn 29.000 đại biểu; 26 hội nghị tập huấn/hơn 2.500 đại biểu; 20 hội thi sân khấu hóa cấp huyện; 50 hội thi sân khấu hóa, rung chuông vàng, ngoại khóa tại các trường học; in ấn phát hành 62 pa nô, 105 băng rôn và hơn 29.000 tờ rơi tuyên truyền; xây dựng: 27 mô hình điểm (3 mô hình thôn, 15 mô hình xã, 9 mô hình trường học)...
Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại cộng đồng, Chi cục Dân số đã tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về chính sách Dân số-KHHGĐ phù hợp với tập quán của người DTTS và miền núi Thanh Hóa. Tại 174 xã thực hiện đề án thành lập CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên với nội dung sinh hoạt cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết, với 348 lần sinh hoạt và hơn 17.400 lượt người tham gia.
Thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đã phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (21 xã khu vực III). Tổ chức 84 cuộc nói chuyện chuyên đề về dân số, hôn nhân và gia đình, tư vấn khám sức khỏe trước hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh trong cộng đồng thuộc 21 xã khu vực III của 8 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Triệu Sơn, với 5.040 lượt người tham dự. Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn tại xã khu vực III; hỗ trợ xét nghiệm máu (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bằng máy đếm tự động) 1.596 ca; hỗ trợ xét nghiệm nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu) 1.596 ca; hỗ trợ xét nghiệm viêm gan B 732 ca. Trong phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã tổ chức được 15 lớp tập huấn về bệnh Thalassemia và phòng chống bệnh thalassemia cho cán bộ trung tâm Y tế huyện, cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, giáo viên với 900 người tham dự.
Cùng với đó, Chi cục Dân số đã nhân bản 185.705 tờ rơi, 197 poster tuyên truyền và 4.202 tờ áp phích tuyên truyền về Thalassemia cấp phát cho các đối tượng, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế các đơn vị triển khai. Truyền thông về Thalassemia tại cộng đồng 174 cuộc với 110.440 lượt người tham dự. Tổ chức 552 cuộc hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho các tổ chức, đoàn thể xã hội; tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng 648 bài viết với 1.944 lượt phát thanh...
Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Như Xuân.
Tại huyện Như Xuân, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp quan trọng. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhờ vậy tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Xuân đã giảm hơn so với thời gian trước đây. Số cặp tảo hôn giai đoạn 2016-2020 là 23 cặp, giai đoạn 2021-2025, có 8 cặp, giảm 15 cặp; trên địa bàn huyện không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, được biết, nhận thức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, dân tộc, trong công tác chỉ đạo, các chính quyền địa phương, nhà trường thường xuyên cập nhật và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh về mô hình dân cư, mô hình trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết. Trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân (được thành lập theo lớp học, mỗi lớp là một câu lạc bộ, trong đó giáo viên chủ nhiệm lớp làm chủ nhiệm câu lạc bộ, 1 cán bộ lớp hoặc bí thư chi đoàn làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ). Các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt theo chủ đề 1 lần/tháng, linh hoạt các nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh không tảo hôn, kết hôn cận huyết như: Tuyên truyền miệng, qua loa phóng thanh, qua các cuộc thi tìm hiểu, qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt đoàn. Đồng thời treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; phát tới học sinh tờ rơi và sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân gia đình...
Áp phích tuyên truyền về bệnh Thalassemia trên các tuyến phố.
Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào DTTS đã được tuyên truyền sâu rộng hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn các huyện vùng DTTS và miền núi của tỉnh đang có xu hướng giảm (từ 2,38 năm 2021 xuống còn 1,61% năm 2024). Các huyện có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung ở các huyện như: Mường Lát 13,33%, Quan Sơn 2,39%, Thường Xuân 2,8%. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh...
Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-05-08 19:51:00
Triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời
-
2025-05-08 17:46:00
Công đoàn Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam phát động “Tháng Công nhân” năm 2025
-
2025-05-08 10:39:00
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn tặng quà cho đoàn viên, người lao động nhân Tháng công nhân năm 2025
Đối thoại trực tuyến: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; luật BHXH năm 2024 và những điểm mới
Giải quyết gần 1.300 hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe tại công an cấp xã
Bé trai trong vụ tai nạn giao thông ở Nam Định đã ổn định, được BHYT chi trả toàn bộ viện phí
Người dân có thể tham gia ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp như thế nào?
Hành hung nhân viên y tế khi họ đang làm nhiệm vụ là không thể chấp nhận được
9h ngày 8/5: Đối thoại trực tuyến “Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; Luật BHXH năm 2024 và những điểm mới”
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở khai thác, chế biến đá
Thiệu Hóa: Huy động hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở
Cán bộ xã, phường không sắp xếp khi nghỉ việc vẫn được hỗ trợ theo Nghị định 178